Tại buổi họp báo Quý III/2017 của Bộ Tư pháp diễn ra chiều ngày 19/10, ông Đỗ Đức Hiển – Chánh Văn phòng Bộ, người phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, Bộ Tư pháp đã hoàn thiện và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 đề án, văn bản. Thực hiện thẩm định 59 dự thảo VBQPPL; 10 đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ và 15 Điều ước quốc tế; đã kiểm tra 855 văn bản của các Bộ, ngành, địa phương; bước đầu phát hiện 54 văn bản sai về nội dung (07 văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ, 47 văn bản của địa phương). Hiện nay, có 23 văn bản đã được xử lý, các văn bản còn lại đang trong quá trình xử lý theo quy định.
Bộ Tư pháp đã tiếp tục chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc sát sao các Bộ, ngành nợ đọng nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; đã tham mưu giúp Chính phủ xây dựng báo cáo trình Quốc hội về tình hình thực hiện. Tính đến ngày 30/9/2017, đối với văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực, đã ban hành được 83/96 văn bản (39 nghị định, 03 quyết định, 40 thông tư, 01 thông tư liên tịch), đạt 86,46%. Số lượng văn bản nợ ban hành giảm dần so với các năm trước (giảm 44 văn bản so với cùng kỳ năm 2015 và giảm 22 văn bản so với cùng kỳ năm 2016). Riêng Bộ Tư pháp không nợ văn bản quy định chi tiết nào.
Công tác thi hành án dân sự năm 2017 (tính từ ngày 01/10/2016 đến ngày 30/9/2017): Về việc, đã thi hành xong 549.415 việc, đạt tỷ lệ 79,25%, tăng 18.987 việc (tăng 0,72%) so với năm 2016; về tiền, đã thi hành xong 35.242 tỷ 612 triệu 983 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 38,31%, tăng 6.144 tỷ 747 triệu 665 nghìn đồng (tăng 21,12%) so với năm 2016. Như vậy, so với chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao, năm 2017, Hệ thống THADS đã thi hành vượt chỉ tiêu cả về việc (vượt 9,24%) và về tiền (vượt 8,30%). Riêng đối với các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, đã thi hành xong trên 4.400 việc, tương ứng với số tiền trên 27.701 tỷ 223 triệu 513 nghìn đồng (tăng 1.092 việc và tăng 8.046 tỷ 633 triệu 225 nghìn đồng so với năm 2016).
Toàn cảnh buổi họp công bố kết quả công tác Bộ Tư Pháp
Thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, Bộ Tư pháp đã tổ chức quán triệt, chỉ đạo các cơ quan THADS thực hiện nghiêm túc các quy định về thi hành án dân sự (THADS) liên quan đến khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng. Trong Quý III/2017, các cơ quan THADS trên toàn quốc đã đưa vào vận hành Cổng, Trang thông tin điện tử THADS, công bố các thủ tục hành chính (TTHC), thống nhất thực hiện cơ chế một cửa, hỗ trợ trực tuyến và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, qua đó góp phần rút ngắn thời gian thi hành án, nêu cao tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, tiếp công dân được thực hiện đúng quy định. Bộ Tư pháp đã tiếp 70 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, trong đó có 51 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (chiếm 73%). Lãnh đạo Bộ đã có 03 buổi tiếp với 6 lượt công dân đến từ một số địa phương liên quan đến công tác THADS, chứng thực, bồi thường nhà nước, đồng thời chỉ đạo trực tiếp các đơn vị có liên quan giải quyết các vụ việc của người dân một cách nhanh chóng, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Theo đánh giá của Ban Dân nguyện tại Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp là Bộ thực hiện tốt việc công khai lịch tiếp công dân trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.
Trong Quý IV/2017, Bộ Tư pháp sẽ triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, nhất là các báo cáo Bộ Tư pháp được phân công giúp Chính phủ trình Quốc hội. Tổ chức triển khai thi hành các luật mới được thông qua, nhất là công tác tập huấn chuyên sâu nội dung cơ bản của các luật như Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi), Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Tập trung theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, trong đó đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh sắp có hiệu lực như Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Tiếp cận thông tin; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý. Hoàn thiện đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng các văn bản, đề án thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng trong Quý IV/2017.
Đồng thời, triển khai hiệu quả Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, trong đó, thực hiện xong việc rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ. Thực hiện nhiệm vụ thẩm định các VBQPPL đảm bảo tiến độ và chất lượng; triển khai Quy chế thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL và thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh và tình hình xử lý các văn bản đã được kết luận sai về nội dung; hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và nhiệm vụ trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.../.
Dương Thái