Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, với những khuyến nghị chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh, Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2013 với chủ đề “Phát triển doanh nghiệp và chất lượng tăng trưởng” sẽ là công cụ hữu ích cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Báo cáo chỉ rõ, tái cơ cấu kinh tế được coi là một trong 3 khâu đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng. Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế lại phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp, xây dựng được chiến lược kinh doanh tức là tạo được sức cạnh tranh mới nhằm chiếm lĩnh thị trường trên cơ sở chuyển dịch các lợi thế so sánh; sự thay đổi của thị trường và sự thay đổi chi phí sản xuất giữa các quốc gia và doanh nghiệp. Nói cách khác, việc thực hiện 2 trụ cột chính là nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp là điều kiện đảm bảo cho việc tái cấu trúc kinh tế thành công.
Với cách tiếp cận vấn đề như trên, VCCI cho rằng để đổi mới mô hình tăng trưởng cần thiết lập cơ cấu kinh tế ngành, vùng phù hợp phục vụ mục tiêu hiệu quả kinh doanh và phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương và của quốc gia. Để làm việc này các trọng tâm về tái cấu trúc (tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp và cơ cấu các tổ chức tín dụng) mà Chính phủ đang theo đuổi phải được thực hiện đồng bộ và nhất quán.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các thể chế, định chế để khuyến khích và định hướng đầu tư theo tín hiệu thị trường bằng cách: đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và xâm nhập vào chuỗi cung ứng giá trị chứ không phải là xuất khẩu vào từng nước riêng lẻ; mở rộng thị trường nội địa, hình thành chuỗi cung ứng ngay trên thị trường trong nước, coi trọng thị trường nông thôn; tạo lập thị trường cạnh tranh, kiểm soát độc quyền tự nhiên; chính sách thương mại phải đặt trong tổng thể chiến lược hội nhập, kết hợp yêu cầu thuận lợi hóa thương mại (tại biên giới và sau biên giới) với chính sách đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh và điều tiết thị trường phù hợp với các định chế hội nhập.
Ngoài ra, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỉ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm thông qua đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển gia kiến thức, thu hút FDI và nâng cao năng suất lao động; lựa chọn một số ngành có lợi thế cạnh tranh (kinh doanh nông nghiệp, dệt may, sản xuất điện tử, dược, công nghiệp phần mềm) để ưu tiên phát triển, tập trung phát triển một số doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh, có quy mô từ cỡ trung bình trở lên; phát huy lợi thế cạnh tranh của các vùng kinh tế - đổi mới cách tiếp cận trong quy hoạch và phát triển kinh tế vùng là các giải pháp để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng.
 |
Tăng trưởng số lượng cần phải đi liền chất lượng, tăng trưởng kinh tế phải gắn với công bằng xã hội |
Trên cơ sở phân tích, đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam, đánh giá năng lực của doanh nghiệp, Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2013 do VCCI xuất bản cũng đã đưa ra một số giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong ngắn hạn.
Theo đó, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giải phòng hàng tồn kho, nợ xấu đặc biệt là tồn kho và nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển thị trường, nhất là thị trường trong nước; đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ phát triển thị trường trong nước như chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; kiểm soát chặt chẽ việc tăng chi phí đầu vào đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là giá điện, nước, than, xăng dầu, chi phí xuất nhập khẩu tại cảng…, có kế hoạch giãn tiến độ điều chỉnh giá các mặt hàng trên một cách hợp lý để tránh tăng chi phí dồn dập; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm các cơ quan công quyền và công chức đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo đảm công khai minh bạch, giảm thời gian, chi phí, rủi ro hành chính cho doanh nghiệp; thúc đẩy thị trường vốn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động nguồn lực xã hội thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu và thông qua quỹ đầu tư để đáp ứng nhu cầu đầu tư của khu vực ngoài nhà nước, tránh lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng; hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính để không can thiệp quá sâu vào hoạt động doanh nghiệp…
VCCI cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần quan tâm và thường xuyên cập nhật các chính sách của Chính phủ để tận dụng sự hỗ trợ, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư bằng chiến lược kinh doanh, chú trọng việc cân đối dòng tiền, xây dựng, rà soát và có cơ chế giám sát chặt chẽ hệ thống các định mức chi phí trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra cần tăng cường liên kết trong kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp có cùng ngành nghề, nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường. Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. bới các ngành công nghiệp trên thế giới đang có xu hướng toàn cầu hóa rộng và chuyên môn hóa sâu. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam không thể làm khác và đứng ngoài chuỗi giá trị đó. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao trình độ sản xuất, làm chủ công nghệ, xác định rõ những công đoạn nào hoặc những sản phẩm, phụ tùng linh kiện nào có khả năng đáp ứng tốt nhất nhằm tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng được 3 điều kiện để đảm bảo tính cạnh tranh của sản phẩm là chất lượng cao, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý. Đáp ứng được 3 điều kiện này thì các doanh nghiệp Việt Nam mới có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn có thương hiệu quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam và tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Thái Minh - Nhất Anh