Kì II: Đấu tranh các luận điệu xuyên tạc về quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam

Thứ hai, 16/01/2023 10:36
(ThanhtraVietNam) - Tự do tôn giáo Việt Nam là sự thật không thể chối bỏ.Tuy nhiên, hiện nay, có không ít các cá nhân, tổ chức cực đoan đã đăng tải những báo cáo không chính thống với nội dung sai lệch bản chất nhằm mưu đồ xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo của nước ta, làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế đối với vấn đề nhân quyền.

Các luận điệu làm sai lệch bản chất

Không thấy được những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo, trong thời gian qua, có một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có tư tưởng thù địch, bất mãn và ảo tưởng chính trị đã trở thành công cụ để các thế lực thiếu thiện chí lợi dụng, thực hiện mưu đồ chống Nhà nước Việt Nam. Trong đó, việc triệt để lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo để xuyên tạc, bóp méo các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nhằm kích động người dân chống phá chính quyền là thủ đoạn thường thấy nhất. Tiếp đó, núp bóng dưới các chiêu bài quốc tế như Báo cáo Nhân quyền, Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ, Báo cáo tình hình tự do tôn giáo của Uỷ ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF), các thế lực thù địch không ngừng đưa ra những luận điệu xuyên tạc về Việt Nam.

Tại Việt Nam, các cá nhân và tổ chức tôn giáo được tự do hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và để một tôn giáo được công nhận, tôn giáo đó cần phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước. Các nước khác trên thế giới như Pháp, Nhật Bản, Singapore cũng đều có các quy định riêng của mình.

Trên thực tế, trong gần 20 năm qua (2003-2022), số lượng tổ chức tôn giáo không ngừng tăng lên. Cụ thể, năm 2003, cả nước có 06 tôn giáo với 15 tổ chức, 17 triệu tín đồ, và khoảng 20 nghìn cơ sở thờ tự. Năm 2022, chính quyền đã công nhận 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với trên 26,7 triệu tín đồ và trên 29 nghìn cơ sở thờ tự. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, chính quyền các cấp đã cấp phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo 152 cơ sở thờ tự tôn giáo, cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 183 điểm nhóm, cấp quyết định xuất bản cho 140 xuất bản phẩm, với 684.250 bản in. Đặc biệt, Nhà nước Việt Nam đã cấp đăng ký hoạt động và công nhận cho 311 chi hội, 1.742 điểm nhóm của đạo Tin lành ở Tây Nguyên, 14 chi hội và 797 điểm nhóm Tin lành ở khu vực miền núi phía Bắc. Ngoài ra, đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ như người Mông, người Mnông, người Ê Đê, người Chăm, người Khmer… cũng được tham gia các tổ chức của Công giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Bàlamon giáo,... và được tự do sinh hoạt tôn giáo.

Bên cạnh đó, còn có những luận điệu hoàn toàn sai sự thật như chính quyền Việt Nam sách nhiễu một số hội, nhóm tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số chưa được thừa nhận như “Hội thánh Đề ga quốc tế”, “Hội thánh truyền giảng Phúc âm”, “Hội thánh Tin lành đấng Christ”,... Trên thực tế các tổ chức này đang núp bóng tôn giáo hoạt động chống phá nhà nước ta và gây mất đoàn kết dân tộc, tôn giáo. Còn nhớ, “Hội thánh Đề ga quốc tế” đã từng gây ra các vụ biểu tình, bạo loạn chính trị năm 2001, 2004 cùng nhiều năm sau đó, với âm mưu thành lập “Nhà nước Đề ga tự trị” ở khu vực Tây Nguyên, thông qua những nhân vật chủ chốt như Ksok Kơk, Brạ Su Kbông ở Mỹ và Rah Lan Ngol, Y Wi Ksơn ở Việt Nam. Hay việc các nhóm “Giáo hội Tin lành Đấng Christ Việt Nam”, “Cây Thập giá Chúa Jêsu Krits” và “Hà Mòn” ở Tây Nguyên được định hướng bài bản bởi những người đứng đầu nhằm trở thành quốc giáo của “Nhà nước Đề ga” - đạo Tin lành mới (Tin lành Đề ga) và Công giáo mới (Công giáo Đề ga) của các dân tộc thiểu số nơi đây. Điều này phản ánh rõ ràng chủ nghĩa dân tộc ly khai được các thế lực phản động, âm mưu chống phá Nhà nước Việt Nam triệt để lợi dụng nhằm kích động đồng bào dân tộc, thực hiện âm mưu gây bạo loạn, lật đổ.

Các thế lực thù địch luôn cố gắng tiếp cận vấn đề bằng cách tìm kiếm những hạn chế nhỏ nhất trong đời sống tôn giáo Việt Nam rồi biến tấu, xuyên tạc thành những luận điệu sai trái và tuyên truyền những luận điệu đó là bản chất của tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam. Chúng xuyên tạc một các trắng trợn rằng Luật pháp Việt Nam sử dụng điều khoản “không rõ ràng”, các “tội danh mơ hồ”, các điều khoản về an ninh quốc gia, để kiểm soát, đàn áp, hạn chế tự do tôn giáo, mặc cho những vấn đề này đã được quy định rõ ràng tại điều Điều 5, Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Chúng tìm cách tiếp xúc với những cá nhân bất mãn trong các tôn giáo, sau đó dùng quan điểm từ các nhân vật này làm căn cứ cho các báo cáo vu khống các nhà chức trách Việt Nam giam giữ các nhà hoạt động tôn giáo và chính trị một cách tùy tiện. Chẳng hạn, Trương Châu Hữu Danh là một kẻ bị bắt do cùng các đối tượng thù địch tạo trang “Fanpage Báo sạch”, group “Làm báo sạch” và kênh YouTube “BS Chanel” để viết, đăng tải các bài viết và clip có tư tưởng phản động, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, nhân dân Việt Nam. Thế nhưng, Báo cáo nhân quyền năm 2021 của Mỹ lại bịa đặt rằng hắn và đồng bọn bị bắt là do “tập trung đưa tin điều tra về tham nhũng”.

Mặt khác, các thế lực thù địch lập luận hàm hồ rằng Việt Nam đàn áp tôn giáo bằng việc hành hung, trấn áp, bắt giữ, bỏ tù các cá nhân tôn giáo. Báo cáo tình hình tự do tôn giáo của USCIRF năm 2021 dẫn minh chứng cho luận điệu này rằng chính quyền Việt Nam đe dọa, bắt giam và ngược đãi, tra tấn buộc A Đảo nhận tội vào năm 2016 sau khi ông tham dự Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo Tín Ngưỡng Đông Nam Á và chia sẻ những thách thức từ chính quyền mà hội thánh của ông đối mặt. Trong khi đó, ông bị bắt quả tang về hành vi “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. Ông Truyển, một tù phạm khác, bị bắt do thực hiện hàng loạt các hành vi như: xây dựng cơ cấu tổ chức, đào tạo hội viên thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có quan hệ với các tổ chức, cá nhân nước ngoài để vận động tài chính cho hội này hoạt động; lợi dụng các sự kiện chính trị, sự kiện nhạy cảm trong nước để kích động người dân phản đối chính quyền... Bất chấp thực tế đó, khi xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo nước ta, Báo cáo trên vẫn cho rằng Việt Nam đã nhắm vào ông Truyển do chủ trương nhân quyền và tự do tôn giáo của ông, đại diện cho các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo.

Nhìn chung, những luận điệu bóp méo trên được các thế lực sử dụng nhằm phản ánh sai lệch, xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam, duy trì, nuôi dưỡng những mầm mống phản động chống đối Đảng, Nhà nước, hòng lung lay chế độ của chúng ta. Chúng vin vào những mẩu chuyện nhỏ nhặt nhất để bóp méo, biến hiện tượng thành bản chất, thiểu số thành đa số, và đánh tráo khái niệm, gán ghép, quy chụp những vụ việc xung đột không liên quan đến tôn giáo thành vấn đề của tôn giáo. Đơn cử là quy chụp những sự việc vi phạm hành chính, dân sự thành mâu thuẫn tôn giáo. Thực chất, xung đột trong lĩnh vực tôn giáo ở Việt Nam phần lớn xuất phát từ tranh chấp đất đai, vi phạm trong xây dựng cơ sở thờ tự truyền đạo trái pháp luật, hoặc vi phạm pháp luật hiện hành về tôn giáo chứ không phải do bị hạn chế quyền tự do tôn giáo, hay bị kỳ thị, xúc phạm niềm tin tôn giáo.

Đấu tranh phản bác các luận điệu sai lệch

Một trong những vũ khí sắc bén của Việt Nam, góp phần làm thất bại các luận điệu xuyên tạc chính là sự vào cuộc kịp thời, nhất quán và quyết liệt của các cơ quan, đoàn thể, ban ngành và đơn vị báo chí từ cấp trung ương tới địa phương. Điều này có thể được nhìn nhận qua cách Việt Nam phản ứng với các báo cáo về tự do tôn giáo ở Việt Nam của Mỹ - một trong những nguồn phát đáng chú ý của những luận điệu sai lệch về tự do tôn giáo của Việt Nam.

Nhiều năm nay, Việt Nam luôn hứng chịu các cáo buộc thiếu khách quan và thiếu chính xác trong các bản báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo quốc tế của Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF). Phản hồi lại, Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn luôn bác bỏ những nhận định trên và khẳng định lập trường của Việt Nam một cách nhất quán: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này thể hiện rõ trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng như được đảm bảo thực hiện trên thực tế”.

leftcenterrightdel
 Bộ Ngoại giao lên tiếng phản hồi. Ảnh: VnEconomy
  Ngay sau khi Mỹ công bố báo cáo, hàng loạt các trang báo chính thống đã nhanh chóng đăng tải các bài viết nêu rõ quan điểm, như Báo cáo tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2016 của Mỹ: sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tôn giáo ở Việt Nam (2017, Tạp chí Quốc phòng Toàn dân), Việt Nam phản ứng Báo cáo tình hình tự do tôn giáo quốc tế 2017 của Mỹ (2018, báo Tổ quốc), Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2020 của Mỹ nhận định thiếu khách quan về Việt Nam (2021, báo VOV), Trăm sự phi lý phía sau “bộ cánh tự do tôn giáo” (2022, báo Lào Cai), v.v. Nội dung các bài báo xoay quanh bốn luận điểm chính: thứ nhất, nhận diện và phản đối những lời buộc tội chưa thỏa đáng từ phía Hoa Kỳ; thứ hai, lý giải nguồn gốc của sự thiếu khách quan đó; thứ ba, khẳng định quan điểm và lập trường của Việt Nam về tự do tôn giáo; thứ tư, đưa tin về phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam về báo cáo trên.

Có thể nói, sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí đã góp phần không nhỏ trong việc làm thất bại các âm mưu xuyên tạc của các thế lực thù địch, giúp người dân hiểu rõ cơ sở những chính sách tôn giáo của ta và sự vô lý trong những luận điệu xuyên tạc kia, là rào cản ngăn không cho những lập luận của các tổ chức, bè phái phản động làm méo mó niềm tin của nhân dân.

Việt Nam ta là một đất nước thống nhất, toàn thể dân tộc cùng nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội, không phân biệt hay hạn chế tự do tôn giáo của cá nhân. Tín đồ tôn giáo trước hết là công dân Việt Nam, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Những luận điệu cho rằng Việt Nam vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo chỉ là những đánh giá chủ quan, phiến diện của một số đối tượng thiếu thiện chí với nước ta và có ý đồ chia rẽ dân tộc, phá hoại hòa bình. Nhưng với truyền thống gắn kết, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực và kịp thời của các cơ quan, tin chắc rằng những luận điệu xuyên tạc ấy sẽ không thể dễ dàng đạt được mục đích như mong muốn.

 

Tài liệu tham khảo

●       (2018), Việt Nam phản ứng báo cáo tình hình tự do tôn giáo quốc tế 2017 của Mỹ, toquoc.vn, truy cập tại:

https://toquoc.vn/viet-nam-phan-ung-bao-cao-tinh-hinh-tu-do-ton-giao-quoc-te-2017-cua-my-99237380.htm, truy cập ngày 17/11/2022.

●       Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016 số 02/2016/QH14, Thuvienphapluat.vn, truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-tin-nguong-ton-giao-2016-322934.aspx, truy cập ngày 27/10/2022

●       Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948, Thuvienphapluat.vn, truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Tuyen-ngon-quoc-te-nhan-quyen-1948-65774.aspx, truy cập ngày 27/10/2022

●       Lâm Đồng xứ Ngàn Thông (2022), Tự do tôn giáo ở Việt Nam: Sự thật không thể xuyên tạc, lamdong.gov.vn, truy cập tại: https://lamdong.gov.vn/sites/tinhdoan/tai-lieu-chinh-tri-tu-tuong-dao-duc-loi-song/SitePages/TU-DO-TON-GIAO-O-VIET-NAM-SU-THAT-KHONG-THE-XUYEN-TAC.aspx, truy cập ngày 12/12/2022

●       Nguyễn Văn Bảy (2019), Bước tiến về tự do tín ngưỡng, tôn giáo dưới sự lãnh đạo của Đảng, tapchiqptd.vn, truy cập tại:

http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/buoc-tien-ve-tu-do-tin-nguong-ton-giao-duoi-su-lanh-dao-cua-dang/14856.html, truy cập ngày 17/11/2022

●       Hùng Cường, (2021), Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2020 của Mỹ nhận định thiếu khách quan về Việt Nam, vov.vn, truy cập tại:

https://vov.vn/chinh-tri/bao-cao-tu-do-ton-giao-quoc-te-nam-2020-cua-my-nhan-dinh-thieu-khach-quan-ve-viet-nam-857562.vov, truy cập ngày 17/11/2022

●       Phương Hồ (2022), Quyền con người: Sự thật khách quan là câu trả lời đanh thép - Bài 2: Cần chấm dứt những luận điệu 'đổi trắng thay đen', baotintuc.vn, truy cập tại:

https://baotintuc.vn/thoi-su/quyen-con-nguoi-su-that-khach-quan-la-cau-tra-loi-danh-thep-bai-2-can-cham-dut-nhung-luan-dieu-doi-trang-thay-den-20221010123740359.htm, truy cập ngày 17/11/2022.

●       Quang Huy (2022), Tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam: Điều không thể xuyên tạc, xaydungdang.org.vn, truy cập tại:

https://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/tu-do-tin-nguong-ton-giao-o-viet-nam-dieu-khong-the-xuyen-tac-16633, truy cập ngày 17/11/2022

●       Chu Văn Huấn (2022), Nhận diện và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, tapchicongsan.org.vn, truy cập tại: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/dau-tranh-phan-bac-cac-luan-dieu-sai-trai-thu-dich/chi-tiet/-/asset_publisher/YqSB2JpnYto9/content/nhan-dien-va-phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich-ve-tinh-hinh-ton-giao-o-viet-nam-hien-nay?, truy cập ngày 17/11/2022.

●       Hoàng Thị Lan (2022), Phê phán những quan điểm sai trái về tự do tôn giáo ở Việt Nam, lyluanchinhtri.vn, truy cập tại:

http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/bai-noi-bat/item/4070-phe-phan-nhung-quan-diem-sai-trai-ve-tu-do-ton-giao-o-viet-nam.html, truy cập ngày 17/11/2022

●       Thành Nam (2021), Báo cáo của Mỹ về tự do tôn giáo tại Việt Nam thiếu khách quan, vietnamnet.vn, truy cập tại:

https://vietnamnet.vn/bao-cao-cua-my-ve-tu-do-ton-giao-tai-viet-nam-thieu-khach-quan-731745.html, truy cập ngày 16/11/2022

●       Nguyễn Nhung (2022), Thực hư vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam, tuyenquang.dcs.vn, truy cập tại:

https://tuyenquang.dcs.vn/DetailView/100097/7/Thuc-hu-van-de-tu-do-ton-giao-o-Viet-Nam.html, truy cập ngày 17/11/2022

●       Đức Quỳnh (2017), Báo cáo tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2016 của Mỹ: sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, tapchiqptd.vn, truy cập tại: 

http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/bao-cao-tinh-hinh-tu-do-ton-giao-quoc-te-nam-2016-cua-my-sai-lech-thieu-khach-quan-ve-tinh/10519.html, truy cập ngày 17/11/2022.

●       Vũ Chiến Thắng (2022), Không thể xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, moha.gov.vn, truy cập tại:

https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/diem-tin/khong-the-xuyen-tac-tinh-hinh-tu-do-ton-giao-o-viet-nam-48068.htm, truy cập ngày 16/11/2022.

●       Nguyễn Thị Diệu Thúy, Vũ Công Giao (2022), Thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, xaydungdang.org.vn, truy cập tại: https://xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/thuc-day-quyen-tu-do-tin-nguong-ton-giao-o-viet-nam-17284, truy cập vào 17/11/2022.

●       Văn Phú (2020), Liên minh quốc tế Stefanus “tấu hài” về Nguyễn Bắc Truyển, cand.com.vn, truy cập tại: https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/Lien-minh-quoc-te-Stefanus-tau-hai-ve-Nguyen-Bac-Truyen-i589705/, truy cập ngày 17/11/2022.

●        Quang Quý (2022), Các tổ chức tôn giáo có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhân dân, truy cập tại: https://nhandan.vn/cac-to-chuc-ton-giao-co-nhieu-dong-gop-quan-trong-trong-su-nghiep-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-post712885.html. Truy cập ngày: 12/12/2022

 

 

Nhóm CTV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra