Đây là con số đáng báo động do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra tại Hội nghị Tổng kết quá trình thực hiện Nghị định số 88/2002/NĐ-CP ngày 7/11/2002 của Chính phủ về quản lý xuất, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh diễn ra ngày 06/7 tại Hà Nội.
Nhiều vấn đề bất cập
Các tham luận tại Hội nghị cho thấy Nghị định số 88/2002/NĐ-CP ngày 7/11/2002 của Chính phủ về quản lý xuất, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh (sau đây gọi chung là Nghị định 88) đã thực sự đi vào đời sống của người dân, phát huy được hiệu quả tích cực, góp phần đáng kể vào việc giao lưu, hội nhập văn hóa, đồng thời ngăn ngừa có hiệu quả văn hóa phẩm có nội dung độc hại xâm nhập vào Việt Nam thông qua các cửa khẩu sân bay, cảng biển và đường biên giới… Tuy nhiên sau một thời gian dài thực hiện, đến nay một số điểm tại Nghị định 88 không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Điển hình tại Đà Nẵng, thời gian trước số lượng văn hóa phẩm xuất nhập khẩu còn hạn chế thì đến nay số lượng tăng lên đột biến gây khó khăn cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, việc các đơn vị văn hoá phẩm tiếng dân tộc, tiếng Phạn, tiếng Nhật, tiếng Hàn… nhập về ngày càng nhiều trong khi đó Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch không có chuyên viên đọc được các thứ tiếng trên, phải mời cộng tác viên tham gia và thời gian hoàn thành công việc giám định phụ thuộc hoàn toàn vào đội ngũ cộng tác viên. Chính vì vậy, việc chậm chễ và phiền hà cho công dân là điều khó tránh khỏi.
 |
Quang cảnh hội nghị tổng kết |
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thành phố Đà Nẵng cho biết, từ chỗ số lượng văn hóa phẩm xuất nhập khẩu rất ít thì năm vừa rồi tăng đột biến, có những lúc chỉ có một chùa cũng đã nhập khẩu 28 cuốn sách với rất nhiều thứ tiếng, Sở không đủ năng lực để thẩm định. Đó cũng là một vấn đề đặt ra!
Ông Nguyễn Hữu Chiến cho rằng: Nghị định 88 trong quá trình thực hiện cũng tồn tại những bất cập đòi hỏi sự phối hợp rất lớn. Ông Chiến đưa ra một ví dụ cụ thể, đối với các đơn vị văn hoá phẩm có các ngôn ngữ dân tộc khu vực Tây Nguyên thì cán bộ, chuyên viên của Sở “khóc”, phải chuyển lên Tây Nguyên, nhờ trên đó đọc sau đó chuyển lại và Sở sẽ căn cứ vào đó để tiến hành thẩm định. Chỉ riêng chuyện chuyển đi chuyển lại, tốn kém thời gian, chi phí thì cũng đã là bất cập rồi, ông Chiến khẳng định.
Bên cạnh đó, do quá trình phát triển của đất nước cũng như việc đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước dẫn đến việc quy định tên gọi của các bộ ngành cũng như việc phân định chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền trong Nghị định 88 không còn phù hợp, đồng thời cách vận dụng thực hiện Nghị định 88 của các cơ quan quản lý tại mỗi địa phương lại có sự khác nhau dẫn đến phiền hà cho người dân. Có nơi cán bộ Hải Quan và Bưu điện còn lúng túng, vướng mắc trong việc phân loại văn hóa phẩm để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục dẫn đến làm tăng thời gian, chi phí không cần thiết.
Tháo gỡ từ thực tiễn
Trước những vấn đề bất cập nêu ra tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Quỳ, Phó Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tồn tại, bất cập này là do một số địa phương không có cán bộ chuyên trách trong việc quản lý xuất, nhập khẩu văn hóa phẩm. Do đó việc cấp thiết hiện nay là xem xét, tổ chức lại con người, đội ngũ cán bộ quản lý công việc này cho chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, ông Quỳ cũng cho rằng việc nghiên cứu, xem xét các nội dung của Nghị định 88 để đưa ra những sửa đổi, bổ sung hợp lý cũng là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Từ thực tiễn đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đề ra những giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực quản lý xuất nhập khẩu văn hóa phẩm trong tình hình mới như: Đẩy mạnh nghiên cứu, tổng hợp tình hình phát triển, nhu cầu hưởng thụ văn hoá phẩm; Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội; Chú trọng hơn nữa tới công tác bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác quản lý xuất nhập khẩu văn hoá phẩm ở các địa phương cũng như một số ngành liên quan như hải quan, công an, bưu điện; Tiếp tục kiện toàn tổ chức, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác quản lý xuất nhập khẩu văn hóa phẩm…
 |
Đằng sau những băng đĩa kia, có hay không những văn hoá phẩm không được phép lưu hành??? (Hình chỉ mang tính chất minh hoạ) |
Cùng với đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đưa ra đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm, trong đó chú trọng đến việc sửa đổi Nghị định 88 và các văn bản pháp luật có liên quan để phù hợp với tình hình thực tế cũng như công cuộc cải cách hành chính của Chính phủ, đảm bảo hệ thống pháp luật được đồng bộ, thống nhất.
“Trước mắt cần huy động sức mạnh tổng hợp của tất cả các cơ quan, chính quyền được giao nhiệm vụ, đoàn thể xã hội, tuyên truyền giáo dục cho mọi người dân phát huy tinh thần yêu nước và thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa không sử dụng, kinh doanh, không lưu hành sản phẩm văn hóa độc hại để đảm bảo một thị trường văn hóa lành mạnh”, Ông Quỳ nhấn mạnh.
Rõ ràng, sau 10 năm nhìn lại, mặc dù đã xuất hiện những bất cập, nhưng cơ chế quản lý xuất, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh đã để lại nhiều dấu ấn, chuyển biến tích cực, góp phần đẩy mạnh xuất, nhập văn hoá phẩm phục vụ phát triển kinh tế xã hội, qua đó nâng cao vai trò của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quản lý xuất nhập khẩu văn hoá phẩm.
Trong những năm tới, công tác quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hoá phẩm đang đứng trước những thuận lợi, khó khăn và thời cơ mới khi Việt Nam đang từng bước hội nhập với thế giới thông qua các công ước, hiệp định và cam kết quốc tế quan trọng mà Việt Nam tham gia như công ước UNESCO 1970, hiệp định WTO, AFTA.... Cùng với việc hội nhập, những thay đổi và phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đang là một thách thức lớn đối với công tác quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm văn hoá xuất nhập khẩu và lưu hành trên thị trường nội địa.
Căn cứ tình hình thực tiễn phát triển của đất nước, từng bước tháo gỡ những bất cập, chủ động thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu văn hoá phẩm phục vụ nhu cầu đối ngoại, giao lưu văn hoá của nhân dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc sẽ góp phần quan trọng trong việc hội nhập, sánh vai với các nước trên thế giới như mong ước của Bác Hồ lúc sinh thời.
Hà Tuấn