Hội thảo có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cùng các giáo sư, tiến sỹ đầu ngành nghiên cứu về vấn đề giáo dục.
Tại hội thảo, các đại biểu đã có rất nhiều các ý kiến đóng góp, tranh luận xung quanh vấn đề Triết lý giáo dục Việt Nam, có hay chưa, và nếu có thì cần làm rõ đó là những triết lý gì, chuẩn hoá để nó là sợi chỉ xuyên suốt cho những cải cách giáo dục của Việt Nam. Qua đó phải nêu lên được vai trò của nó trong xã hội Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong giai đoạn đang cần rất nhiều những cải cách giáo dục đúng đắn để tìm ra những đường đi đúng cho nền giáo dục Việt Nam.
Trong 14 bản báo cáo tham luận của các đại biểu tham dự đều chứa đựng những ý kiến đóng góp, những quan điểm, cách nhìn hay những phương hướng mà các đại biểu mạnh dạn đưa ra để nhằm tìm đến một sự đồng thuận chung về Triết lý giáo dục Việt Nam thời hội nhập. Qua đó thấy rõ sự tâm huyết của các giáo sư và mong mỏi được đóng góp cho sự nghiệp cái cách giáo dục nước nhà.
 |
Hội thảo khoa học "Triết lý giáo dục Việt Nam". |
Giáo sư Phan Trọng Luận với bài tham luận "Triết lý giáo dục Việt Nam nhìn từ góc độ tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh" đã nêu ra một số dẫn chứng về một xã hội đang xuống cấp trầm trọng về mặt đạo đức: “có xã hội nào người ta ném đá vào đầu nhau, giải đinh ra đường để sống hay chỉ qua một đêm đã có thể đổ bùn lấp đầy hàng trăm ngôi mộ...Do đó, theo ông con người dù là đàn ông hay đàn bà điều quan trọng phải giáo dục cho họ đó là lòng nhân ái.”
Hay như theo giáo sư Lê Khánh Bằng - giảng viên khoa Tâm lý trường ĐH Sư Phạm Hà Nội thì cho rằng mỗi giáo viên, học sinh phải tự tìm ra cho mình một triết lý để từ đó tự làm chủ mình, làm chủ khả năng của bản thân từ đó mới phát huy được năng lực tự học hỏi, tự tìm tòi.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đưa ra ý kiến: Đảng và Nhà nước ta có chủ trương phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, theo ông đây cũng là một triết lý giáo dục. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, phương châm của giáo dục chính là chuẩn hoá, hiện đại hoá và dân chủ hoá, đây vừa là nội dung, phương pháp và cơ sở vật chất cho gia đình.
Giáo sư Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo thì lại nhận xét, triết lý dù thế nào cũng phải thật ngắn gọn và được đông đảo mọi người công nhận. Theo ông cái quan trọng nhất của giáo dục là tính trung thực. Nếu trung thực thì sẽ không có bệnh thành tích hay những tuyên truyền không đúng...tất cả những cái đó đều là do giáo dục chưa có tính trung thực. Ông lấy dẫn chứng Trung Quốc có một triết lý rất ngắn gọn và súc tích đó là “mèo đen hay mèo trắng không quan trọng, mà quan trọng là nó có bắt được chuột hay không”. Điều đó có nghĩa cái người ta quan tâm là kết quả cuối cùng, trong giáo dục đó chính là đạo tạo ra những học sinh như thế nào!
Giáo sư Nguyễn Đình Chú thì lại cho rằng, cần phải xây dựng một nền tảng xã hội khoa học nhân văn vững chắc, có như vậy mọi giá trị mới có thể tìm được chỗ đứng đúng vị trí của nó. Giáo sư cũng nhấn mạnh, dù tìm ra được triết lý cho giáo dục Việt Nam thời hội nhập thì cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào nó, bởi từ nó đến thực tế còn xa vời lắm. Nó cũng chỉ là những học thuyết khoa học giúp phần nào đó cho phát triển giáo dục chứ không giúp giải quyết trực tiếp được những vấn đề giáo dục hiện nay.
Tổng kết Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã ghi nhận và mong muốn sẽ nhận được nhiều hơn nữa những ý kiến đóng góp tâm huyết của các giáo sư để giúp tìm ra hướng giải quyết những vấn đề giáo dục Việt Nam thời hội nhập. Hội Thảo tuy chưa đồng nhất được triết lý giáo dục Việt Nam thời hội nhập nhưng cũng phần nào nêu ra được, gọi tên đúng những cái mà giáo dục Việt Nam hiện nay đang còn thiếu, còn yếu.
Phương hướng giải quyết những vấn đề này như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất cho hệ thống giáo dục Việt Nam thì lại phải là sự chung tay của các bộ, ban, ngành trong hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là hướng đi, cách thức của Bộ Giáo dục./.
Nhật Minh