Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến cho người dân sinh sống ở ven sông, ven hồ,... biết và thực hiện các quy định về đảm bảo ATGT trên đường thuỷ nội địa bằng các hình thức như: qua hệ thống truyền thanh cơ sở, qua tài liệu, các hội nghị của thôn, bản, tổ dân phố,...tiếp tục công tác phối hợp liên ngành trong việc thực hiện kiểm tra bảo đảm trật tự, ATGT, đặc biệt trú trọng kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm.
Giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan thực hiện việc rà soát và thống kê, quản lý hoạt động phương tiện và tổ chức cho chủ phương tiện ký cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa; đặc biệt là trang bị đầy đủ thiết bị an toàn (phao áo cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh,...) đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách bằng đường thuỷ nội địa. Kiểm tra, giám sát các cơ sở hoạt động đóng mới, sửa chữa, hoán cải các phương tiện thuỷ nội địa; xử lý nghiêm các hành vi đóng mới, sửa chữa, hoán cải các phương tiện thuỷ nội địa thuộc diện đăng kiểm mà không có hồ sơ thiết kế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đóng mới, sửa chữa, hoán cải phương tiện không phù hợp với hồ sơ thiết kế đã được cơ quan đăng kiểm thẩm định; tự ý hoán cải, thay đổi tính năng kết cấu, công dụng của phương tiện, kiên quyết không để phương tiện thuỷ nội địa vào, rời cảng bến thuỷ nội địa khi phương tiện thuỷ nội địa không đảm bảo điều kiện an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường hoặc cảng bến thuỷ nội địa không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về ATGT, đặc biệt đối với hành vi vi phạm có nguy cơ cao mất ATGT đường thuỷ như việc đưa phương tiện không có giấy chứng nhận hoặc giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp hết hiệu lực vào hoạt động chở khách; không trang bị đủ áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh; thuyền viên, người lái phương tiện không có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; chở quá số người quy định được phép trở trên phương tiện, điều kiện an toàn tại các cảng, bến thuỷ nội địa, bến khách ngang sông.
Ban ATGT tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nội dung trên. Trong quá trình triển khai thực hiện, tổng hợp, tham mưu, đề xuất phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh kịp thời giải quyết theo quy định.
Chỉ đạo trên nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 4292/VPCP-CN ngày 29/5/2020; Công văn số 175/UBATGTQG ngày 29/5/2020 Ủy Ban ATGT Quốc gia và các Công văn của UBND tỉnh và Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam./.
Dương Thái