Mệt nhoài mùa thi
Mới 6h15 nhưng tất cả các trường đại học, các địa điểm thi ở Hà Nội đã đông nghịt thí sinh và người nhà, tất cả đều cố gắng đến sớm vì sợ tắc đường và kịp vào phòng thi. Theo thông tin nhanh từ Bộ GD&ĐT, tính đến cuối giờ đăng ký thủ tục dự thi vào ngày 3/7, cả nước có 680.597 thí sinh đến đăng ký thủ tục dự thi, đạt 74,83% so với hồ sơ đăng ký trước đó (909.503 hồ sơ).
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thì năm nay công tác chuẩn bị cho kì thi của các trường đại học trong cả nước làm khá tốt, hầu hết các địa điểm thi đều không có các trục trặc do sơ suất trong công tác tuyển sinh gây ra, số lượng thí sinh phải sửa lại sai sót trong hồ sơ tuyển sinh không nhiều.
 |
Mệt nhoài sau buổi thi |
Đúng 7 giờ, thí sinh bắt đầu vào phòng thi. 7 giờ 30 phút, các thí sinh bắt đầu làm bài thi môn toán với hình thức tự luận trong thời gian 180 phút. Trước các địa điểm thi, nhìn chung công tác đảm bảo an ninh trật tự năm nay làm khá tốt, bên cạnh các lực lượng chức năng, công an giao thông còn có sự tham gia của lực lượng sinh viên tình nguyện nên không có cảnh tắc trước các địa điểm thi như các năm trước. Chị Trần Thị Lan, quê Bình Lục, Hà Nam đưa con đi thi cho biết hai mẹ con đã lên Hà Nội từ sáng ngày 2/7 để tìm nhà trọ, ổn định chỗ ăn ở cho con trong những ngày thi. Khi được hỏi giá phòng thuê trọ chị cho biết thuê trọ lại phòng sinh viên với giá 200 nghìn/ngày, phòng rộng khoảng 15 m2 và ở chung cùng với 2 thí sinh khác.
Không may mắn như chị Lan, anh Nguyễn Văn Tuấn ở Bắc Giang có con đăng ký dự thi vào khoa sư phạm Toán, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Hai bố con mãi sáng 3/7 mới xuống Hà Nội, phòng trọ hết nên đành thuê nhà nghỉ. Mùa thi, giá nhà nghỉ cũng theo đó mà tăng cao, giá 500 nghìn đồng/ngày đêm. Mãi sáng 5/5 mới thi xong môn cuối cùng, vậy chi là hết đúng 1 triệu rưỡi tiền… thuê trọ. “Đem con đi thi lần này coi như bằng giá của 5 tạ thóc mới thu hoạch xong. Nhưng mười hai năm nuôi con ăn học cũng chỉ có một lần này, chả nhẽ lại thôi. Biết là tốn kém nhưng tất cả vì con cái, còn tương lai cuộc đời nó nữa, đúng không chú?” – trên nét mặt người cha nở một nụ cười hồn hậu.
Các quán nước xung quanh các địa điểm thi chật cứng người. Mùa thi, giá cũng theo đó mà tăng. Giá một chai nước ngọt C2 bình thường bán có 5 ngìn đồng, trà chanh giá 8 nghìn đồng thì ngày thi tăng tất cả đều tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba. Khi chúng tôi hỏi mua một chai nước C2, chủ quán bảo giá 15 nghìn đồng, thậm chí thuốc lá Vinataba bán lẻ cũng có giá lên đến 2000 đồng/điếu! Khi được hỏi nguyên nhân tăng giá thì bà chủ quán trả lời thản nhiên: lạm phát, tất cả đều tăng (!)
Nhìn chung tình trạng “chặt chém” theo kiểu “tát nước theo mưa” của các dịch vụ trong mùa thi là khá phổ biến và cũng không thể kiểm soát được.
Đề Toán năm nay khó
Kết thúc buổi thi môn Toán, nhiều thí sinh có chung nhận định đề Toán năm nay tương đối khó, nhất là với thí sinh học lực trung bình. Ngay cả với học sinh khá, giỏi cũng không thể hoàn thành trọn vẹn.
Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Thị Mai, quê ở Thái Nguyên, tốt nghiệp THPT loại khá nhận định: “Em giải quyết chắc được 70-80% đề thi. Đề Toán năm nay theo em thấy tương đối khó, phân loại thí sinh rõ ràng”. Thí sinh này cũng nhận định đề Toán năm nay, phần hình học khó hơn phần đại số.
 |
Hầu hết các thí sinh nhận định đề toán năm nay khó nhằn |
Chung tâm trạng ấy, thí sinh Nguyễn Thái Ngọc, quê ở Diễn Châu chia sẻ: “Em thi năm hai rồi nên không hồi hộp lắm, phần lớn thời gian em tự ôn ở nhà. Mà đề thi chủ yếu là kiến thúc trong sánh giáo khoa. Nói chung em làm cũng tạm ổn, đánh giá có thể đạt điểm 7, 8 gì đó”. Bạn Nguyễn Thị Ngọc quê ở Thanh Hóa, năm nay thi vào khoa Quản trị kinh doanh thì phấn khởi: “Vậy là xong một môn, em vui lắm vì bài em làm khá tốt. Đề năm nay chỉ cần bạn nào chăm chỉ là cũng làm được hết phần cơ bản rồi”.Tuy nhiên, một số thí sinh khác cũng chưa được bằng lòng với môn thi đầu tiên, bởi quá chủ quan: “Theo bản thân em thì đề năm nay có khó hơn năm ngoái, em chỉ được 50% thôi...”, thí sinh Trần Thị Nguyệt chia sẻ.
Nhiều cụm thi trên địa bàn Hà Nội đều có thí sinh ra khỏi phòng thi sau khoảng 2/3 thời gian. Tại điểm thi Học viện Báo chí Tuyên truyền, em Nguyễn Sao Mai (quê Yên Bái) nhận định, đề Toán dài và gây khó cho thí sinh có mức học trung bình, ngay cả đối với học sinh khá, giỏi cũng không thể hoàn thành trọn vẹn.
Theo Lê Văn Hùng (học sinh trường chuyên THPT Lê Hồng Phong, Nam Định), cho biết khó nhất là phần giải hệ phương trình và hình học. Theo Hùng, phần khảo sát đồ thị dù dễ hơn nhưng cũng chỉ có thể làm được nửa; còn phần tích phân thì cũng mất nhiều thời gian để hoàn thành.
Em Nguyễn Thị Yến (quê Nghệ An) cho biết, em làm cũng khoảng 50% nhưng có thể không đúng hết đáp án vì thế cũng rất hồi hộp chờ đợi kết quả.
Được biết, trong buổi thi đầu tiên, số thí sinh đến dự thi đạt 82%. Kết thúc buổi thi, theo nhận định chung của nhiều thí sinh thì đề thi môn Toán năm nay khó hơn năm trước. Theo quan sát của chúng tôi, tại nhiều địa điểm thi, sau khi hết 2/3 thời gian làm bài, nhiều thí sinh đã nạp bài ra về.
Chiều nay, thí sinh sẽ bước vào môn thi Vật lý với hình thức thi trắc nghiệm, thời gian làm bài là 90 phút.
Tiếp tục cập nhật...
Như Hoàn – Hoàng Sơn