Gắn bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển bền vững ở Vườn quốc gia Ba Vì

Thứ sáu, 25/05/2018 08:40
(ThanhtraVietNam) - Vườn quốc gia Ba Vì đang quản lý hơn 9.700 ha rừng và đất rừng thuộc địa giới hành chính của 16 xã, 5 huyện và hai tỉnh Hà Nội và Hòa Bình. Kinh tế trong vùng chưa phát triển, mang nặng tính tự cấp tự túc, do vậy việc tác động vào diện tích rừng vẫn còn xảy ra... Bởi vậy, Vườn quốc gia Ba Vì đã thực hiện nhiều biện pháp gắn bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển bền vững.

Vườn quốc gia Ba Vì có đa dạng các kiểu hệ sinh thái và quần xã thực, động vật rừng. Hệ sinh thái rừng ở Ba Vì là rừng kín lá rộng. Rừng trồng gồm các loài cây chủ yếu như keo, thông, long não, giổi, muồng đen, trám, sấu, nhội, sến... Cây sinh trưởng tốt chủ yếu trồng ở sườn và chân dẫy núi Ba Vì.   

Hệ thực vật rừng ở đây đã xác định được 1.209 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 633 chi và 157 họ. Một số họ chỉ có một chi, một loài như: Họ tuế, họ bách, họ phỉ, họ sơn liễu, họ ngũ mạc. Trong sách đỏ Việt Nam 2007 Vườn quốc gia Ba Vì có 36 loài, điển hình là bách xanh, thông tre, sam bông, sến mật, phỉ ba mũi… Thực vật đặc hữu có 49 loài, điển hình như sặt Ba Vì, thu hải đường Ba Vì, trân châu Ba Vì... Cây có giá trị sử dụng gỗ có 251 loài. Thực vật cây thuốc có tới 503 loài thuộc 118 họ, 321 chi, chữa 33 loại bệnh và chứng bệnh khác nhau, trong đó có nhiều loài thuốc quý như: Hoa tiên, huyết đằng, bát giác liên, râu hùm, hoằng đằng... Khu hệ động vật rừng ở Vườn quốc gia Ba Vì đã thống kê được 348 loài. Trong đó, có 50 loài quí hiếm và 2 loài đặc hữu là thằn lằn tai Ba Vì, ếch vạch.  

Trong số 63 loài thú đã ghi nhận ở Vườn quốc gia Ba Vì, có 21 loài thú quý hiếm, trong đó 1 loài cấp rất nguy cấp, 5 loài cấp nguy hiểm và 15 loài sẽ nguy cấp. Có 8 loài nghiêm cấm khai thác sử dụng, 12 loài hạn chế khai thác sử dụng và có kiểm soát. Có 8 loài chim quý hiếm có giá trị bảo tồn cao, trong đó có 4 loài trong Sách đỏ Việt Nam 2007. Có 94 loài bò sát, lưỡng thể quý hiếm đã ghi nhận thì 2 loài quý hiếm.  

Hệ côn trùng đã phát hiện được 552 loài thuộc 364 giống, 65 họ, 14 bộ. Trong đó có 7 loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt nam như: Bọ ngựa xanh thường, cà cuống, bướm khế, ngài mặt trăng, bướm rồng đuôi trắng, bướm phượng Hêlen, bướm đuôi kiếm.  

Để bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển bền vững, Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì Nguyễn Phi Truyền cho biết, Vườn đã thực hiện nhiều biện pháp từ quản lý, bảo tồn, phục hồi, phát triển hệ sinh thái rừng, cho thuê môi trường rừng, nghiên cứu bảo tồn và giám sát đánh giá đa dạng sinh học, phát triển kinh tế các xã vùng đệm.   

leftcenterrightdel
 

Vườn đã khoán quản lý bảo vệ 3.350 ha rừng cho các cộng đồng dân cư sống gần rừng nhằm tạo việc làm tăng thu nhập ổn định lâu dài trên diện tích được nhận khoán, đồng thời có các chính sách hưởng lợi từ rừng mà cũng không làm mất đi tính đa dạng sinh học. Vườn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thôn bản xây dựng quy ước bảo vệ rừng, xây dựng đường dây nóng nhằm ngăn chặn các vụ phá rừng đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các vụ vi phạm tài nguyên rừng; bố trí 19 đội chuyên trách, 8 đơn vị thuê môi trường rừng với tổng số 495 người tham gia, 37 kiểm lâm chuyên trách…  

Vườn hợp đồng với các hộ dân địa phương trồng phục hồi rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, xúc tiến tái sinh có trồng cây bản địa, làm giàu rừng trên những đối tượng rừng thứ sinh nghèo kiệt nhằm rút ngắn quá trình diễn thế hồi nguyên lại rừng; xây dựng hệ thống vườn thực vật nhằm bảo tồn chuyển vị đối với các loài quý hiếm, các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.  

Đến nay, Vườn đã trồng được 2.157 ha rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 450ha, cải tạo làm giàu 275ha, trồng vườn thực vật 40ha với 250 loài cây; vườn cây thuốc 0,5 ha với 150 loài cây; vườn cây mẫu 10ha với 1300 loài, nhờ vậy đã làm tăng độ che phủ lên 76%.  

Hình thức mang lại hiệu quả cao hiện nay là đầu tư vào du lịch sinh thái, thuê môi trường rừng. Vườn quốc gia Ba Vì đã được thí điểm thực hiện đề án cho thuê môi trường rừng đặc dụng để sử dụng kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái. Đến nay, có 8 đơn vị đang có các hoạt động sử dụng môi trường rừng ở mức độ khác nhau để kinh doanh du lịch sinh thái.  

Qua 4 năm thí điểm cho thấy một số hiệu quả kinh tế-xã hội như không phải bố trí cán bộ chuyên trách quản lý bảo vệ cho phần diện tích này nên đã dành lực lượng để bảo vệ những vùng xung yếu khác; tạo thêm nhiều việc làm cho nhân dân địa phương trong các khu du lịch, tạo ra thị trường tại chỗ để tiêu thụ các nông sản địa phương, tăng cường mối giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, đồng thời người dân địa phương cũng tiếp thu được tiến bộ về văn hóa, khoa học kỹ thuật từ giao lưu với khách du lịch, tăng thu ngân sách địa phương qua hoạt động phát triển kinh tế.  

Các doanh nghiệp tự trồng bổ sung rừng bởi vậy Nhà nước không phải trả tiền thuê khoán bảo vệ rừng mà còn thu được tiền từ cho thuê môi trường rừng để bổ sung vào nguồn ngân sách, giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích và trách nhiệm giữa trung ương và địa phương.            

Công tác chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên sinh học, dự án định cư cho các hộ nhân dân đã được thực hiện như dự án định cư, làng kinh tế sinh thái cho người Dao tại thôn Sổ, xã Hợp Sơn, xây dựng mô hình vườn quả như vải, na, nhãn, xoài cho hai xã Vân Hòa, Tản Lĩnh, vườn rừng với các loài măng, trám, sấu tại xã Ba Vì...   

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phi Truyền nhấn mạnh, hoạt động thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái phải hướng tới 4 mục tiêu chính gồm hoạch định phát triển bền vững và hiệu quả, nâng cao lợi ích kinh tế xã hội cho cộng đồng địa phương, gìn giữ di sản văn hóa và giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường, bao gồm cả vấn đề biến đổi khí hậu.  

Một việc quan trọng nữa là tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng đến người dân các xã vùng đệm, đặc biệt chú trọng đến các đối tượng thanh thiếu niên học sinh bằng các hình thức phát thanh, truyền hình, tờ rơi..., cổ động phong trào thi tìm hiểu về rừng, hướng dẫn người dân hiểu về rừng, hiểu về mối quan hệ giữa môi trường với đời sống cộng đồng dân cư. Chương trình giáo dục môi trường được triển khai, đưa vào giảng dạy tại các trường học ở cấp xã từ lớp 3-9./.

Dương Thái    

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra