Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Thứ năm, 14/12/2023 14:02
(ThanhtraVietNam) - Vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng khu vực biên giới được coi là “điểm tựa cho mọi điểm tựa khác” và “những cánh chim đầu đàn”, chính vì vậy, trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) ở khu vực biên giới, cần đề cao họ cùng đồng hành với các cấp, các ngành để đưa thông tin pháp luật đến người dân, thuyết phục người dân thay đổi nhận thức, hành vi để ứng xử đúng pháp luật, tạo ra sự đồng thuận xã hội sát với điều kiện kinh tế - xã hội - văn hoá địa phương. Bài viết này được đúc kết trên cơ sở quan điểm tác giả làm công tác nghiên cứu khoa học.

Cơ sở chính trị - pháp lý

Biên giới quốc gia có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xác định ranh giới, địa phận của mỗi quốc gia để có những biện pháp giữ gìn và bảo vệ biên giới quốc gia. Trong đó, khu vực biên giới không chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị, chủ quyền quốc gia, mà còn đóng vai trò trong việc phát triển kinh tế. Do đó, việc xây dựng và phát triển khu vực biên giới luôn được nhà nước chú trọng và đề cao. Khu vực biên giới là phần lãnh thổ nằm phía trong, tiếp giáp với đường biên giới quốc gia, có phạm vi và chế độ pháp lý riêng nhất định theo các quy định của pháp luật quốc gia hoặc các Điều ước quốc tế về quy chế biên giới được quốc gia ký kết. Chính vì vậy, công tác PBGDPL ở khu vực biên giới không đơn thuần là một hoạt động chung chung, mà gắn liền với từng hộ gia đình, từng người dân đang sinh sống tại địa phương; và công tác này không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu, truyền tải kiến thức pháp luật cho bà con mà còn gắn liền với hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, cải thiện cuộc sống.

leftcenterrightdel
 Già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng có vai trò quan trọng trong công tác PBGDPL. Ảnh minh hoạ: Báo daklak 

Công tác PBGDPL ở khu vực biên giới khi “mời” lực lượng già làng, trưởng thôn, người có uy tín cần phải xác định chiến lược lâu dài dựa trên cơ sở chính trị - pháp lý để có biện pháp triển khai đồng bộ với các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống vật chất của Nhân dân. Vì vậy, Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg, ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về “phát huy vai trò người có uy tín trong dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 nêu rõ: “... Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường đồng thuận xã hội; phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, hòa nhập phát triển cùng với đất nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước”. Trong Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, Ban Bí thư cũng tiếp tục khẳng định chủ trương ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác PBGDPL đối với nhóm đối tượng là đồng bào dân tộc. Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó có Nội dung số 2, Tiểu dự án 1, Dự án 10 “tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số và Nhân dân”.

Đặc biệt, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” cũng xác định một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm là: “hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật”, theo đó, “tiếp tục đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”, “đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Hiến pháp và pháp luật, về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”…. Đồng thời, tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thì đối tượng có thể được bình bầu là người có uy tín gồm: cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang theo quy định của pháp luật hiện hành có quá trình công tác lâu năm, có cống hiến cho dân tộc, đất nước đã nghỉ công tác; già làng, trưởng thôn, trưởng dòng họ hoặc những người thường được đồng bào dân tộc thiểu số mời thực hiện các nghi lễ cầu cúng cho gia đình, dòng họ, bản làng; chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số (Phật giáo, Hồi giáo, Tin lành, Công giáo...); nhân sỹ, trí thức, doanh nhân, nhà giáo, người hành nghề chữa bệnh giỏi hoặc người có điều kiện kinh tế thường giúp đỡ và được đồng bào tín nhiệm.

Vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở khu vực biên giới

Già làng, trưởng thôn, người có uy tín là những người luôn nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng. Do đó, khi thực hiện công tác PBGDPL, bằng kinh nghiệm của mình, họ đã truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm và hỗ trợ người dân ở khu vực biên giới nắm được một số nội dung luật pháp, tập tục tiến bộ, nhờ vậy đời sống tinh thần và vật chất của quần chúng nhân dân nơi đây ngày càng được nâng cao, hạn chế tình trạng “trắng thông tin pháp luật”.

Trong thời gian qua, họ đã hăng hái cung cấp rất nhiều tin, phản ánh nguyện vọng có giá trị, giúp chính quyền lựa chọn mô hình, phương pháp, nội dung đổi mới để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về PBGDPL. Một thực tế cho thấy, vùng dọc tuyến biên giới có nhiều phong tục, tập quán còn lạc hậu, những năm trước đây nhận thức pháp luật còn hạn chế nên dẫn đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống hay kết hôn nhưng không đăng ký, con sinh ra không được đăng ký khai sinh kịp thời. Thông qua các hoạt động truyền thông pháp luật của ngành Tư pháp và Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp đã tranh thủ tiếng nói họ cùng tham gia với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và lực lượng vũ trang vào các hoạt động PBGDPL, nên người dân đã xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu trái thuần phong mỹ tục và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nên những tình trạng như trên không còn xảy ra.

Bản thân già làng, trưởng bản, người có uy tín không những đi đầu trong công tác vận động quần chúng nhân dân, còn thường xuyên phối hợp với tổ an ninh nhân dân, tới từng nhà, gõ cửa từng hộ gia đình, từng hoàn cảnh gia đình để phổ biến, truyền thông vận động ký cam kết phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống văn hóa mới, bài trừ các hủ tục, tệ nạn xã hội, tích cực sản xuất, xóa đói giảm nghèo; giúp các ngành chức năng vận động quần chúng tham gia xây dựng nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Bên cạnh đó, những người này khi tham gia cùng chính quyền PBGDP có điểm thuận lợi hơn báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật khác là họ PBGDPL bằng chính sự gương mẫu của gia đình, người thân, dòng họ để thôn bản, cộng đồng nơi họ sinh sống noi gương và làm theo, đã tạo tiền đề “uy tín cộng đồng, chính trị” trong PBGDPL, chính điều này làm cho người dân tại cộng đồng tin, tìm hiểu, làm theo pháp luật đã mang lại hiệu quả thiết thực.

leftcenterrightdel
Cần tiếp tục đề cao vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng. Ảnh minh hoạ: Báo Dân tộc và phát triển

Một số giải pháp tiếp tục đề cao vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng

Thứ nhất, địa phương cần tiếp tục cụ thể hoá triệt để tinh thần pháp lý Điều 17 Luật PBGDPL năm 2012 vào điều kiện địa phương trình cấp có thẩm quyền xây dựng ban hành về triển khai thực hiện nội dung về đề cao vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng trong công tác PBGDPL ở khu vực biên giới gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội khu biên giới trên địa bàn.

Thứ hai, thường xuyên tập huấn về kỹ năng thực hiện PBGDPL cho già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng trong lĩnh vực pháp luật sát với nhu cầu từng địa phương, từng thôn bản “tránh tập huấn những nội dung không thiết thực với khu vực biên giới”.

Thứ ba, song song với đẩy mạnh toàn diện phát triển kinh tế - xã hội thì tiến hành xây dựng mô hình điển hình tiên tiến trong việc “mời” Già làng, Trưởng thôn, người có uy tín, tham gia công tác cùng tuyên truyên viên pháp luật tại địa phương phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế của địa phương để xây dựng mô hình.

Thứ tư, tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh, khen thưởng “thực chất, không hình thức” đối với già làng, trưởng thôn, người có uy tín, tham gia công tác PBGDPL, tránh hình thức để tạo sự lan toả, uy tín cho lực lượng này có uy tín sâu hơn trong lòng người dân khu vực biên giới. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù quy định về chế độ hỗ trợ đội ngũ già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở khu vực biên giới khuyến khích được đội ngũ này chủ động, tích cực nghiên cứu, nâng cao năng lực và vai trò trách nhiệm của mình.

Thứ năm, ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cần phân bổ thoả đáng thực hiện công tác PBGDPL trong các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó, dành nhiều nguồn lực ưu tiên cho già làng, trưởng thôn, người có uy tín.

Thứ sáu, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tổng thể về vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở khu vực biên giới để giúp cơ quan quản lý nhà nước, người dân và nhà nghiên cứu… góp phần nâng cao chất lượng quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về PBGDPL khu vực biên giới nói riêng./.

TS. Trần Văn Duy - CTV Hội luật gia Việt Nam
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra