Giáo dục vì sự phát triển bền vững

Thứ sáu, 15/03/2013 16:13
(ThanhtraVietnam) – Ngày 15/3, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UNESCO và Samsung đã tổ chức lễ khởi động sáng kiến Giáo dục vì sự phát triển Bền vững (ESD) được thực hiện ở Việt Nam. Sáng kiến này nằm trong thỏa thuận toàn cầu giữa UNESCO và Samsung nhằm mục tiêu tăng cường sự ứng phó của hệ thống giáo dục đối với những thách thức hiện nay trong phát triển bền vững. Việt Nam là quốc gia đầu tiên hưởng lợi từ thỏa thuận này.

Giáo dục vì sự phát triển bền vững có nghĩa là đưa các vấn đề phát triển bền vững vào nội dung dạy và học như biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thảm họa, bảo tồn đa đạng sinh học, giảm nghèo và tiêu dùng bền vững.

 

Mục đích của dự án nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng xã hội học tập có khả năng thích ứng và bền vững hơn bằng việc tạo môi trường thuận lợi để thực hiện giáo dục phát triển bền vững thông qua việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng truyền thông, chính quyền các cấp, phụ huynh và hiệu trưởng nhà trường về những thách thức của biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai… Qua đó, nâng cao năng lực để họ ứng phó với những thách thức này thông qua kế hoạch hành động cộng đồng được các cơ quan truyền thông hỗ trợ tuyên truyền cho người dân.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo TS. Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại buổi lễ khởi động

 

Đồng thời, xây dựng và triển khai các khóa bồi dưỡng giáo viên trực tuyến nhằm nâng cao hiểu biết của họ về giáo dục phát triển bền vững và tăng cường năng lực để tích hợp nội dung giáo dục phát triển bền vững vào các hoạt động giáo dục cho học sinh tiểu học. Bên cạnh đó, hướng dẫn cộng đồng nhà trường xây dựng kế hoạch phòng ngừa thảm họa. Điều quan trọng nhất là giúp Việt Nam xây dựng chiến lược giảm thiểu rủi ro thảm họa để lồng ghép vào kế hoạch quản lý khu di sản của Việt Nam.

 

Phát biểu tại buổi lễ khởi động, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo TS. Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh trong dự án này cần lấy học sinh, người dân, cộng đồng dân cư làm nòng cốt; có như thế  mới thực hiện tốt các hoạt động của dự án.

 

Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện USNESCO tại Việt Nam cũng cho rằng giáo viên chính là những tác nhân chủ chốt trong việc tạo nên sự thay đổi về tri thức, kỹ năng, thái độ và giá trị cần thiết để đáp ứng các thách thức hiện tại và tương lai. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chính là ưu tiên trong giáo dục phát triển bền vững.

 

Các đại biểu tại Hội thảo đều nhất trí cao với nội dung của đề án và đồng thuận cho rằng thế hệ trẻ cần phải nhận biết được sự biến đổi khí hậu ngay từ nhỏ, từ đó nâng cao nhận thức của người dân và giúp học sống thân thiện hơn với môi trường.

 

Tất cả những hoạt động của dự án đều đã được đưa vào Thư Thoả thuận mà Bộ Giáo dục và Đạo tạo và UNESCO ký kết đầu năm nay, trong đó phác thảo kế hoạch công tác phối hợp năm 2013 giữa hai bên. Kết quả của dự án này được xem là rất quan trọng đối với Việt Nam, đặc biệt khi mà Việt Nam đang trong quá trình xem xét đổi mới chương trình giáo dục sau năm 2015. Dự án cũng có thể mang lại những lợi ích to lớn và bền vững cho cả nước dựa trên kinh nghiệm thu được ở Huế./.

 

Hoàng Minh – Duy Thành

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra