Theo dõi và giải quyết đơn yêu cầu bồi thường oan sai là một trong những nhiệm vụ quan trọng
Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết, thời gian qua việc thực hiện công tác bồi thường của nhà nước trên địa bàn thành phố đã được các ngành, các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc. Luật TNBTCNN dần đi vào cuộc sống, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc thiết lập cơ chế bồi thường đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra khi thi hành công vụ, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trách nhiệm công vụ đối với cán bộ, công chức.
Tại địa phương, Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành được triển khai kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ từng bước được nâng cao. Các cơ quan có nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước thể hiện được tinh thần cầu thị và trách nhiệm cao.
|
|
Ảnh minh họa (nguồn: lawnet.vn) |
Xác định việc theo dõi và giải quyết đơn yêu cầu bồi thường oan sai là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Ủy ban nhân dân thành phố luôn chỉ đạo các cơ quan giải quyết bồi thường phải nghiêm túc, khẩn trương thực hiện quy trình thụ lý (từ khi tiếp nhận, phân loại và giải quyết); đảm bảo thủ tục giải quyết được thực hiện đúng trình tự theo Luật TNBTCNN.
Đồng thời, chỉ đạo Sở Tư pháp thực hiện công tác theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường, tham gia giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước. Bên cạnh đó, đối với những trường hợp phức tạp, kịp thời xin ý kiến chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Bồi thường nhà nước.
Năm 2022, thành phố thành lập Đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm tra công tác bồi thường nhà nước tại 03 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố là Sở Tài chính, Sở Công Thương và Sở Tài nguyên và Môi trường. Từ khi Luật TNBTCNN có hiệu lực đến nay, thành phố chưa phát sinh vụ việc khiếu nại, tố cáo, xứ lý vi phạm trong công tác bồi thường nhà nước theo quy định của pháp luật.
Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bồi thường nhà nước ở một số đơn vị, địa phương từng lúc chưa được thực hiện thường xuyên. Kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ công chức làm công tác bồi thường nhà nước còn hạn chế. Công tác thụ lý, giải quyết các vụ việc yêu cầu bồi thường còn kéo dài. Công tác nghiên cứu hồ sơ, xác minh, tham mưu giải quyết các vụ việc yêu cầu bồi thường gặp nhiều khó khăn. Thông tin về tình hình giải quyết yêu cầu bồi thường còn chưa kịp thời.
Nguyên nhân được xác định là do chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bồi thường nhà nước ở một số đơn vị, địa phương từng lúc đạt hiệu quả chưa cao. Công tác bồi thường nhà nước là lĩnh vực rất phức tạp, đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công tác bồi thường đa số là kiêm nhiệm, cùng lúc phải thực hiện nhiều công tác chuyên môn khác. Do đó, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng cũng như kiến thức chuyên sâu đối với từng lĩnh vực về công tác này còn hạn chế nên chất lượng giải quyết chưa cao. Mặt khác, do thời gian xảy ra vụ việc khá lâu, người có yêu cầu bồi thường không còn lưu giữ được các tài liệu liên quan đến vụ việc nên cơ quan chức năng không có đủ thông tin để truy tìm hồ sơ; do thay đổi địa giới hành chính, cơ quan chức năng cũng không còn lưu giữ hồ sơ...
Do đó, nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, Ủy ban nhân dân thành phố đã đưa ra một số kiến nghị. Cụ thể, các Bộ, ngành Trung ương cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa về kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường chuyên sâu trong hoạt động quản lý hành chính, hoạt động tố tụng và thi hành án khi có phát sinh TNBTCN; đồng thời, có văn bản thống nhất áp dụng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn khi giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước.
Về các giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành Luật, Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức hội nghị tập huấn chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường, giải đáp và hướng dẫn giải quyết một số tình huống yêu cầu bồi thường cụ thế cho địa phương.
Các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn thành phố tăng cường theo dõi, nắm bắt, dự báo tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong thực hiện Luật TNBTCNN; tiếp tục thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Tư pháp./.