Bên cạnh đó, thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về đảm bảo ổn định đời sống cho người dân tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện nhằm giải quyết thực tiễn tất yếu các vấn đề đang tồn tại, hạn chế và sẽ tiếp tục diễn ra; tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện. Đồng thời, nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng chính sách cũng như thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để nhận diện, xây dựng, hoàn thiện chính sách về di dân, tái định cư theo nguyên tắc đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, minh bạch.
Mục tiêu của Đề án nhằm rà soát, đánh giá thực trạng các chính sách về di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp và những định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện để hỗ trợ, tạo điều kiện giúp người dân tái định cư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống, đồng thời đề xuất các giải pháp giúp người dân tái định cư tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội cơ bản (gồm: giáo dục, y tế, nhà ở, nguồn nước và vệ sinh, thông tin) tại nơi ở mới, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương tiếp nhận tái định cư.
Nhiệm vụ cụ thể mà Đề án đưa ra là rà soát, hoàn thiện chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thuỷ lợi, thuỷ điện. Cụ thể, rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó bao gồm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng đối với tất cả các dự án thủy lợi, thủy điện (riêng chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư chỉ nghiên cứu áp dụng đối với các dự án thủy lợi, thủy điện đã hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sau năm 2006), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định nhằm hỗ trợ người dân tái định cư ổn định đời sống và phát triển sản xuất tại nơi ở mới.
Bên cạnh đó, điều tra, khảo sát, tổng hợp các tồn tại, hạn chế và vướng mắc trong thực tiễn đối với các vấn đề liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và sau tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện để hoàn thiện các chính sách về di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện phù hợp với thực tiễn. Thời gian hoàn thành dự kiến là năm 2020.
Mục tiêu thứ 2 mà Đề án đưa ra là thực hiện chính sách an sinh xã hội giúp người dân tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội cơ bản thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về một số chính sách đối với hộ nghèo thiếu hụt đa chiều áp dụng đối với các hộ dân tái định cư là hộ nghèo, cụ thể về: chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo; Chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế; Chính sách hỗ trợ về nhà ở; Chính sách hỗ trợ về nước sinh hoạt; Chính sách hỗ trợ về thông tin; Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác và hỗ trợ về vệ sinh (nhà tiêu hợp vệ sinh).
Quyết định nêu rõ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách địa phương để thực hiện chính sách thuộc Đề án này, nghiên cứu, xây dựng chính sách giảm nghèo tại địa phương; xây dựng giải pháp, mô hình phù hợp với địa bàn; tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật về di dân, tái định cư, giảm nghèo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; phát huy dân chủ, công khai, minh bạch; nâng cao năng lực của chính quyền cơ sở và cán bộ trực tiếp làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giảm nghèo./.
Lan Anh