Những chuyện không kể hết

Thứ tư, 13/03/2013 10:12
(ThanhtraVietnam) - Thái Nguyên, Tuyên Quang không chỉ được biết đến với rất nhiều địa danh sơn thủy hữu tình mà miền đất nơi đây còn có rất nhiều di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của cả dân tộc thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Chẳng thế mà mỗi lần đến với Thái Nguyên, đã là người dân Việt Nam - ai cũng thấy hạnh phúc như được trở về với cái nôi cách mạng, được tận mắt chứng kiến nơi Bác Hồ từng đặt chân, sống, làm việc và lãnh đạo toàn quốc kháng chiến.

Mô hình địa đạo ATK


Di tích lịch sử Tỉn Keo thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Tỉn Keo nằm trong quần thể khu di tích lịch sử ATK (An Toàn Khu). Đây được coi là trung tâm thủ đô cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc nhiều lần trong những năm từ 1948 đến cuối 1953 để lãnh đạo toàn quốc kháng chiến. Tại đây, ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị BCH TW Đảng quyết định mở chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân  ủy  - Bộ Tổng tư lệnh, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta đến thắng lợi.

Đoàn tham quan nghe kể chuyện về những ngày Bác Hồ làm việc tại Lán Tỉn Keo

Cũng ở nơi đây, mỗi bước chân Bác Hồ đặt tới và đi qua đều để lại những câu chuyện hết sức có ý nghĩa và xúc động. Phải chăng vì sự quan tâm của mỗi chúng ta đối với nguồn cội lịch sử và tình cảm với vị lãnh tụ kính yêu quá lớn? Hay đơn giản chỉ vì giọng kể của cô hướng dẫn viên truyền cảm quá! Chuyện kể xong rồi mà lòng người đọng mãi từng cung bậc cảm xúc, vấn vương, lưu luyến du khách thập phương trong và ngoài nước.

Tôi đặc biệt nhớ câu chuyện được coi như sự tích về cây dâm bụt mà Bác Hồ trồng ngay trước Lán Tỉn Keo. Chuyện Bác đi đến địa phương nào đâu cũng muốn trồng cây dâm bụt để nhắc nhớ về một thời tuổi thơ đầy nước mắt. Tuổi thơ ấy có người em Sinh Xin của Bác khi mới 8 tháng tuổi thì mẹ (là bà Hoàng Thị Loan) bệnh nặng và mất đi. Đau khổ vì mồ côi mẹ quá sớm, bố lại ở xa, cậu bé Sinh Cung ẵm em đến tất cả những nhà có con nhỏ để xin sữa cho em. Nhưng những dòng sữa ấy không đủ cho em no, em vẫn khóc ngặt mãi. Không biết làm thế nào, cậu bé Sinh Cung bế em đứng trước di ảnh của mẹ mà gọi, mà khóc. Chợt nhớ có lúc mẹ cho mút hoa dâm bụt có vị ngòn ngọt, Sinh Cung liền hái hoa cho em mút. Nhưng những giọt “sữa hoa” ấy cũng không đủ để em Sinh Xin no, em khóc nhiều quá rồi lặng đi,...

Cây dâm bụt Bác Hồ trồng 60 năm trước tại Lán Tỉn Keo

Chuyện qua rồi nhưng dư âm thì còn mãi. Mỗi người nghe cảm nhận ở các góc độ khác nhau nhưng ai nấy đều thấy cảm thương, xót xa cho một thời tuổi thơ dữ dội, cũng là một thời bi thương của cả dân tộc. Cõ lẽ chính những day dứt quá lớn đó đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng của vị lãnh tụ, giúp Người có thêm nghị lực và sức mạnh quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước và trở về lãnh đạo cả dân tộc kháng chiến, xây dựng Nhà nước độc lập tự do của dân, do dân, vì dân như ngày hôm nay.

Ngày hôm nay, chiến tranh không còn. Hòa bình lập lại trên khắp dải đất hình chữ S. Chúng tôi thong thả bước đi trên đường dẫn vào Lán Nà Lừa (hay còn gọi là Nà Nưa), được hít thở khí trời mát mẻ, tươi mới. Lán Nà Lừa nằm ở sườn núi Nà Lừa, cách thôn Tân Lập (Tân Trào)  - Tuyên Quang 500 m về phía đông. Tại đây, các bạn trẻ đều tranh thủ chụp lại một vài tấm hình lưu niệm với rừng núi có chút mờ ảo hơi sương, làn nước hồ xanh, trong vắt nên thơ, hữu tình vô cùng. Sống giữa thiên nhiên, đất trời dễ chịu như thế, con người nơi đây thân thiện, hiền hòa và ấm tình lắm.

Chị hướng dẫn viên trong trang phục truyền thống của dân tộc Tày, kể cho chúng tôi nghe về di tích Lán Nà Nưa - Lán được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi, dưới các tán cây để bảo đảm bí mật cũng như đáp ứng được yêu cầu khắt khe của Bác là phải gần nước, gần dân, xa quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái. Khi chị nói đến đây, ai cũng phải trầm trồ thán phục tài năng của Bác về địa lý và quân sự. Bác lựa chọn nơi đây làm căn cứ địa không phải vì sơn thủy hữu tình mà còn bởi những lý do quan trọng, có tầm nhìn xa kia.

Lán có hai gian nhỏ: gian trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Tại đây, Bác Hồ đã đề ra những quyết sách lớn có liên quan vận mệnh đất nước như tổ chức Hội nghị toàn quốc của Đảng (từ 13 đến 15-8-1945), Quốc dân Đại hội (từ 16 đến 17-8-1945)...


Câu chuyện chị hướng dẫn viên kể khiến mỗi chúng tôi thật sự xúc động khi biết rằng ở lán Nà Lừa, điều kiện làm việc của Bác hết sức gian khổ và khó khăn. Những bữa ăn quá đỗi đạm bạc, chỉ có măng rừng chấm muối, cơm chan nước chè xanh, cộng với cường độ làm việc ngày đêm đã khiến sức khỏe của Bác giảm sút. Cuối tháng 7-1945, trong khi tình hình trong và ngoài nước diễn biến có lợi cho cách mạng, Bác đã bị ốm nặng. Những cơn sốt rét hành hạ khiến Bác tưởng như mình không thể qua khỏi. Người dân và cán bộ, ai biết bài thuốc gì đều tận tình làm để chữa bệnh cho Bác nhưng đều không có kết quả. Tưởng như Người đã đi vào thời gian ấy...

Nhưng rồi, tại miền đất của sự sống này, Bác Hồ của chúng ta đã được hồi sinh - khi mà vô tình có một cụ lang người dân tộc Tày đi qua, đã đến chữa bệnh cho Bác. Sau khi bắt mạch, cụ lang vào rừng và đem về một thứ củ gì đó, đốt cháy, hòa vào cháo loãng mời Bác uống. Sau một vài lần làm như vậy, Bác đỡ dần và tiếp tục làm việc với nghị lực phi thường, lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ thành công vang dội khắp thế giới.

Đoàn tham quan chụp ảnh lưu niệm trước Nhà tưởng niệm
Hồ Chủ tịch - 8/3/2013 - Thái Nguyên

Còn rất nhiều câu chuyện ở nơi đây, mỗi bước chân đi đến, mỗi bước chân trở vệ, kể không sao hết được,...

Kim Dung - Minh Nguyệt

nguyenthuhang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra