Nhiều kết quả tích cực trong cải cách hành chính tại Quảng Bình

Thứ ba, 11/04/2023 14:27
(ThanhtraVietNam) - Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình về kết quả 2 năm thực hiện Chương trình hành động số 03-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, giai đoạn 2021-2025 của Ban Cán sự Đảng tỉnh Quảng Bình cho thấy, nhiều kết quả trong CCHC tại địa phương này, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

95% văn bản, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng tại cơ quan cấp tỉnh

 Theo đó, Ban Cán sự Đảng đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện. Trong 2 năm, HĐND và UBND tỉnh ban hành 151 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) để thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương trên các lĩnh vực.

Từ 01/01/2021 đến nay, UBND tỉnh đã giao Sở Tư pháp tự kiểm tra 106 văn bản QPPL (đạt 100%); kiểm tra theo thẩm quyền 50 văn bản QPPL (đạt 100% văn bản gửi đến); chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện rà soát 298 văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, như: Giáo dục và đào tạo; thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thi đua khen thưởng; tài nguyên và môi trường…

Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện đúng quy định, quy trình đánh giá tác động đối với quy định về thủ tục hành chính (TTHC) trong dự bảo văn bản QPPL và rà soát, phát hiện các vướng mắc, bất cập về TTHC. Theo đó, đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương phân cấp lại cơ quan giải quyết TTHC đối với 716 TTHC cho phù hợp với chủ trương của Đảng, nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.

Tính đến nay, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại địa phương được công khai trên các Cổng dịch vụ công theo từng cơ quan, đơn vị, địa phương là 1.996 thủ tục. Để khắc phục tình trạng hồ sơ tồn đọng, giải quyết quá hạn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi; chỉ đạo quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng hồ sơ TTHC chậm xử lý, tồn đọng, quá hạn kéo dài trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng tiếp tục được UBND tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 848 quy trình dịch vụ công trực tuyến để tổ chức thiết lập lên Cổng dịch vụ công tỉnh và kết nối, tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ văn bản, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng tại cơ quan cấp tỉnh là 95%, cấp huyện là 88%, cấp xã là 65% (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về TTHC của tổ chức, cá nhân được UBND tỉnh thực hiện nghiêm theo quy định. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận 319 phản ánh, kiến nghị về TTHC. Tất cả các phản ánh, kiến nghị đều đã phân công cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật và được đăng tải công khai trên Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

leftcenterrightdel
Người dân phường Phú Hải, thành phố Đồng Hới giải quyết các TTHC tại bộ phận một cửa. (Ảnh: donghoi.quangbinh.gov.vn)

Triển khai các Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính

Bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử, UBND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra việc thực hiện kiểm soát TTHC tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương; chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tự kiểm tra tại đơn vị, địa phương mình để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Về cải cách tổ chức bộ máy, thực hiện Nghị định số 107/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trong 2 năm (2021-2022), UBND tỉnh chỉ đạo 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bên trong đảm bảo theo quy định. Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 114 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương thuộc sở, 9 chi cục và tương đương, 29 phòng và tương đương thuộc chi cục. Giảm 5 chi cục và 1 tổ chức hành chính tương đương chi cục; giảm 25 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương thuộc sở; giảm 28 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương thuộc chi cục và tương đương. Theo đó, toàn tỉnh còn dôi dư 18 phó trưởng phòng và tương đương thuộc sở do thực hiện sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất, giải thể phòng. Hiện nay, các cơ quan đang tiến hành sắp xếp để đảm bảo thời hạn theo quy định.

Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các quy định của pháp luật liên quan, công tác tuyển dụng công chức, viên chức được UBND tỉnh thực hiện đúng quy định, đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ. Cùng với đó, công tác đánh giá, xử lý kỷ luật được thực hiện theo đúng quy định. Từ năm 2021 đến nay, đã có 217 công chức, viên chức bị kỷ luật.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Bình tiếp tục thực hiện công tác cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

leftcenterrightdel
 Người dân thực hiện thủ tục hành chính bằng các phương tiện điện tử tại Quảng Bình. Ảnh: baoxaydung

Bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, tổ chức

 Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Bình nhận định, trong 2 năm qua, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã chỉ đạo, điều hành công tác CCHC sâu sát, quyết liệt, kịp thời; thường xuyên kiểm tra hoạt động CCHC của cơ quan, đơn vị mình để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế của công tác CCHC.

Giai đoạn tiếp theo, UBND tỉnh tập trung bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, cải cách THHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp.

Đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản QPPL của tỉnh theo hướng chặt chẽ, khoa học, hiện đại, chuyên nghiệp; trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL đảm bảo tính minh bạch, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Triển khai đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại các Kế hoạch kiểm soát TTHC hàng năm; rà soát, đánh giá TTHC trong quá trình thực hiện; bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, tổ chức.

Cùng với đó, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục giảm số lượng cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện tinh giản biên chế; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu cải cách chế độ công vụ hướng tới phục vụ và làm hài lòng người dân, tổ chức.

Tiếp tục xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; phát triển các ứng dụng, dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh số hóa các quy trình, hồ sơ kết quả giải quyết TTHC./.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra