Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

Thứ bảy, 11/07/2020 09:00
(ThanhtraVietNam) – Sáng 10/7, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) tổ chức hội thảo hoàn thiện đề cương nghiên cứu Đề tài khoa học cấp cơ sở 2020 “Phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước theo Luật PCTN năm 2018”. Đề tài do ThS. Đào Thị Thu Hà làm chủ nhiệm.

Ban chủ nhiệm đề tài chia sẻ, hiện nay, tình hình tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực Nhà nước đã và và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng khu vực Nhà nước như: tình trạng đưa, nhận hối lộ để giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh; thiếu minh bạch trong hoạt động và tổ chức; chưa rõ về trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức xã hội….

“Doanh nghiệp vừa là nạn nhân vừa là tác nhân, thêm vào đó, hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức này có ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội và cũng là chủ thể huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông hoặc thường xuyên huy động đóng góp của nhân dân, các thành viên và hội viên. Do vậy, tham nhũng trong khu vực tư không những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt dộng sản xuất kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan nhà nước, cũng như hiệu quả phòng, chống tham nhũng của khu vực công”, ThS. Đào Thị Thu Hà cho biết.

leftcenterrightdel
Chủ nhiệm đề tài trình bày tại hội thảo. Ảnh: L.A 

Đề tài: “Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước theo Luật PCTN năm 2018” nhằm góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; đánh giá quy định của Luật PCTN năm 2018 và các quy định có liên quan đến vấn đề này và thực tiễn thực hiện pháp luật từ phía doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; từ đó, đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Tại hội thảo, TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, mục tiêu nghiên cứu của đề tài cần gọn lại; Chương I cần đưa ra các khái niệm về công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội và làm rõ nội dung PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước bao gồm thanh tra, kiểm tra và nội bộ doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Để đánh giá được thực trạng PCTN, đề tài nên tiến hành khảo sát một đến hai vụ việc có tính chất điển hình và đánh giá sâu những bất cập trong quy định trong nội bộ doanh nghiệp và Luật PCTN; đi sâu vào các giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật.

TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT thì cho rằng, đề tài cần làm rõ khái niệm phòng tham nhũng, chống tham nhũng; nêu rõ đặc trưng của tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; đi vào trọng tâm của nội dung vai trò, ý nghĩa của PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; bổ sung các yếu tố bảo đảm hiệu quả công tác PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là: pháp luật, sự tham gia của các thiết chế, nhận thức của doanh nghiệp và vai trò của cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nội dung kinh nghiệm của một số quốc gia và giá trị tham khảo đối với việc hướng dẫn thực hiện Luật PCTN cho các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tại Việt Nam nên lồng ghép vào trong các nội dung khác, không tách thành mục riêng.

TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy, Trưởng Khoa Quản lý nhà nước và PCTN, Trường Cán bộ Thanh tra thì cho rằng, cần điều chỉnh lại tên Chương II vì nếu để tên như thế này thì nội dung nghiên cứu sẽ quá rộng; nội dung việc triển khai thực hiện các quy định về PCTN bên trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước và nội dung việc triển khai các quy định về PCTN bên ngoài doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có thể gộp lại làm một mục của Chương II; Chương III chỉ nên đưa ra giải  pháp cụ thể về hoàn thiện quy định pháp luật và giải pháp về tổ chức thực hiện.

TS. Tạ Thu Thủy, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học, Viện CL&KHTT cho rằng, chủ nhiệm cần khuôn lại phạm vi nghiên cứu; nêu bật đặc trưng của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; bổ sung khái quát về thực trạng, nguy cơ tham nhũng và sắp xếp lại các đề mục cho hợp lý hơn.

Kết thúc Hội thảo, chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự và khẳng định sẽ tiếp thu để hoàn thiện đề cương trước khi đưa vào triển khai nghiên cứu trong thời gian tới./

Lan Anh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra