Sơn La:

Chỉ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch không quá một lần đối với doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc

Thứ hai, 23/05/2022 08:56
(ThanhtraVietNam) - Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 và các năm tiếp theo thông qua việc các cấp, các ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp cụ thể nhằm cải thiện vị trí xếp hạng và tiến tới tăng dần từng chỉ tiêu, chỉ số thành phần.

Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, minh bạch

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố cho thấy chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục được cải thiện; chỉ số chi phí phi chính thức của các doanh nghiệp (DN) giảm mạnh; hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính chuyển biến tích cực... Tuy vậy, cộng đồng DN cho rằng, vẫn còn nhiều nút thắt cần được chính quyền các địa phương tháo gỡ.

Theo UBND tỉnh Sơn La, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của người dân và DN, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Sơn La năm 2021 đã được cải thiện ở cả xếp hạng và điểm số, với số điểm 62,45, Sơn La xếp hạng thứ 46/63 tỉnh, thành phố, là thứ hạng tốt nhất từ năm 2016 đến nay. Dù vậy, qua điều tra PCI cho thấy cộng đồng DN tiếp tục kỳ vọng chính quyền các cấp cần có những cải cách mạnh mẽ và thực chất trên nhiều khía cạnh của môi trường kinh doanh.

Theo đó, để nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các cấp, các ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp cụ thể nhằm cải thiện vị trí xếp hạng và tiến tới tăng dần từng chi tiêu, chỉ số thành phần.

Trước hết, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc thực hiện Kế hoạch hành động số 33/KH-UBND ngày 27/01/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Các sở, ban ngành, các huyện, thành phố tăng cường hỗ trợ, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, minh bạch. Các ngành, các địa phương tiếp tục phát huy vai trò tham mưu cho UBND tỉnh trong việc nắm bắt và xử lý các vấn đề chính sách, tích cực trong việc xử lý các vướng mắc của DN. Nâng cao vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện vai trò là cầu nối giữa DN với chính quyền, tạo điều kiện để Hiệp hội tham gia thực hiện, phản biện các chính sách hỗ trợ DN.

Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ Hành chính công của tỉnh, Trung tâm xúc tiến đầu tư; tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các địa phương và đơn vị trong tỉnh trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và DN.

leftcenterrightdel
 Một góc thành phố Sơn La. Ảnh: Huy Ngoan

Cần có những cải cách mạnh mẽ và thực chất trên nhiều khía cạnh của môi trường kinh doanh

Tiếp đó, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND huyện, thành phố có trách nhiệm triển khai đồng bộ các giải pháp và công khai các kiến nghị và quá trình giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư, DN trên các Cổng thông tin điện tử của sở, ngành và địa phương, theo dõi tổng hợp và phục vụ công tác đánh giá kết quả thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và cấp sở ngành (DDCI), góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022.

Một mặt, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố chủ động, tích cực vào cuộc đồng hành, hỗ trợ cùng cộng đồng DN. Thường xuyên lắng nghe và tham vấn ý kiến của cộng đồng DN, nhất là trong quá trình xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện chính sách pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế địa phương. Các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh liên quan đến đầu tư, kinh doanh của DN khi ban hành đều được lấy ý kiến tham gia của cộng đồng DN.

Mặt khác, cần tiến hành triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác truyền thông trong giáo dục nghề nghiệp, gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch đã được duyệt; đẩy mạnh hoạt động giáo dục nghề nghiệp đảm bảo cơ cấu ngành, nghề đào tạo hợp lý; tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, từ các công ty, DN và các cá nhân có điều kiện để cùng phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện, năng lực đào tạo nghề nghiệp cho người lao động theo nhu cầu và theo hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành thuộc UBND tỉnh; UBND huyện/thành phố và các ngành thuộc ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra tỉnh trong việc xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, phối hợp xử lý các tình huống khi có sự chồng chéo (nếu có) trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN hàng năm để hạn chế việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra trên địa bàn của tỉnh, đảm bảo nguyên tắc một năm chỉ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch không quá một lần đối với DN và đơn vị trực thuộc.

Từng sở, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để cải thiện từng chỉ số thành phần PCI và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành (DDCI) gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình.

Hồng Chí
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra