Mỗi môn học đều có ít nhất vài cuốn hỗ trợ kiến thức đi kèm, đặc biệt gần đây nhiều sách biên soạn theo “chuẩn kiến thức mới” lại sai kiến thức tràn lan khiến thị trường sách tham khảo càng thêm bấn loạn.
Thừa thãi sách giải, bồi dưỡng…
Hiện nay hầu như tất cả các lớp, môn học đều tràn ngập các loại sách với đủ tên gọi từ sách bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng... Chỉ riêng lớp 1-2 mỗi môn tiếng Việt, toán cũng đã có gần 30 đầu sách tham khảo của hơn 10 nhà xuất bản (NXB). Nếu so với bộ SGK theo quy định của Bộ GDĐT chỉ gồm 6 cuốn cả tập 1 và tập 2 thì bộ sách tham khảo nhiều gấp 3-4 lần.
 |
Phụ huynh, học sinh bối rối trước thị trường sách tham khảo quá đa dạng. Ảnh: Lê Tuyết |
Có phụ huynh phân trần: “Môn gì cũng có sách tham khảo, mình không mua cho con thì sợ con không theo kịp bạn bè. Một phần vì bài tập trong sách quá nhiều, còn phải đi học thêm. Nói là mua sách tham khảo nhưng trước hết là mua sách giải, từ giải bài tập trong SGK đến giải bài tập trong sách bài tập. Môn nào cũng có, cứ lo đối phó với hàng đống bài tập trước rồi mới tính đến chuyện làm bài nâng cao”.
Cuộc đua với đống bài tập trên lớp và lớp học thêm của HS và phụ huynh đã tạo cơ hội cho các NXB tranh nhau tung sách với đủ loại “mỹ từ” để “chiêu dụ” khách hàng. Chỉ riêng môn toán lớp 2, mỗi NXB cũng có ít nhất 3 đầu sách với đủ các dạng giải bài tập. Giá mỗi cuốn ít nhất cũng vài chục ngàn đồng. Anh Hải (TPHCM), loay hoay chọn sách cho con, than thở: “Con gái tôi học lớp 6, tìm mấy cuốn rèn luyện môn văn mà không biết chọn cuốn nào giữa mấy chục đầu sách liên quan”.
Sách kiểm tra kiến thức sai… kiến thức
Vừa qua, một sự cố liên quan đến sách tham khảo, sách bồi dưỡng kiến thức là sự nhầm lẫn trong đề thi văn lớp 10 ở Khánh Hòa. Đề thi cho rằng hai câu thơ Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta có thêm ngày nữa để yêu thương là của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chính xác 2 câu này của thi sĩ người Lebanon Kahlil Gibran (1883-1931) và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dịch sang tiếng Việt vào năm 1993.
Câu hỏi này của đề thi dựa vào đề bài số 26 trang 87 trong cuốn Ôn tập củng cố kiến thức ngữ văn lớp 9 do hai tác giả Lê Đình Thuần, Kiều Văn Bức biên soạn (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - tháng 5.2011). Đó chỉ là một sự cố được phát hiện khi được đưa vào đề thi, còn rất nhiều trường hợp sách sai kiến thức được giáo viên phát hiện theo kiểu “giun hô hấp bằng mang”, “cá chép thở bằng phổi”, “Đồng bằng sông Hồng không có nhà máy thủy điện vì thiếu lao động”... càng làm cho HS, phụ huynh thêm hoang mang.
 |
Sách tham khảo các loại như mê hồn trận. Ảnh: Kỳ Anh |
Ngoài những NXB lớn có thâm niên làm sách tham khảo thì hiện nay hầu như NXB nào cũng muốn khai thác thị trường này. Trong khi SGK dù vượt qua mấy vòng kiểm định vẫn sai sót thì sách tham khảo lại không được kiểm tra, thẩm định nên chuyện sai sót không thể nào tránh được. Anh Nguyễn Huy Ninh - gia sư môn toán, lý chia sẻ: “Giờ có nhiều cuốn sách của các NXB uy tín cũng mắc lỗi thì ngay cả những người đi dạy như mình còn khó tìm được sách phù hợp thì phụ huynh, HS càng khổ”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Truật - Phó Giám đốc NXB Trẻ cho biết: “Nhiều sách của tiểu học lại được những giảng viên ĐH viết hoặc nhiều người viết theo đơn đặt hàng của NXB dựa trên kiến thức nền của SGK. Trong khi không ít SGK còn mắc lỗi thì những cuốn sách ra đời vội vàng làm sao tránh được, nhưng rất nguy hiểm khi chính những cuốn sách đó lại tự nhận là “chuẩn kiến thức”, “kiểm tra kiến thức” lại sai kiến thức tràn lan, nó ảnh hưởng đến cả một thế hệ HS. Cho nên, việc lựa chọn và viết sách tham khảo rất cần cái tầm và cái tâm của người viết và NXB”.
Theo Lê Tuyết
Lao động