Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
Thứ ba, 09/01/2018 08:43 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Ngày 8/1, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tổ chức họp mặt các Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú tỉnh Vĩnh Long qua các thế hệ để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, đồng thời lấy ý kiến đóng góp của các nhà giáo đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo luật, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi lần này nhằm kịp thời khắc phục những bất cập của Luật Giáo dục hiện hành và phù hợp với nhu cầu đối mới giáo dục trong tình hình mới. Tuy nhiên, các đại biểu cũng băn khoăn và đóng góp ý kiến đối với một số nội dung được quy định trong dự thảo luật, như: Vấn đề về chính sách đối với nhà giáo, vấn đề nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên, phương pháp giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông…
Theo cô Bùi Thị Xuân Hoa, cựu giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (thành phố Vĩnh Long), đối với quy định tại Khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục quy định về phương pháp giảng dạy của giáo viên trong sự nghiệp đổi mới giáo dục cần bổ sung thêm cụm từ "tư duy phản biện của học sinh" bên cạnh các quy định về phát huy tinh thần tự học, tự sáng tạo và khả năng tư duy độc lập. Bởi lẽ, tư duy phản biện tạo cho học sinh có điều kiện để tranh luận, trao đổi một cách sôi nổi, thể hiện hiểu biết, quan điểm của mình; giáo viên sẽ là người định hướng cho các em sau những ý kiến trái chiều đó nhằm khuyến khích học sinh bày tỏ những quan điểm của mình.
Hiệu trưởng Trường THPT Trà Ôn (huyện Trà Ôn) Nguyễn Minh Thiện cho rằng, hiện nay lương một giáo viên mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm ra trường chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, đối với những giáo viên công tác xa nhà phải chi phí ăn, ở rất khó khăn, do đó khó có thể thu hút nhân tài vào ngành giáo dục. Trung ương cần sớm ban hành chính sách cải cách tiền lương phù hợp với mức sống và sự cống hiến của nhà giáo. Bên cạnh đó, Quốc hội và các bộ, ngành liên quan cần có chủ trương giải quyết triệt để tình trạng dạy thêm học thêm, bởi thực tế việc cấp phép, kiểm tra, xử lý vi phạm hiện nay chưa đủ sức răn đe. Đối với chủ trương đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm hoàn thành đồng bộ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý để việc triển khai thực hiện được hiệu quả. Ngoài ra, Bộ cũng cần nghiên cứu để thay đổi tiêu chí đánh giá đầu ra của các trường sư phạm theo chuẩn thống nhất./.
Dương Thái