 |
Trước đây gói thầu khôi phục 17 cầu đường sắt Thống Nhất cũng đã gặp tình trạng một nhà thầu. Trong ảnh: đường sắt cầu Bình Lợi tại TPHCM. Ảnh: Kinh Luân |
Cuộc họp của Ủy ban Hỗn hợp Việt - Nhật dự kiến sẽ diễn ra hôm nay (3-4) nhằm bàn thảo các biện pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn và chống tiêu cực mạnh hơn trong các dự án có sử dụng vốn ODA. Tuy nhiên với những tồn tại hiện có khi giải ngân các dự án và điều kiện giải ngân vốn mới được thay đổi cách đây đúng một năm, dự kiến sẽ khó có kết quả đột biến.
Nhiều dự án ODA một nhà thầu
Cuộc gặp của các thành viên Ủy ban Hỗn hợp diễn ra sớm hơn thường lệ, một phần xuất phát từ nghi án đưa và nhận hối lộ tại dự án tuyến đường sắt số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên) có sử dụng vốn vay STEP của JICA từ năm 2009.
Vốn STEP, hay còn gọi là vốn có các điều kiện vay đặc biệt dành cho các đối tác kinh tế, hiểu đơn giản là vốn vay ưu đãi, nếu căn cứ vào lãi suất (trên nguyên tắc) là 0,2%/năm, áp dụng cho các dự án giải ngân trước ngày 31-3-2013. Sau ngày này, lãi suất đã thay đổi theo hướng còn thấp hơn nữa, thời gian trả nợ và ân hạn kéo dài (có thể lên đến 30-40 năm). Tuy nhiên, để giải ngân vốn STEP không phải dễ.
Ngay tại “nghi án” tuyến đường sắt số 1 cũng gặp những vấn đề từ đầu trong quá trình mời thầu tư vấn: bốn nhà thầu Nhật bày tỏ sự quan tâm, hai nhà thầu mua hồ sơ nhưng chỉ có một nhà thầu JTC trụ lại và kết quả là phải chọn họ. Một gói thầu như thế, theo thông lệ là bất thường song ở các dự án có sử dụng vốn STEP của JICA, do điều kiện vay vốn có ràng buộc nên chuyện không bình thường lại được chấp nhận, bởi đã có nhiều tiền lệ “một nhà thầu” tại các dự án khác. Ngoài nhà thầu Nhật hoặc các liên danh do công ty Nhật làm thầu chính, các nhà thầu khác không được tham gia.
Nhớ lại thời ông Trần Văn Lục (người đang phải làm giải trình về dự án chọn JTC) làm trưởng ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU), thời điểm năm 2009, không chỉ riêng dự án tuyến đường sắt số 1 gặp vấn đề trong quá trình chọn thầu.
Gói thầu CP1 khôi phục 17 cầu đường sắt Thống Nhất ban đầu có hai nhà thầu tham dự, sau chỉ còn một nhà thầu do nhà thầu kia bỏ cuộc. Nhà thầu còn lại bỏ giá cao hơn gần gấp đôi so với dự toán được duyệt nên phải hủy kết quả để đấu lại. Sau hơn một năm, mới chọn lại nhà thầu khiến dự án bị chậm tiến độ.
Gói thầu CP3 khôi phục 16 cây cầu cùng nguồn vốn vay STEP cũng sơ tuyển nhà thầu hai vòng mà không thành công bởi chỉ có duy nhất một nhà thầu. Bộ GTVT và JICA đã quyết định hủy sơ tuyển, điều chỉnh điều kiện nhưng không có thêm nhà thầu, dẫn đến tạm dừng sơ tuyển để tính phương án khác.
Dẫn chứng như vậy để thấy rằng, các chủ đầu tư ở Việt Nam luôn gặp vấn đề với các gói thầu sử dụng vốn ODA có điều kiện từ Nhật Bản. Những điều kiện tưởng như ngặt nghèo để gia tăng tính minh bạch và hiệu quả ở các dự án, tại một thời điểm nào đó, có thể lại vô tình tạo điều kiện cho tiêu cực có đất phát sinh. Bởi lẽ, với những quy định về đấu thầu hạn chế cho các công ty đến từ Nhật hoặc liên danh thầu do phía Nhật làm nhà thầu chính, không tạo nên cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các nhà thầu, làm giảm tính cạnh tranh, so sánh giữa các nhà thầu. Điều đó khiến cho nhiều gói thầu tưởng là vay vốn rẻ nhưng lại phải đi thuê thầu của quốc gia cấp vốn với giá đắt. Chưa kể đến các trục trặc trong quá trình đấu thầu và thực hiện dự án khiến tình trạng đội vốn, chậm trễ luôn diễn ra.
Nút thắt là điều kiện vay vốn
Một cựu lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) nói với TBKTSG: “Điều kiện vay vốn STEP nhiều nên cần tiền lắm mới đi vay, nhiều khi không muốn vay”. Như vậy nút thắt của các dự án dùng vốn STEP nằm ở điều kiện vay vốn. Và điều kiện vay vốn nếu được cải thiện sẽ gỡ được những khó khăn mà các dự án đang gặp phải?
Các chủ đầu tư ở Việt Nam luôn gặp vấn đề với các gói thầu sử dụng vốn ODA có điều kiện từ Nhật Bản. Những điều kiện tưởng như ngặt nghèo để gia tăng tính minh bạch và hiệu quả ở các dự án, tại một thời điểm nào đó, có thể lại vô tình tạo điều kiện cho tiêu cực có đất phát sinh. |
Câu trả lời là hoàn toàn không dễ. Cho dù Nhật Bản vẫn sẵn sàng cấp ODA cho Việt Nam hơn 200 tỉ yên/năm (tính ra hơn 41.000 tỉ đồng) trong các năm 2013, 2014 như công bố mới đây của JICA và điều kiện vay vốn luôn là chủ đề được quan tâm nhất tại các cuộc đối thoại chính sách ODA Việt Nam- Nhật Bản song các điều kiện vay đặc biệt (vốn STEP) được phía Nhật Bản thay đổi từ ngày 1-4-2013, mới đưa vào áp dụng thời gian ngắn sẽ khó tiếp tục thay đổi. Phía cần vốn đáp ứng được điều kiện thì cho vay, chứ không thể đàm phán điều kiện riêng cho từng dự án.
Quá trình điều chỉnh gần đây nhất cho thấy, điều kiện vay vốn đã thoáng hơn, song Nhật Bản chỉ nới điều kiện lãi suất. Điều kiện chọn nhà thầu hầu như rất ít thay đổi.
Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ KH-ĐT) cho biết, kể từ sau ngày 1-4-2013, JICA bổ sung thêm điều kiện cho phép các công ty con của công ty Nhật Bản ở nước ngoài và hàng hóa có xuất xứ từ các công ty này được tham dự đấu thầu và sử dụng tại các dự án vay vốn STEP. Lãi suất các khoản vay trên nguyên tắc là 0,2% nay giảm xuống còn 0,1%/năm. Tuy nhiên, bên cấp vốn áp dụng bổ sung phí đầu cuối cho dự án với hạn mức 0,2% tổng khoản vay nhưng sẽ được hồi tố 0,1% trong trường hợp giải ngân dự án đúng thời hạn với kế hoạch đề ra ban đầu.
Ví dụ, dự án mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nhim với tổng vốn vay dự kiến 7,53 tỉ yen, sẽ mất 15 triệu yen phí đầu cuối, trả một lần khi ký hiệp định vay và phải tính vào tổng mức đầu tư dự án. Nếu đúng tiến độ sẽ được hoàn trả 7,5 triệu yen. Sự thay đổi này là một thách thức đối với các chủ đầu tư trong điều kiện ngân sách, vốn đối ứng cho dự án vốn thiếu ngay từ đầu.
Danh sách vay vốn STEP vẫn còn dài. Đề nghị mời thầu rộng rãi đối với các dự án ODA trong trường hợp chỉ có một nhà thầu Nhật tham gia đã nhiều lần được Bộ KH-ĐT và các chủ đầu tư dự án đề xuất song đến nay vẫn chưa được sửa đổi. Đành phải tập trung giải quyết vấn đề nội tại của Việt Nam: nâng cao năng lực của các chủ đầu tư và ban quản lý nhằm tránh những hậu quả để lại sau đồng vốn đi vay.
Ai được vay vốn STEP?
Vốn vay STEP thuộc chương trình vay vốn ODA từ Nhật Bản. Đối tượng được vay từ các dự án này gồm: hạ tầng, năng lượng, môi trường, hệ thống/thiết bị phòng chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh và bảy lĩnh vực khác.
Các điều kiện của chương trình này được đặt ra nhằm hướng đến sự tham gia ngày càng sâu rộng hơn của các công ty Nhật Bản, các liên danh có Nhật Bản làm nhà thầu chính và các công ty con của Nhật Bản tại các nước đang phát triển, khuyến khich họ ngày càng tham gia nhiều hơn vào các dự án. Việc hạ lãi suất vay mới đây của nguồn vốn STEP nhằm tăng tính hấp dẫn cho các khoản vay, khiến các quốc gia cần vay vốn sẽ vay nhiều hơn nữa.
|
Theo Ngọc Lan
TBKTSG