Điều chỉnh chính sách tài khoá và những tác động tích cực

Thứ năm, 22/05/2014 14:11
(ThanhtraVietnam) - Với những điều chỉnh trong chính sách tài khoá thời gian qua, tình hình kinh tế đã có những chuyển biến tích cực. Đến hết năm 2013, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng đạt được kết quả cao hơn so với mức đánh giá trước đó vào tháng 10/2013, trong đó tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 5,42% , kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4% , có thặng dư trong cán cân thương mại, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,04% , lãi suất giảm, tỷ giá ổn định... Kết quả tích cực này được tiếp tục duy trì sang năm 2014, tăng trưởng GDP quý I/2014 ước đạt 4,96%, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ của 2 năm gần đây.

(ThanhtraVietnam) - Với những điều chỉnh trong chính sách tài khoá thời gian qua, tình hình kinh tế đã có những chuyển biến tích cực. Đến hết năm 2013, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng đạt được kết quả cao hơn so với mức đánh giá trước đó vào tháng 10/2013, trong đó tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 5,42% , kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4% , có thặng dư trong cán cân thương mại, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,04% , lãi suất giảm, tỷ giá ổn định... Kết quả tích cực này được tiếp tục duy trì sang năm 2014, tăng trưởng GDP quý I/2014 ước đạt 4,96%, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ của 2 năm gần đây.


TS. Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính nhận định, chính sách thu NSNN trong giai đoạn 2011-2014 đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc thực hiện miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và một số khoản thu NSNN . Bên cạnh đó, công tác rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách thuế theo hướng giảm thuế suất (như thuế TNDN sửa đổi năm 2013), tăng mức giảm trừ cho bản thân và người phụ thuộc (thuế TNCN sửa đổi năm 2012)… đã góp phần giảm gánh nặng về thuế đối với các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Ngoài ra, việc tăng cường quản lý thuế cũng đã đem lại kết quả thu NSNN tích cực. Thu NSNN năm 2011, 2012, 2013 tăng so với dự toán lần lượt là 21%; 1,9%; 0,8%.

Thực hiện thu NSNN quý I giai đoạn 2010-2014 (% so với dự toán)

Đặc biệt, trong quý I/2014, tổng thu NSNN bằng 24,9% dự toán, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2013, đạt khá về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so với cùng kỳ  trên cả ba nguồn thu chính là thu nội địa, thu từ dầu thô và thu từ cân đối hoạt động xuất nhập khẩu. Cụ thể: Thu nội địa ước đạt 133.680 tỷ đồng, bằng 24,8% dự toán, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2013 (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 16,3%). Một số khoản thu nội địa đạt bằng và cao hơn tiến độ dự toán như khoản thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (27,4%), thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài nhà nước (27,3%), thuế sử dụng đất nông nghiệp (25%), thuế thu nhập cá nhân (29,9%), và thu bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (27,7%)... Ước tính có trên 60% địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 25%), so với cùng kỳ năm 2013, có 51/63 địa phương thu cao hơn, 12 địa phương thu thấp hơn. Thu từ dầu thô cũng đạt cao hơn so với tiến độ dự toán và so với cùng kỳ năm 2013 (thu từ dầu thô ước đạt 26.090 tỷ đồng, bằng 30,6% dự toán, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2013 ). Riêng thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu mặc dù đạt thấp so với tiến độ dự toán (ước đạt 34.550 tỷ đồng, bằng 22,4% dự toán) nhưng so với cùng kỳ năm 2013 đã tăng 29%. Kết quả này đạt được chủ yếu do kim ngạch một số mặt hàng chịu thuế suất cao, trị giá lớn tăng mạnh so với cùng kỳ .

Bên cạnh đó, chính sách chi NSNN theo hướng chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách chi NSNN đã được đưa ra, cùng với đó là việc tiết kiệm ngân sách đã được áp dụng triệt để. Theo đó, trong những năm qua NSNN đã đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chi đề ra, đảm bảo tỷ lệ chi NSNN đối với một số lĩnh vực theo các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và quyết định của Chính phủ. Chi NSNN cho an sinh xã hội được đảm bảo.

Trong đó, quý I/2014 NSNN đã tập trung hỗ trợ gạo dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2014, bổ sung kinh phí cho địa phương thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên thực hiện cải cách tiền lương năm 2013; Ngoài ra, ngành tài chính cũng tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về quản lý và sử dụng nguồn NSNN trong một số lĩnh vực, nội dung như hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện…

Công tác quản lý, kiểm soát chi tiêu được tăng cường. Năm 2013 , hệ thống KBNN ước thực hiện kiểm soát chi đối với gần 648.300 tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN, đã phát hiện trên 77.000 khoản chi của trên 34.600 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối chưa thanh toán với số tiền trên 1.400 tỷ đồng chưa đủ điều kiện chi theo quy định; đối với chi đầu tư phát triển, đã giải ngân qua hệ thống KBNN ước đạt 197.790 tỷ đồng, thông qua kiểm soát đã từ chối thanh toán khoảng 80 tỷ đồng do chủ đầu tư đề nghị thanh toán cao hơn giá trúng thầu, sai số học hoặc không có trong hợp đồng, dự toán,... Trong quý I/2014, KBNN đã thực hiện kiểm soát chi đầu tư và chi thường xuyên thuộc dự toán năm 2014. Thông qua kiểm soát chi NSNN, KBNN đã phát hiện hơn 9.000 khoản chi thường xuyên chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối thanh toán 20 tỷ đồng và từ chối thanh toán khoảng 40 tỷ đồng chi đầu tư phát triển.

Ngoài ra, chú trọng công tác huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển đồng thời đảm bảo mức dư nợ công trong giới hạn đề ra.

Năm 2013, nhu cầu huy động vốn cho bù đắp bội chi ngân sách, trái phiếu Chính phủ và đảo nợ lên tới 300.000 tỷ đồng, tăng trên 100.000 tỷ đồng so với năm 2012. Trong đó, riêng kênh phát hành trái phiếu Chính phủ (kể cả số giao bổ sung) lên tới trên 180.000 tỷ đồng. Để thực hiện nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch huy động và giao cho các đơn vị liên quan thực hiện đồng thời công bố công khai kế hoạch phát hành ngay từ đầu năm; điều hành linh hoạt lãi suất, kỳ hạn, tần suất phát hành để đảm bảo khối lượng huy động với chi phí phù hợp; tăng cường phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 15 năm,... Nhờ vậy, việc huy động vốn đã đạt yêu cầu đề ra, riêng trái phiếu Chính phủ đã phát hành được trên 181.000 tỷ đồng, đạt kế hoạch huy động. Quý I/2014 đã thực hiện phát hành trên 83.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển , bằng 28% nhiệm vụ huy động vốn trong nước năm 2014.

Nợ công, nợ Chính phủ vẫn đảm bảo trong giới hạn quy định, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Tính đến 31/12/2013, dư nợ công bằng 55,2% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 43,2% GDP, dư nợ nước ngoài bằng 39% GDP.

Chính sách tín dụng nhà nước tập trung vào tín dụng đầu tư nhà nước, tín dụng xuất khẩu và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. Trong 4 năm 2011-2014 chính sách tín dụng nhà nước được thực hiện theo hướng: (i) tín dụng đầu tư tập trung vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp, các dự án đầu tư tại các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, bãi ngãng…; (ii) tín dụng xuất khẩu tập trung vào các nhóm hàng nông, lâm, thủy sản; thủ công mỹ nghệ; các sản phẩm công nghiệp và phần mềm tin học .

Như vậy, với những điều chỉnh trong chính sách tài khoá thời gian qua, tình hình kinh tế đã có những chuyển biến tích cực. Đến hết năm 2013, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng đạt được kết quả cao hơn so với mức đánh giá trước đó vào tháng 10/2013, trong đó tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 5,42% , kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4% , có thặng dư trong cán cân thương mại, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,04% , lãi suất giảm, tỷ giá ổn định... Kết quả tích cực này được tiếp tục duy trì sang năm 2014, tăng trưởng GDP quý I/2014 ước đạt 4,96%, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ của 2 năm gần đây . Nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý I/2014 đạt mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2013. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2014 tăng 5,2% , giá trị sản xuất xây dựng tăng 3,4% so với cùng kỳ 2013. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý I/2014 cũng tăng 3,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 14,1%; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tăng 12,4%; lãi suất tín dụng tiếp tục có xu hướng giảm ; lạm phát giảm ; doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 16,9% về số doanh nghiệp và tăng 23,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013…

Nhất Anh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra