 |
Lewis Hamilton, tay đua nổi tiếng liều lĩnh - Ảnh Getty |
Vua liều mạng
Và có lẽ cũng chẳng mấy ai ngạc nhiên khi biết rằng Lewis Hamilton có liên quan tới hai trong số các vụ va chạm nói trên. Ngay ở khúc cua thứ hai tại vòng đua thứ ba và cũng là vòng đua đầu tiên sau khi safety car rời khỏi đường đua, chiếc McLaren của Hamilton đã va chạm với chiếc Red Bull của Mark Webber khiến tay đua người Australia bị mất lái và tụt từ vị trí thứ tư xuống tốp cuối của đoàn đua. Năm vòng đua sau đó, tay đua người Anh tiếp tục là tâm điểm của một vụ va chạm khác, nhưng lần này anh lại là nạn nhân. Trong nỗ lực vượt qua chính người đồng đội tại McLaren là Jenson Button, xe của Hamilton đã bị chèn vào tường rào đường pit khiến bánh sau bên trái bị nổ, qua đó đặt dấu chấm hết cho những hy vọng của anh tại Canadian Grand Prix 2011.
Mùa giải F1 năm 2011 mới đi qua bảy chặng đua, nhưng Hamilton đã có tới sáu lần phải đến văn phòng của các kiểm soát viên đường đua vì những pha va chạm có liên quan tới chiếc McLaren MP4-26 của anh. Từ khi tên tuổi của Hamilton nổi lên trong làng F1 thế giới, anh đã được biết đến với những pha xử lý cực kỳ táo bạo đằng sau chiếc vô-lăng. Kiểu lái này đã đem lại cho tay đua người Anh nhiều thành công vang dội, trong đó có danh hiệu vô địch thế giới F1 vào năm 2008, nhưng mặt khác cũng khiến anh phải chịu không ít chỉ trích vì độ nguy hiểm mà nó mang lại. Dù Hamilton đã phải thi hành hết án phạt này đến án phạt khác, nhưng anh vẫn kiên quyết trung thành với kiểu lái “bạt mạng” của mình.
Anh phát biểu: “Đó là một phần của đua xe. Khi chiếc McLaren của tôi chạy nhanh hơn hẳn xe của đối thủ phía trước nhưng đường đua lại quá hẹp khiến tôi gặp khó khăn trong việc vượt lên, tôi phải có những pha xử lý mang tính đột phá. Tôi chấp nhận sự mạo hiểm, vì nếu không tôi đã chẳng trở thành một tay đua công thức 1”.
Cơn bão chỉ trích
Trong khi đó, những tay đua khác đang đồng loạt lên tiếng chỉ trích kiểu lái của đồng nghiệp người Anh. Trong đó, người phản ứng quyết liệt nhất là Felipe Massa của Ferrari, nạn nhân của một pha va chạm với Hamilton tại Monaco Grand Prix hồi tháng 5. Tại vòng 34 của chặng đua hôm đó, Hamilton đã cố vượt qua Massa tại một khúc cua hẹp. Tay đua người Brazil đã rất cố gắng tránh va chạm với Hamilton nhưng kết quả là mũi xe của anh đã đập vào bánh sau chiếc Red Bull của Mark Webber khiến chiếc F150 của anh bị mất lái, đâm vào tường chắn và hư hỏng nặng. Massa không còn sự lựa chọn nào khác, đành phải bỏ cuộc. Trả lời phỏng vấn sau cuộc đua hôm đó, Massa đã không giữ được bình tĩnh: “Thật không thể tin được điều anh ta (Hamilton) vừa làm. Nó thể hiện sự thiếu tôn trọng, không chỉ với tôi, mà còn với các tay đua khác”.
Cũng tại Monaco Grand Prix 2011, Hamilton còn gây tai nạn cho chiếc Williams của Pastor Maldonado khiến tay đua người Italia phải bỏ cuộc ở những vòng đua cuối. Với hai tai nạn anh gây ra cho Massa và Maldonado, Hamilton đã hai lần phải thi hành án phạt drive-through penalty (lái xe qua pit lane ở tốc độ tối thiểu). Nhưng với Massa, như thế vẫn là chưa thỏa đáng: “Tôi cho rằng Liên đoàn Đua xe Thế giới (FIA) cần có những án phạt ở mức độ nặng hơn đối với Hamilton vì nếu không, anh ta sẽ chẳng bao giờ rút ra được bài học”.
Không chỉ những tay đua đương đại lên tiếng chỉ trích Hamilton, huyền thoại F1 Niki Lauda, người đã ba lần giành chức vô địch thế giới, cũng cho rằng kiểu lái của tay đua người Anh là hết sức “điên rồ”. Ông phát biểu: “Những gì Hamilton đang làm đã đi quá mọi giới hạn về độ an toàn của F1. Nếu FIA không có những biện pháp thích đáng, tôi không hiểu cậu ta sẽ còn gây ra những gì. Cứ tiếp diễn thế này, không sớm thì muộn, Hamilton sẽ gây ra những tai nạn chết người”.
Cựu vô địch thế giới F1 và hiện đang là kiểm soát viên đường đua Montreal, Emerson Fittpaldi, khuyên Hamilton nên điều chỉnh những pha xử lý của anh một cách “điềm tĩnh hơn”. Ông phát biểu: “Lewis là một tay đua tài năng, một người đã từng vô địch thế giới. Nhưng tôi nghĩ cậu ta nên hạn chế đưa ra những quyết định mạo hiểm khi cố gắng vượt qua các tay đua khác. Ở Monaco, cậu ta đã đặt Massa vào thế khó. Tôi nghĩ cái gì cũng phải có giới hạn của nó. Và Hamilton cần tôn trọng các đối thủ của anh hơn”.
Liên tục đâm xe
Gần đây, với số lượng các vụ va chạm ngày càng tăng, các kiểm soát viên đường đua đang phải làm việc hết sức vất vả để đưa ra những án phạt công minh nhất vì những quyết định của họ luôn có ảnh hưởng rất lớn đến cục diện của cuộc đua. Nhưng làm việc trong giới cầm cân nảy mực, lúc nào cũng vậy, không thể tránh khỏi những chỉ trích. Nhiều người cho rằng các kiểm soát viên tại Montreal đã nhẹ tay với Button trong hai vụ va chạm mà anh có liên quan đến.
Vụ va chạm thứ nhất, như đã đề cập ở trên, xảy ra ở vòng đua thứ tám, khi Hamilton cố vượt qua Button nhưng đã bị người đồng đội tại McLaren chèn vào tường của đường pit khiến bánh sau bên trái xe của Hamilton bị nổ lốp và anh phải bỏ cuộc. Button sau đó đã xin lỗi đồng đội của mình, kèm theo lời giải thích rằng vào lúc đó gương chiếu hậu trên xe của Button đã bị nước mưa bắn che khuất tầm nhìn. Nhưng ai dám chắc rằng đó không phải là một chút “tiểu xảo” của Button nhằm cản không cho Hamilton vượt lên? Nên nhớ F1 không phải là môn thể thao đồng đội, hai tay đua có thể cùng đầu quân cho một đội nhưng sẽ không có chuyện nhường nhịn hay kiêng nể khi cả hai đang tranh giành vị trí với nhau.
Vụ va chạm thứ hai xảy ra giữa Button và Fernando Alonso của Ferrari. Khi đang cố gắng vượt qua Alonso, mũi xe của Button đã va vào thân xe của Alonso khiến chiếc Ferrari bị dạt ra khỏi đường đua và đâm vào tường rào bên cạnh, và tay đua người Tây Ban Nha phải bỏ cuộc. Xem lại pha quay chậm, có thể thấy Alonso đang hơn Button tới nửa thân xe khi có va chạm. Thêm vào đó, Button hoàn toàn có thể lái dạt sang bên phải để tránh va chạm nhưng anh lại quyết định bám đường, và va chạm là không thể tránh khỏi. Tuy không thể khẳng định Button cố ý, nhưng rõ ràng tai nạn của Alonso hoàn toàn do lỗi của tay đua người Anh và anh xứng đáng phải nhận một drive-through penalty. Nhưng các kiểm soát viên lại không bắt lỗi Button trong tình huống đó. Thử hỏi nếu Button phải chịu án phạt nói trên thì liệu anh có thể bắt kịp Vettel ở vòng cuối để rồi vượt lên hay không?
Thiết nghĩ, FIA nên có những chỉnh sửa và bổ sung những luật lệ chặt chẽ hơn trong các tình huống tranh chấp vị trí nhằm đảm bảo cho sự công bằng của mỗi cuộc đua và quan trọng hơn là sự an toàn của chính các tay đua.
Theo Đức Huy / TT&VH Online