Đa dạng hóa hoạt động tín dụng ở nông thôn, đáp ứng nhu cầu vốn phát sinh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
Thời gian qua, nông nghiệp, nông thôn được xác định là một trong những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư vốn. Dòng vốn tín dụng ngân hàng chảy vào khu vực nông nghiệp, nông thôn đã được khơi thông, góp phần thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Hàng loạt chính sách đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này, tiếp sức cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Như việc ưu tiên tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn cao đang gặp khó khăn về nguồn vốn; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai Chương trình kết nối giữa ngân hàng - doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản tiếp cận có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới tại các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh, đa dạng hóa hoạt động tín dụng ở nông thôn, đáp ứng nhu cầu vốn phát sinh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Nhờ đó, tín dụng của ngành ngân hàng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, các đối tượng khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có điều kiện tiếp cận được nhiều hơn nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Hiện có khoảng 70 tổ chức tín dụng, mạng lưới hơn 1.100 quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung cả năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; đồng thời vượt chỉ tiêu Chính phủ giao là tăng trưởng 2,5-2,8%.
Bộ mặt nhiều vùng nông thôn - địa bàn chính của sản xuất nông nghiệp đã có nhiều thay đổi tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện. Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản hàng hóa có nhu cầu thị trường và có giá trị kinh tế cao. Nông sản Việt Nam hiện có mặt tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.
Các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách đồng quan điểm khi cho rằng, chính sách tín dụng ngân hàng góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, bước đầu kết hợp với các chính sách khác của nhà nước về nông nghiệp, nông thôn (như chính sách khuyến nông, khuyến công…), góp phần bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững cho nông nghiệp; qua đó cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho người nông dân cũng như góp phần thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
    |
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Khuyến khích các tổ chức tín dụng tham gia nhiều hơn vào cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn
Theo đó, một số giải pháp để phát huy hiệu quả của chính sách tín dụng trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn được các chuyên gia đề xuất:
Trước hết, cần tăng cường công tác thông tin và truyền thông để nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp, người nông dân và toàn xã hội về vị trí và tầm quan trọng của quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đi cùng với hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng và quản lý hiệu quả các quy hoạch kinh doanh vùng nông nghiệp chuyên canh theo mô hình công nghiệp. Kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông, mở rộng đối tượng cho vay không chỉ để phục vụ sản xuất, mà còn cả đối tượng chế biến, tiêu thụ…
Đồng thời, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Hoàn thiện và sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan tới tín dụng nông nghiệp, nông thôn, như điều chỉnh cho phù hợp chính sách thuế, chính sách đất đai...; có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các đối tượng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được tiếp cận vốn với chi phí hợp lý. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tham gia nhiều hơn vào cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ cần có biện pháp phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp, khuyến khích các tổ chức bảo hiểm tham gia lĩnh vực nông nghiệp nhiều hơn, giúp người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất ổn định và lâu dài; có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, như giảm thuế, cấp bù lỗ và bảo hiểm lãi suất cho vay nông nghiệp đối với một số sản phẩm, hỗ trợ mua bảo hiểm rủi ro cho nông dân…
Không những vậy, Ngân hàng Nhà nước cần khẩn trương rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về ngân hàng và tín dụng phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh, xây dựng các giải pháp cụ thể hơn nhằm thúc đẩy các sản phẩm ngân hàng - tín dụng xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh. Các bộ, ngành, các cơ quan chức năng cần tăng cường hoàn thiện thể chế, ban hành các biện pháp cụ thể, tăng cường chất lượng các khâu thẩm định dự án, tăng cường kiểm tra, kiểm soát về vệ sinh, an toàn thực phẩm…, khắc phục và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong triển khai các chính sách tín dụng cho các chương trình lớn về phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.
Ngoài ra, cần thiết mở rộng hoạt động tín dụng, cho vay thông qua các cấp hội (hội nông dân, hội phụ nữ) trên toàn quốc. Hội nông dân, hội phụ nữ các cấp cần xây dựng kế hoạch thực hiện các công đoạn ủy thác vốn vay và giám sát sử dụng nguồn vốn bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả; có cán bộ chuyên trách hoạt động ủy thác; chủ động tổ chức các cuộc kiểm tra định kỳ, đột xuất, hoặc lồng ghép kiểm tra hoạt động ủy thác tại các cơ sở hội, chi hội/tổ, nhằm phát hiện những vấn đề phát sinh, những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp kịp thời./.