Dấu mốc mới trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia

Thứ năm, 23/02/2023 15:49
(ThanhtraVietNam) – Dấu mốc được đánh dấu bằng thỏa thuận hợp tác nâng cao năng lực số và thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ở ba trụ cột: Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số được thực hiện bởi Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Viện Chiến lược Chuyển đổi số ngày 22/2, tại Hà Nội.

Hợp tác đào tạo, bồi dưỡng các chương trình về chuyển đổi số

Các nội dung phối hợp bao gồm: Hợp tác đào tạo, bồi dưỡng các chương trình về chuyển đổi số; hợp tác nghiên cứu phát triển và phối hợp tổ chức các hoạt động khoa học về chuyển đổi số.

Theo đó, Viện Chiến lược Chuyển đổi số là đơn vị xây dựng và phát triển chương trình, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT là đơn vị tổ chức thực hiện, khai thác và phối hợp giảng dạy trong nội dung hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng các chương trình về chuyển đổi số. Hai đơn vị cùng hợp tác nghiên cứu phát triển các chương trình, đề tài khoa học, các sản phẩm khoa học liên quan đến chuyển đổi số dựa trên các chủ trương, chính sách của Nhà nước, các chương trình của Chính phủ, cơ quan bộ trong nội dung về hợp tác nghiên cứu phát triển.

Trong phối hợp tổ chức các hoạt động khoa học như tổ chức hội thảo khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học, các hoạt động tư vấn, khảo sát, đánh giá chung trong lĩnh vực chuyển đổi số, 2 cơ quan cũng tiến hành triển khai nhiều nội dung.

leftcenterrightdel
TS. Đinh Đức Thiện Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT phát biểu. Ảnh: PV

Theo Viện trưởng Chiến lược Chuyển đổi số Lê Nguyễn Trường Giang, hoạt động hợp tác đào tạo sẽ hướng đến việc chuẩn hóa các khái niệm và hệ thống hóa, đồng bộ hóa các hoạt động chuyển đổi số. Cùng với đó, các nhà nghiên cứu và thực hành chuyển đổi số trong mạng lưới của Viện sẽ tham gia đào tạo các giảng viên và học viên của các lớp bồi dưỡng được tổ chức trong tương lai.

TS. Đinh Đức Thiện Hiệu trưởng Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT đánh giá: “Sự hợp tác giữa hai viện là một minh chứng cho sự hợp tác công tư trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo. “Sự kết hợp giữa các nhà nghiên cứu, các chuyên gia thực hành về chuyển đổi số và đội ngũ giảng viên sẽ mang đến sự thống nhất trong cách hiểu, cách làm và tạo ra sức mạnh tổng hợp cần thiết cho việc triển khai chuyển đổi số thành công”.

Góp phần cụ thể hóa các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, một số nội dung về tầm nhìn và mục tiêu cơ bản đáng chú ý như:

Mục tiêu cơ bản đến năm 2025 sẽ phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Trong đó có các chỉ số cụ thể như:

- 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động;

- 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);

- 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ;

leftcenterrightdel
 Lễ ký kết hợp tác

- 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội;

- 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý;

- Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Đến năm 2025, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia cũng hoạch định rõ mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế với các chỉ số:

- Kinh tế số chiếm 20% GDP;

- Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%;

- Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%;

- Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI);

- Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI);

- Việt Nam thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).

Tiếp đó, về nội dung phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số hướng tới gồm:

- Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã;

- Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh;

- Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%;

- Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Trong 5 năm tiếp theo (đến năm 2030), các mục tiêu cơ bản về: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số sẽ được nâng cao thêm mức mới.

leftcenterrightdel
 Đoàn công tác 2 bên chụp ảnh lưu niệm tại lễ ký kết hợp tác

Mục tiêu chung đến năm 2030, Chiến lược cũng xác định: Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Theo TS. Nguyễn Minh Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, sự hợp tác của Viện Chiến lược Chuyển đổi số và Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT mang tính chiến lược. Hy vọng hai bên sẽ cùng nhau xây dựng và triển khai mạnh mẽ các nội dung đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số, theo tinh thần của Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và Quyết định 146 về phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Như vậy, với tầm nhìn đến năm 2030, các hoạt động hợp tác nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo sẽ được tập trung trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số quốc gia và giải quyết các vấn đề do thực tế chuyển đổi số đặt ra ở các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp lớn. Hoạt động hợp tác nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo này sẽ góp phần dần cụ thể hóa các mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra