Người Hà Nội và thói quen dùng từ “trộm vía”

Thứ sáu, 22/04/2011 10:38
(Thanhtravietnam.vn) - Chắc hẳn không ai còn xa lạ với từ “trộm vía”, nhưng để dùng nó như một thói quen hàng ngày, thậm chí trong hầu hết các câu nói, điều đó có lẽ chỉ có ở… người Hà Nội.

Từ lối nói của… các cụ

Không biết từ bao giờ, từ “trộm vía” đã đi vào đời sống của người dân Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng và cũng không ai biết nếu như lỡ có không nói từ đó thì hậu quả sẽ như thế nào. Nhưng cũng giống như thuốc độc, biết uống vào thì sẽ chết nên cũng chả ai dại dột thử.

“Trộm vía” là cách nói của các cụ ngày xưa theo quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, bởi các cụ cho rằng, con người có vía, nên nếu có khen chê gì thì cũng cần có ý tứ, đặc biệt là đối với các em bé. Ngày xưa, các cụ sợ những lời khen đối với trẻ con biến thành điềm gở nên đã “phát minh” ra từ “trộm vía” nhằm giảm thiểu những điều xui xẻo.

Lại cũng có người quan niệm là do ma quỉ hay ghen ghét với con người nên thường đến quấy phá những đứa trẻ xinh đẹp hay ngoan ngoãn. Chính vì thế nên có nhiều người còn bôi lọ lem vào mặt con khi ngủ để thần linh hay ma quỉ chê, khỏi bắt vía đi. Điều này cũng giống với việc, ở nhiều vùng nông thôn xưa hay có thói quen đặt tên con thật xấu để ma quỉ đỡ nhòm ngó và cho rằng đặt tên như thế mới dễ nuôi.

Và cho dù sự đúng sai không ai có thể kiểm chứng được, nhưng có lẽ do “độ linh thiêng” của nó nên càng ngày từ “trộm vía” càng được nhiều người dùng.

"Trộm vía cái gối này êm quá Mẹ ơi"


Trở thành cách nói thông dụng

Thời trước, cách đây chừng mấy chục năm, từ “trộm vía” khi ấy cũng ít người dùng. Không lẽ nói trộm vía chiến tranh đừng xẩy ra, bom đạn đừng dội xuống mảnh đất này. Vài năm lại đây, đời sống kinh tế đã ổn định và trở nên khá giả, người ta bắt đầu “sính” dùng từ ngoại hiện đại hoặc từ… cổ. “Trộm vía” cũng nhờ đó mà trở nên thịnh hành khắp nơi nơi.

Không chỉ thông dụng khi nói về những đứa trẻ thơ trước khi khen chúng ngoan, động viên chúng hay ăn chóng lớn hay một tình huống nào đó. Dần dần, từ “trộm vía” được lạm dụng trong tất cả các lĩnh vực. Ra đường bây giờ không khó để bắt gặp ai đó trong câu nói của mình có từ “trộm vía”. Từ “trộm vía hôm nay sao sếp hiền thế”, “trộm vía hôm nay trời đẹp thế”… cho đến “trộm vía hôm nay đi chợ may thế, mua được nhiều đồ ăn tươi ngon”, rồi thậm chí là “trộm vía hôm nay thời tiết đẹp”, “trộm vía công việc thuận lợi quá” và cho đến cả “trộm vía hôm nay không… tắc đường”… Tất cả các vấn đề của cuộc sống đều được gắn đằng sau từ “trộm vía”.

Khi được hỏi về điều này, chị Tâm (Láng Thượng, Đống Đa) cho biết: Tôi không cho rằng đây là “một lối xã giao cứng nhắc, thậm chí là mê tín” mà nó là một nét văn hóa, một phép lịch sự giao tiếp chỉ có ở người Việt chúng ta. Các cụ có câu: đất có lề, quê có thói, tôi nghĩ là đó cũng là thói quen cửa miệng của mỗi vùng miền mà thôi.

Như một mặt hàng được ưa thích, có khá nhiều người “sính” dùng từ “trộm vía”, bất kể ý nghĩa chính thức của nó là gì. “Em có nghe giải thích đâu đó vài lần. Trước đây, em thấy mọi người hay nói thế nên thành thói quen, khen em bé nào cũng nói "trộm vía", không thì sợ bố mẹ em bé phật lòng hoặc lo lắng vì sợ ma quỉ nghe thấy đến bắt con mình. Bây giờ thành thói quen, dù không tin tí nào nhưng vẫn nói "trộm vía”, Hải Minh (sinh viên Đại học Giao thông vận tải) thổ lộ.

Trong trường hợp của Hùng Minh, từ “trộm vía” còn đi cả vào tình yêu hôn nhân gia đình. Mỗi khi đề cập đến chuyện vợ con, Hùng Minh lại chép miệng, “trộm vía, trông em như thế này mà đến giờ vẫn chưa có người yêu”. Khi ai đó quở rằng sẽ lấy vợ thua kém mình, Hùng Minh lại nói vớt “… nhớ phải trộm vía chứ”.

Không thích vẫn phải dùng

Mặc dù đã là mẹ của hai đứa con và có nhiều vô số những đứa cháu trong gia đình cũng như con cái của bạn bè nhưng chị Thanh Huyền (Cầu Giấy) chia sẻ: Tôi cũng không biết nữa nhưng tôi chẳng thích nói hai từ đó chút nào. Nó cứ "cổ cổ" làm sao ấy, giống như các cụ ngày xưa!

Miệng nói là không thích, nhưng trong cuộc sống đôi khi chị Huyền vẫn phải sử dụng “thuật ngữ” ấy. “Tôi thì khen con mình chẳng trộm vía, vả miệng mẹ (cũng là một lối kiêng kị khi khen hoặc chê những em bé - PV) gì hết, cứ thích là khen thôi; Nhưng khen con người khác thì mình cũng bắt chước “trộm vía” cho đỡ phiền, cho phải phép là đã trộm vía bé rồi - vậy là ổn thỏa", chị Huyền cho biết thêm.

Cũng giống như chị Huyền, chị Kim Thoa (Từ Liêm) cũng chẳng mấy khi trộm vía khi khen con mình, “chỉ khen con người khác mới phải nói thế, mà sao mỗi lần nói cứ thấy ngường ngượng, nhưng sợ người ta phật lòng nên cứ phải thêm trộm vía vào. Chính thế nên tôi cũng hạn chế bình luận về trẻ con lắm”.

Nói hay không thì tùy bạn, nhưng trên thực tế, hiện nay ở Hà Nội, đi đâu, nói chuyện gì cũng đều thấy “trộm vía”. Tôi cũng không tin lắm đâu, nhưng biết đâu lỡ mình không nói, bài viết này lại không được đăng??? Trộm vía!!!

Hà Tuấn



dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra