Lạm phát chững lại trong Quý I/2017

Thứ năm, 27/04/2017 15:16
(ThanhtraVietNam) - Sau giai đoạn tăng giá liên tiếp từ đầu năm 2016, lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong Quý 1/2017. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng sau khi tăng 5,22% cuối tháng Một đã giảm xuống mức 4,65% ở cuối quý. Tuy nhiên, lạm phát thấp chủ yếu do yếu tố giá cơ bản.

Theo đó, lạm phát cơ bản đã giảm từ mức 1,88% tháng Một xuống còn 1,51% và 1,6%  trong tháng Hai và tháng Ba. Điều này phản ánh đúng xu hướng chững lại trong việc tiêu dùng hàng hóa trong Quý 1. Giá hai nhóm hàng đồ uống và thuốc lá và may mặc, mũ nón, giầy dép giảm nhẹ so với các tháng trước đó. Đặc biệt, trong những tháng Tết, chỉ số giá nhóm hàng thực phẩm thậm chí còn giảm so với các tháng trước đó. Điều này có thể bắt nguồn từ việc cầu thịt lợn giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, khoảng cách giữa lạm phát và lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao cho thấy giá cả nhóm các mặt hàng do Nhà nước quản lý vẫn đang tăng mạnh. Giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh tiếp tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tháng Ba đưa mức giá của nhóm hàng này tăng 48,7% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,38 điểm phần trăm vào mức tăng CPI. Nhóm hàng dịch vụ giáo dục cuối tháng Ba tăng 11,8% do hai đợt điều chỉnh tại 6 tỉnh trong tháng Một và tỉnh Thanh Hóa trong tháng Ba, theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ. Giá năng lượng tiếp tục phục hồi cũng tạo áp lực trong việc điều chỉnh giá nhóm hàng này do nhà nước quản lý. Chỉ số giá nhóm hàng giao thông tăng mạnh sau các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong quý. Tính tới cuối tháng Ba, CPI nhóm giao thông tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng của nhóm dịch vụ y tế. Kể từ khi thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, đã có 63 tỉnh/thành thực hiệ̣n xong bước 1 (điều chỉnh giá bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù) và 36/63 tỉnh/thành thực hiện xong bước 2 (điều chỉnh giá bao gồm chi phí tiền lương). Các đợt điều chỉnh còn lại sẽ phải thực hiện trong năm nay.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa -  Internet

Như vậy, dù có dấu hiệu hạ nhiệt trong Quý I song Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng áp lực lên lạm phát trong nước vẫn còn lớn, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu Quốc hội đặt ra. Lạm phát trong những tháng tiếp theo rất khó có thể hạ dưới mức 4% khi nhu cầu về tiêu dùng tăng trở lại, giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới tiếp tục hồi phục và các dịch vụ công vẫn còn cần điều chỉnh theo kế hoạch đã đặt ra. Do vậy, VEPR cho rằng cơ quan điều hành vẫn cần phải theo sát diễn biến giá cả trong những quý tiếp theo.

Tiêu dùng suy giảm, đầu tư phục hồi nhẹ

Trái ngược với chu kỳ các năm trước, tình hình tiêu dùng Quý I suy giảm dù trong những tháng Tết Nguyên đán. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Quý I ước đạt 921,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, tăng trưởng bán lẻ chỉ đạt 6,2%, thấp hơn cùng kỳ các năm trước (2015: 9,2%; 2016: 7,9%). Trong đó, một số nhóm hàng có mức tăng cao như lương thực, thực phẩm (10,4%); dịch vụ lưu trú, ăn uống (12,4%). Trong khi đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ phục hồi nhẹ so với cuối năm 2016. Tổng vốn đầu tư của toàn bộ nền kinh tế ước đạt 297,8 nghìn tỷ đồng, bằng 108,8% cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức 109,7% năm 2015 và 110,7% năm 2016). Trong đó, sự phục hồi này chủ yếu đến từ khu vực tư nhân, với lượng vốn 117,4 nghìn tỷ đồng, bằng 116,8% so với cùng kỳ năm trước (QI/2016: 111,5%; QIV/2016: 104,1%).

Ngược lại, cả khu vực nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đều chứng kiến suy giảm trong đầu tư. Vốn đầu tư khu vực nhà nước chỉ tăng (danh nghĩa) 3,2% so với Quý I/2015, sau khi tăng trưởng nhanh trong năm 2016. Trong khi đó, khu vực có vốn FDI, vốn có mức tăng trưởng trung bình 17%/quý và 11%/quý trong hai năm 2015 và 2016, chỉ tăng 5,5%  và đạt 80,5 nghìn tỷ đồng. Điều này cũng phản ánh thực trạng dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam giảm nhẹ trông năm 2016.

Bên cạnh đó, lượng vốn FDI giải ngân cũng bắt đầu có những dấu hiệu chững lại trong Quý I, đạt 3,62 tỷ USD và chỉ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức trung bình 10%/quý trong năm 2015). Lượng vốn đăng ký mới tiếp tục xu hướng suy giảm từ đầu năm 2016. Trong Quý I, có 493 dự án đăng ký mới với tổng vốn đăng ký đạt 2,92 tỷ USD. Điều này cho thấy phần nào ảnh hưởng của việc Mỹ rút khỏi TPP trong khi các FTA thế hệ mới vẫn chưa có tiến triển gì mới.

Tuy nhiên, vốn đăng ký bổ sung tăng mạnh giúp cho tổng vốn FDI đăng ký trong Quý I đạt 7,7 tỷ USD, bằng 177% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, dòng vốn đầu tư vào nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm chủ yếu với 6,55 tỷ USD, chiếm tới 84,9% tổng vốn đăng ký (QI/2015: 72,2%; cả năm 2015: 64,6%). Lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai với 13 dự án đăng ký mới và 5 dự án đăng ký bổ sung. Vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực này chỉ đạt 0,34 tỷ USD và chiếm 4,5% tổng lượng vốn đăng ký trong Quý I.

Xét theo đối tác, Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí số một trong các nhà đầu tư vào Việt Nam. Trong Quý I, tính riêng dự án SamSung Display Việt Nam đã điều chỉnh tăng vốn đăng ký thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh, đưa mức vốn đăng ký của Hàn Quốc đạt 3,7 tỷ USD, tương đương 48,6% tổng vốn đăng ký. Đây cũng là nguyên nhân chính giúp vốn FDI đăng ký bổ sung tăng mạnh trong Quý I.

Đáng chú ý, Trung Quốc đã vượt các nhà đầu tư khác như Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông để trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba tại Việt Nam trong Quý I. Theo đó, Trung Quốc có 66 dự án đăng ký mới và bổ sung vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 0,82 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong ba tháng, lượng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã xấp xỉ bằng một nửa so với lượng vốn đăng ký của các nhà đàu tư nước này trong cả năm 2016 (1,88 tỷ USD)./.

L.A

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra