 |
Cúp điện, công nhân Công ty TNHH SX-TM Phan Long (đường Nguyễn Duy Trinh, P.Bình Trưng Đông, Q.2, TP.HCM) phải nghỉ việc (ảnh chụp chiều 8-3) - Ảnh: H.T.V. |
Theo ông Phạm Mạnh Thắng - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, việc cắt điện năm 2011 sẽ không chỉ tập trung chủ yếu vào điện sinh hoạt như năm 2010. Năm nay, việc cắt điện sẽ công bằng hơn, các nhà máy sản xuất tiêu tốn điện lớn được phân bổ ngày làm việc và điều này sẽ giúp bớt thiếu điện. Việc cắt điện sinh hoạt, theo ông Thắng, Bộ Công thương chỉ đạo không cắt điện tập trung ở một số địa bàn kéo dài, các TP có thể sẽ phải chia sẻ việc thiếu điện.
Không có nhiều nguồn điện mới
Thủy điện Kon Tum bị hạn chế phát điện
Những ngày gần đây, một số nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tại Kon Tum như thủy điện Đăk Ne, thủy điện Đăk Psi liên tục nhận văn bản yêu cầu hạn chế công suất phát điện lên lưới điện quốc gia. Lý do: theo Điện lực Kon Tum, đường dây 110 kV từ Kon Tum về trạm 500 kV để lên lưới quốc gia đang quá tải.
Việc Điện lực Kon Tum hạn chế các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ phát điện lên lưới quốc gia đồng nghĩa với việc gây thiệt hại về kinh tế cho nhà máy thủy điện. Hoa Lư |
Trao đổi với P.V, một quan chức Bộ Công thương khẳng định thời tiết lạnh ở miền Bắc đang ủng hộ ngành điện, chỉ cần miền Bắc nóng lên, người dân sử dụng điều hòa nhiều thì lập tức phải cắt điện luân phiên. Hiện miền Nam nắng nóng, nhu cầu điện tăng khá cao, nếu nhu cầu tại miền Bắc cũng tăng cao, điện sẽ thiếu hụt.
Mức thiếu hụt tùy tháng, bắt đầu thiếu nhiều từ tháng 4, cao điểm sẽ vào tháng 5 và tháng 6. Thời điểm kết thúc cắt điện luân phiên năm nay tiếp tục phụ thuộc vào... lũ. Nếu lũ về muộn như 2010, năm nay có thể phải cắt điện nhiều hơn, lâu hơn. Quan chức này cho hay năm nay hạn hán còn khốc liệt hơn năm 2010, nhiều hồ thủy điện hiện đã sát mực nước chết, chỉ cần khai thác tối đa vài ngày là hoàn toàn... nằm nghỉ. Trong khi đó các nguồn điện mới không nhiều.
Theo ông Hoàng Quốc Vượng - thứ trưởng Bộ Công thương, bộ đang tập trung chỉ đạo mạnh việc đảm bảo điện cho mùa khô 2011 bằng cách huy động tối đa điện từ các nhà máy nhiệt điện giá cao. Tuy nhiên theo ông Vượng, với nguồn điện đang có, chỉ có thể đảm bảo được một cách cơ bản nếu nhu cầu điện vào mùa khô chỉ tăng dưới 15%. Trong khi đó, EVN cho biết tổng nhu cầu điện cho sản xuất toàn quốc trong sáu tháng mùa khô 2011 sẽ tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều đáng lưu ý, năm nay một số nhà máy nhiệt điện có thể sẽ phải bảo dưỡng và bị sự cố ngay giữa mùa khô. Lý do: các nhà máy này phải khai thác liên tục trong thời gian qua, thời hạn bảo dưỡng sửa chữa vượt quá mức cho phép.
TP.HCM: xây dựng kịch bản phân phối điện
Ngày 8-3, Thành ủy TP.HCM đã có buổi làm việc với Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) về tình hình cung cấp điện trên địa bàn TP trong thời điểm mùa khô.
Theo EVN HCMC, đến nay TP.HCM chưa phải cắt điện. Tình trạng cắt điện trong thời gian qua là công tác duy tu, bảo trì lưới điện định kỳ.
Báo cáo của EVN HCMC cho biết hiện nay sản lượng điện tiêu thụ trong thời gian cao điểm xấp xỉ với mức phân bổ của EVN. Nhưng trong thời gian thấp điểm, ngày cuối tuần tại TP.HCM còn thừa điện 2,05-8 triệu kWh. Tuy nhiên dự báo nhu cầu sản lượng điện tiêu thụ bình quân trong tháng 3 khoảng 48,4 triệu kWh/ngày. Trong khi đó, mức phân bổ của EVN khoảng 46,9 triệu kWh, vẫn còn hụt khoảng 1,5 triệu kWh/ngày so với nhu cầu (mức thiếu hụt tương đương 3,1%). Dự báo mức thiếu hụt điện có thể tăng lên 2 triệu kWh/ngày trong các tháng 4 và 5. Đến tháng 6, mức thiếu hụt đỡ hơn, còn thiếu khoảng 350.000 kWh/ngày.
Tại cuộc họp, EVN HCMC kiến nghị cắt giảm 50% lượng đèn chiếu sáng đối với đèn quảng cáo, dân lập; các cơ quan công sở thực hiện tiết kiệm 10% lượng điện sử dụng. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, EVN HCMC khuyến cáo nên dịch chuyển thời gian sản xuất hợp lý, tránh thời gian cao điểm hoặc hoán đổi ngày thường sang thứ bảy và chủ nhật. Theo Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TP, việc thay đổi giờ sản xuất như vậy rất khó thực hiện, vì kéo theo hàng loạt chính sách khác đối với công nhân.
Theo ông Lê Văn Phước - tổng giám đốc EVN HCMC: “Nếu vận động được đối tượng dùng điện sinh hoạt (chiếm gần 40% điện tiêu thụ toàn TP) tiết kiệm được 10% thì đủ bù đắp lượng điện thiếu hụt, khi đó TP.HCM không phải tiết giảm sản lượng điện”. EVN HCMC cũng cho biết hiện đang xây dựng các kịch bản để điều hành và phân phối điện trong điều kiện sản lượng điện bị thiếu hụt ở mức: 2%, 4%, 6%, 8% và 10%.
Trong trường họp phải tiết giảm điện do thiếu nguồn thì những đối tượng nào bị cúp điện? Theo EVN HCMC, về nguyên tắc việc cấp điện sẽ được ưu tiên cho các cơ quan quan trọng của Nhà nước, bệnh viện, đèn tín hiệu giao thông. Đối với đối tượng sản xuất và sinh hoạt, việc tiết giảm điện được thực hiện công bằng, minh bạch và được thông báo trước. Thời gian cúp điện không quá 5 giờ/ngày và không quá 2 lần/tháng đối với chế độ vận hành bình thường (cắt điện bảo trì), trường hợp thiếu nguồn nghiêm trọng sẽ cúp điện không quá 3 lần/tuần đối với một khách hàng.
Kết luận tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP Lê Thanh Hải yêu cầu trước mắt các đơn vị công sở phải thực hiện tiết kiệm 10% điện tiêu thụ, đẩy mạnh công tác tiết kiệm điện đến từng hộ gia đình. Ông Hải yêu cầu EVN HCMC ưu tiên cung cấp điện cho đối tượng sản xuất, dịch vụ thương mại. Riêng về việc dịch chuyển giờ sản xuất, EVN HCMC khẩn trương tiến hành thỏa thuận với các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Cố gắng đủ điện cho Hà Nội
Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) vừa đưa ra dự báo: sáu tháng đầu năm 2011 Hà Nội sẽ thiếu 5% sản lượng điện, căng thẳng tập trung trong ba tháng cao điểm: 3, 4, 5.
Phó tổng giám đốc EVN Hà Nội Vũ Quang Hùng cho biết EVN Hà Nội sẽ cố gắng đảm bảo cung ứng đủ điện cho TP, đặc biệt là cung cấp điện bơm nước vụ đông xuân năm 2011 và các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội quan trọng của thủ đô. “Hiện tại tổng công ty đang triển khai các giải pháp tiết kiệm điện và kỹ thuật (giảm 50% lượng điện và tắt các thiết bị chiếu sáng công cộng sau 22g), làm việc với khách hàng để lên kế hoạch cung ứng điện” - ông Hùng nói. Ông Hùng cho hay tổng công ty đang cập nhật địa chỉ và hình thức thông báo ngừng cấp điện cho khách hàng dùng điện qua điện thoại, email, tên người thông báo, đối với khu dân cư sẽ thông báo trên hệ thống loa phát thanh phường xã... trong trường hợp cắt điện để sửa chữa.
Cúp điện sớm, doanh nghiệp gặp khó
Một số doanh nghiệp tại Bình Dương cho biết họ đang gặp khó do vấn đề cắt điện sớm hơn mọi năm. Đó là chưa kể lịch cúp điện được đưa đến không kịp thời (thường chỉ trước 1-2 ngày) khiến doanh nghiệp không kịp xoay xở.
Ông Võ Trường Thành, chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương, cho biết thông thường mọi năm thời điểm cúp điện luân phiên diễn ra vào tháng 4 (cúp một lần/tuần). Năm nay, mới giữa tháng 2 các doanh nghiệp đã nhận được thông báo cúp điện hai lần/tuần. “Việc cúp điện như hiện nay buộc chúng tôi phải cho công nhân nghỉ do chi phí mua máy phát điện và nhiên liệu quá cao” - ông Thành nói.
Do áp lực giải quyết đơn đặt hàng ký từ trước tết, ông Nguyễn Liêm - giám đốc Công ty CP gỗ Lâm Việt - cũng cho biết phải trang bị thêm một máy phát điện 800 kVA với giá 2,5 tỉ đồng. Ông Liêm tính toán để duy trì sản xuất, đơn vị phải sử dụng hai máy phát điện tổng công suất 1.300 kVA với chi phí trên 50 triệu đồng/ngày tiền nhiên liệu. |
Theo TTO