Mạng xã hội và những vấn đề đặt ra với truyền thông hiện đại, báo chí hiện đại

Thứ năm, 06/07/2023 08:04
(ThanhtraVietNam) - Trước xu hướng biến động của truyền thông hiện đại, trong đó sự xuất hiện và bùng nổ của mạng xã hội đặt ra không ít vấn đề đối với báo chí nói chung, đặc biệt là loại hình báo chí điện tử.

Sự biến động của truyền thông hiện đại

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự biến động liên tục và đa chiều của truyền thông hiện đại nói chung nổi bật ở một số xu hướng: Sự “thoái ngôi” của tin tức báo chí; sự phổ biến của tin tức giả và sự can thiện của trí tuệ nhân tạo.

Nhà báo Phan Kiền, Tạp chí Cộng sản từng phân tích hai vấn đề chính về những xu hướng mới đặt ra với báo chí hiện đại.

Thứ nhất, vai trò của báo chí và nhà báo trong xã hội hiện đại cần được định vị lại. Nếu như trước đây, báo chí với thông tin thời sự là vai trò chủ đạo và xuyên suốt mọi nền báo chí thế giới thì trong xã hội can thiện bởi trí tuệ nhân tạo, nhà báo sẽ không hoặc ít đóng vai trò đưa tin mà đóng vai trò tạo ra dấu ấn hay các chỉ dẫn để công chúng tiếp tục tư duy về thông tin đã được đưa ra trước đó. Nói cách khác, vai trò của nhà báo trong tương lai là tạo ra góc nhìn cá nhân của phong cách riêng trong lối phân tích, bình luận và đưa ra lý lẽ, nhận định trước một vấn đề thời sự. Công chúng sẽ không tìm kiếm đến báo chí để đọc tin tức nữa mà là để đọc các “ấn tượng về tin tức” do tác phẩm của các nhà báo mang lại…

Thứ hai, vấn đề được kéo theo từ vấn đề thứ nhất, đó là câu chuyện đạo tạo người làm báo ở Việt Nam trong kỹ nguyên kỹ thuật số. Những khái niệm báo chí đa phương tiện, siêu tác phẩm báo chí, báo chí dữ liệu…không còn xa lạ với báo chí nữa. Nhu cầu cần những nhà báo vừa giỏi phân tích, lập luận, vừa giỏi trong các khâu kĩ thuật, công nghệ thay vì các nhà báo chạy đua về tốc độ thông tin như trước đây, khiến việc đào tạo nhà báo trong tương lai cũng cần thay đổi đáng kể.

Những vấn đề cần lưu ý đối với báo chí trong khai thác thông tin mạng xã hội

Cùng với xu thế biến động của truyền thông hiện đại, việc sử dụng mạng xã hội là nguồn tin để khai thác và sử dụng trên báo điện tử là cần thiết nhưng các cơ quan báo điện tử cũng cần cẩn trọng và tuân theo những quy định của pháp luật, nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp để tránh những sai phạm.

Phân tích của các nhà nghiên cứu cho thấy, Luật Báo chí 2016 và văn bản pháp luật hiện hành đã có một số quy định về việc đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí; về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin cho báo chí; về trách nhiệm trước pháp luật của cơ quan báo chí đối với thông tin được đăng, phát trên báo chí của mình đã hướng dẫn cơ quan báo chí, nhà báo khi khai thác, xác minh, chọn lựa thông tin đăng, phát trên báo chí phải theo một quy chuẩn chung, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đảm bảo tính chính xác, chân thực của thông tin báo chí và tạo hành lang pháp lý rõ ràng để báo chí tác nghiệp thuận lợi. Theo đó, cơ quan báo chí buộc phải viện dẫn nguồn tin (cá nhân, tổ chức, cơ quan nào cung cấp) khi đăng tải, tức là những thông tin được sử dụng làm tư liệu phải được xác minh có nguồn gốc rõ ràng.

Và điều 2, điều 3, trong Quy chế xác định nguồn tin trên báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 52/2008/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ rõ: “Cơ quan báo chí, tác giả bài báo phải viện dẫn nguồn tin được sử dụng để đăng, phát trên báo chí. Khi viện dẫn nguồn tin phải thể hiện rõ nguồn tin cho cá nhân, cơ quan, tổ chức nào cung cấp hoặc thể hiện rõ là theo nguồn tin riêng của phóng viên, nguồn tin riêng của cơ quan báo chí và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ và tính xác thực của nguồn tin”.

Trên cơ sở các quy định của Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm Báo Việt Nam (sau đây gọi tắy là “Quy tắc”). Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam bao gồm 03 Chương và 07 Điều đã được Hội Nhà báo Việt Nam chính thức công bố và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/01/2019. Điều 3: Những việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia mạng xã hội trong đó nêu rõ: Phát hiện, khai thác có kiểm chứng, có chọn lọc thông tin về những vấn đề mới của xã hội để phục vụ tác nghiệp báo chí.

leftcenterrightdel
 Hệ thống giám sát hoạt động của các cơ quan báo chí trên các giao diện điện tử. Ảnh: T.A

Dựa vào các cơ sở pháp lý và kiến thức, nghiệp vụ nghề nghiệp các cơ quan báo điện tử cùng các nhà báo đã chọn lọc, thẩm định, sử dụng nguồn tin trên mạng xã hội làm đề tài và nguyên liệu cho sản phẩm báo chí. Tuy nhiên, trước khối lượng thông tin đồ sộ trên mạng xã hội nhà báo sẽ gặp không ít những khó khăn trong chọn lựa thông tin có giá trị. Cụ thể các vấn đề xảy ra không hiếm tại các cơ quan báo chí điện tử như: Đưa tin thiếu kiểm chứng; Sa đà khai thác những chủ đề, trào lưu từ các mạng xã hội; Thông tin quá nhiều về đời tư cá nhân đặc biệt là đời tư của những người nổi tiếng…

Một số giải pháp cần triển khai

Theo phân tích của TS. Nguyễn Thị Hằng, Khoa Truyền thông đa phương tiện, Học viện Phụ nữ Việt Nam, những vấn đề đặt ra với việc khai thác thông tin từ mạng xã hội đối với báo điện tử cần có một số giải pháp chính để giải quyết.

Thứ nhất, cần tăng cường giải pháp về luật pháp, chính sách quản lý. Trên thực tế, thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông tính đến hết tháng 9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 16 cơ quan báo chí, ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 616,5 triệu đồng. Cương quyết xử lý nghiêm minh nếu phát hiện sai phạm, thậm chí tước quyền sử dụng giấy phép đối với những cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, kéo dài, không cầu thị, không nhận thức được việc khắc phục sai phạm. Cùng với đó, cần nâng cao vai trò của lãnh đạo cơ quan chủ quản, lãnh đạo cơ quan báo chí, đặc biệt là các báo điện tử. Nhìn chung, chính sách quản lý phải là sự kết hợp đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, bao gồm cả giải pháp hành chính, giải pháp kỹ thuật và giải pháp tuyên truyền giáo dục, trong đó tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người sử dụng mạng xã hội là giải pháp thường xuyên, liên tục, lâu dài và đóng vai trò chủ đạo để người dùng mạng xã hội từng bước thích ứng một cách tích cực với môi trường mạng, biết sàng lọc thông tin xấu, tiếp nhận thông tin hữu ích. Đi liền với đó, cần rà soát và sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả các văn bản hiện có phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Xây dựng các văn bản mới phù hợp với xu thế phát triển và yêu cầu công tác quản lý nhà nước.

Bên cạnh các nhóm giải pháp về tổ chức, hoạt động của tòa soạn báo điện tử và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo thì theo phân tích của TS Nguyễn Thị Hằng cần chú trọng tới giải pháp về đào tạo phóng viên, biên tập viên báo điện tử.

Trong đó, các phóng viên, nhà báo đã, đang và sẽ phải biết tận dụng tối đa lợi thế của các công cụ tương tác và mạng xã hội mang lại để hiểu rõ nhu cầu và những mối quan tâm hàng đầu của công chúng. Từ đó, có cung cấp những nội dung thông tin đáp ứng được nhu cầu đa dạng của công chúng. Xác định rõ những nội dung tin bài sẽ được thực hiện - là những tin bài độc quyền thực hiện và đăng tải, hoặc cách làm tin khác với cách những báo khác làm. Đặt ra các mức sản xuất nội dung dự kiến (số lượng tin bài một ngày và tần số cập nhật, nội dung thông tin)…

Chính những đòi hỏi của thị trường báo chí đã tác động mạnh đến việc đào tạo báo chí. Đào tạo liên tục cho các phóng viên, từ phóng viên kỳ cựu đến những người mới được tuyển vào làm, để họ hiểu rõ về truyền thông xã hội để có thể theo kịp tốc độ thay đổi của ngành công nghiệp truyền thông. Truyền thông xã hội, cách khai thác và sử dụng nguồn tin từ mạng xã hội cần phải trở thành một trong nội dung hoặc học phần cơ bản và bắt buộc đối với sinh viên báo chí, truyền thông ở hầu hết các cơ sở đào tạo báo chí và truyền thông hiện nay. Điều này giúp mỗi sinh viên sau khi ra trường đều có thể hoạt động báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại, chuyên nghiệp.

Đối với các đơn vị đào tạo báo chí - truyền thông cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn nữa trong chất lượng tuyển sinh đầu vào. Chú trọng đầu tư, phát triển chương trình đào tạo sinh viên báo chí - truyền thông vững về chuyên môn, am hiểu về pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt các học về kỹ năng tác nghiệp thực tế và đạo đức nghề nghiệp cần phải được coi trọng, tăng cường thời lượng, các giờ học phải gắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn để sinh viên có thể tiếp cận và rút ra những kiến thức, kinh nghiệm thực tế ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường.

Đối với các cơ quan báo chí cũng cần phải chú trọng khâu tuyển chọn vào các vị trí phóng viên, biên tập viên. Quy trình kiểm tra, sát hạch trình độ chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cần phải thực hiện chặt chẽ. Các cơ quan báo chí thường xuyên tổ chức những khóa tập huấn, tọa đàm trao đổi chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên tạo cơ hội cho phóng viên, biên tập viên được trau dồi, bổ sung kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp./.

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra