Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Lộc Ninh tại lễ kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng huyện năm 2017 .
Sức sống mới ở Lộc Ninh
Mục tiêu trong 5 năm tới của huyện là tiếp tục đổi mới toàn diện, thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương kết hợp với xúc tiến, kêu gọi đầu tư để hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần từng bước cải thiện bộ mặt nông thôn và đời sống vật chất, tinh thần trong nhân dân, nhất là nhân dân vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, giữ vững quốc phòng - an ninh và đối ngoại huyện biên giới” - Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh - Hoàng Nhật Tân khẳng định.
Lãnh đạo huyện Lộc Ninh trao quyết định bổ nhiệm các chức danh
Năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, Lộc Ninh tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, phức tạp do thời tiết diễn biến thất thường. Trong khi giá các mặt hàng nông sản chủ lực của huyện như cao su, tiêu có chiều hướng giảm sâu; một số doanh nghiệp hoạt động khó khăn, dẫn đến nguồn thu ngân sách giảm. Bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, NQ năm 2018 của Huyện ủy và tình hình thực tế địa phương, huyện đã xây dựng nhiều giải pháp khắc phục tác động tiêu cực, đồng thời quyết liệt, chủ động trong chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.
Lộc Ninh hướng đến nông nghiệp công nghệ cao
Những thành tích nổi bật trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện trong năm 2018: 4/4 chỉ tiêu về kinh tế đạt và vượt so với nghị quyết năm 2018 đề ra. Mục tiêu 5 năm tới, Lộc Ninh vẫn xác định nông nghiệp công nghệ cao đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, có nhiều mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng tham gia chuỗi liên kết giá trị trong xây dựng nông thôn mới. Huyện còn xây dựng một số mô hình hợp tác xã kiểu mới, mô hình sản xuất công nghệ cao, góp phần tạo chuỗi giá trị và nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Từ năm 2015, huyện Lộc Ninh đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển kinh tế hợp tác, trong đó lấy kinh tế HTX làm trung tâm. Đến nay, toàn huyện có 135 trang trại và cùng 19 hợp tác xã nông nghiệp - thương mại - dịch vụ.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính thu hoạch 4 vụ/năm, doanh thu đạ 120 triệu đồng/vụ
Nhiều nông dân tỉnh Bình Phước đã nắm bắt tốt cơ hội thời nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao để biến vùng đất ít ai quan tâm thành nơi cho kinh tế cao, mở ra hướng làm giàu chính đáng. Mô hình nhà kính trồng dưa lưới kiểu Nhật ra đời trên vùng đất biên giới Lộc Ninh đã cho thấy hiệu quả và đang kích cầu cho cả vùng nông nghiệp lạc hậu trở thành vùng đất sôi động.
Từ năm 2014, nhãn hiệu tập thể "Hồ tiêu Lộc Ninh-Bình Phước" đã chính thức lưu hành trong nước cũng như trên thị trường thế giới, góp phần nâng cao giá trị, danh tiếng cho sản phẩm và bảo tồn các giống tiêu truyền thống có chất lượng và đặc trưng riêng, tạo thế bền vững cho hồ tiêu Lộc Ninh. Hiện tại, Lộc Ninh đã thành lập các HTX kiểu mới và tiến tới Liên minh HTX để trực tiếp hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật, cấp vốn ưu đãi, hỗ trợ đầu ra, để sản xuất bền vững và có sản phẩm tiêu sạch xuất khẩu.
Vùng hồ tiêu Lộc Ninh - Bình Phước
Năm 2018, huyện đã hỗ trợ phát triển sản xuất, đã chỉ đạo phối hợp với Trung tâm Khuyến Nông tỉnh triển khai dự án “ chuỗi cung ứng tiêu bền vững”; tổ chức hội thảo “ Sản xuất Hồ tiêu bền vững – an toàn vệ sinh thực phẩm”, tổ chức 40 lớp tập huấn chuyển giao khoa học đến người dân với 1.800 lượt người tham dự,…Tổng diện tích cây trồng của huyện hiện có 55.196 ha, trong đó 45.349 ha cây lâu năm. Đây cũng là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu cũng như thổ nhưỡng để Lộc Ninh tận dụng lợi thế phát triển diện tích cây lâu năm, trong đó hồ tiêu được xác định là cây chiến lược của huyện.
Ngoài sản xuất tiêu sạch, Lộc Ninh quy hoạch 17 ha đất nông nghiệp để đầu tư trồng bơ sáp, bưởi da xanh và rau sạch nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức về chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Ðây là hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Các vườn cây ăn quả cùng với cây truyền thống như: caosu, hồ tiêu, điều sẽ tạo thành một bức tranh kinh tế tươi sáng ở vùng biên giới huyện Lộc Ninh.
Vườn bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP của hộ ông Nguyễn Văn Phúc ở ấp 8, xã Lộc An - Lộc Ninh
Những thành quả Lộc Ninh đạt được
Tỉnh đã công nhận 2 xã Lộc Tấn, Lộc Thạnh về đích nông thôn mới trong năm 2018. Các xã còn lại đạt từ 9-15 tiêu chí. Huyện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ làm đường giao thông nông thôn. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 32,7 tỷ đồng, bằng 103,91% kế hoạch. Điện lực tiếp tục được đầu tư nâng cấp, đưa tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 96%, vượt so KH đề ra...
Huyện đã đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển kết cấu hạ tầng với tổng vốn 113,17 tỷ đồng gồm 56 danh mục công trình; đã giải ngân được 95,772/113,14 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch vốn huyện giao. Đồng thời, tập trung chỉ đạo xử lý, đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình trọng điểm, nhất là các dự án mở rộng quốc lộ 13, giai đoạn 2 và dự án Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Tà Thiết.
Năm 2018, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt trên 190 tỷ đồng, đạt 117% dự toán điều chỉnh HĐND thông qua; tổng chi ngân sách nhà nước thực hiện gần 716,783 tỷ đồng, đạt 98,4% dự toán HĐND huyện thông qua...
Về văn hóa, xã hội có 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao, truyền thanh, tuyên truyền các sự kiện chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn và nhiệm vụ của địa phương được thực hiện đạt hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 95,44%. Thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả cấp học, bậc học, duy trì 16/16 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non 5 tuổi, Tiểu học, THCS. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quản lý và dạy học, tiếp tục đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia; công tác sáp nhập, tinh giản bộ máy các trường theo Đề án 343 của Huyện ủy đạt kết quả cao...
Các chính sách, giải pháp đảm bảo an sinh xã hội được đẩy mạnh, góp phần ổn định đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách và người có công. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,12% (337 hộ) nên toàn huyện còn 1.658 hộ nghèo, chiếm 5,57% tổng số hộ trong huyện...Công tác cải cách hành chính, công tác thanh tra, theo dõi xử lý sau thanh tra, phòng chống tham nhũng; công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết tranh chấp khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm, kịp thời. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Giải pháp để hoàn thành những chỉ tiêu kế hoạch năm tiếp theo
Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh - Hoàng Nhật Tân chia sẻ: Lộc Ninh là huyện biên giới, kinh tế thuần nông nên thu ngân sách thấp hơn mặt bằng chung cả tỉnh. Đảng bộ, chính quyền Lộc Ninh trong những năm tiếp theo cần khai thác lợi thế nông nghiệp như cao su, hồ tiêu, cây ăn trái để thu hút đầu tư công nghiệp chế biến nông sản, nhằm tăng nguồn thu. Đồng thời hướng dẫn nông dân sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, huyện cũng đề ra nhiều mục tiêu phấn đấu cụ thể, như: Dự toán năm 2019, tổng thu ngân sách địa phương đạt trên 693 tỷ đồng đến năm 2020 là 195 tỷ đồng; có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân các xã đạt từ 14-15 tiêu chí; tỷ lệ giảm nghèo /năm theo tiêu chí đa chiều 0,5- 0,7%; bao phủ bảo hiểm y tế đạt 85%, tỷ lệ xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế xã 14/14,; hộ dân sử dụng điện đạt 97%; hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,35%, đạt 94% “Gia đình văn hóa”...
Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là xây dựng và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, vùng nông nghiệp công nghệ cao theo hướng phát triển kinh tế tập thể liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông). Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích hợp tác xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, kết hợp phát triển lâm nghiệp với nông nghiệp và các ngành nghề nông thôn tăng thu nhập cho nông dân.
Huyện cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tổng thể về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đảm bảo đúng kế hoạch đề ra. Tập trung rà soát, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí đối với từng xã, nhất là 3 xã phấn đấu về đích năm 2019 (Lộc Thuận, Lộc Thịnh, Lộc Điền). Khuyến khích đầu tư phát triển mạnh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương.
Đẩy mạnh các hoạt động thương mại - dịch vụ, phát triển du lịch gắn với Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Tà Thiết. Đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các tỉnh, huyện của Vương quốc Campuchia giáp ranh...
Bên cạnh đó, Lộc Ninh phát triển đô thị tạo nguồn thu bền vững. Đó cũng là định hướng mang tính thực tiễn của Đảng bộ huyện Lộc Ninh trong nửa nhiệm kỳ còn lại 2018-2020: Phấn đấu đưa thị trấn Lộc Ninh trở thành đô thị loại IV; tạo nguồn thu từ thế mạnh đất đai; tiềm năng du lịch, di tích lịch sử gắn với kinh tế mậu biên...
Ðảng bộ chính quyền và nhân dân địa phương chung sức, đồng lòng xây dựng Lộc Ninh - vùng đất phên dậu của Tổ quốc giàu đẹp và phát triển bền vững, xứng đáng với danh hiệu cao quý huyện “Anh hùng lực lượng vũ trang”.
Kim Dung