Quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu đề ra

Thứ ba, 11/08/2020 09:01
(ThanhtraVietNam) – Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên số người tham gia cũng như số thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) đều giảm; trong đó số nợ lại tăng lên. Vì vậy, để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, trong những tháng cuối năm 2020, ngành BHXH tập trung, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp.

Thời gian qua, BHXH Việt Nam luôn chủ động, bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kịp thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với đại dịch Covid-19. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN; công tác thông tin, truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả; thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ, chính sách đảm bảo quyền lợi người tham gia; triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng, giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN…

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2020, toàn quốc có hơn 15,2 triệu người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ khoảng 31% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; 12,725 triệu người tham gia BHTN, đạt tỷ lệ khoảng 25,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt 88,5% kế hoạch của ngành. Số người tham gia BHYT là 85,915 triệu người, đạt 97,6% kế hoạch của ngành, đạt tỷ lệ bao phủ 88,8% dân số.

Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, ngành BHXH đã có những giải pháp truyền thông, vận động sáng tạo, phù hợp giúp số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục gia tăng. Hiện toàn quốc có 737 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 163 nghìn người so với năm 2019. Ngoài ra, toàn ngành cũng đã giải quyết các chế độ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; trợ cấp 1 lần; chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe…

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, người lao động không có việc làm phải nghỉ việc. Cùng với đó, các hoạt động tuyên truyền vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình và thanh tra, kiểm tra phải hạn chế do thực hiện giãn cách xã hội, không tập trung đông người; thu nhập người dân giảm nên không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình… dẫn đến số người tham gia BHXH, BHTN, BHYT giảm; số thu BHXH, BHYT, BHTN giảm; số nợ BHXH, BHYT, BHTN tăng lên.

Tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của một số đơn vị sử dụng lao động vẫn còn phổ biến; tỷ lệ nợ đọng còn cao. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị, đặc biệt có xu hướng gia tăng do ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh Covid-19.

leftcenterrightdel
 Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc tháng 8/2020. (Ảnh: BHXH Việt Nam)

Tăng cường thanh tra chuyên ngành, đột xuất tại các đơn vị nợ đọng

Trong 5 tháng cuối năm 2020 của toàn ngành BHXH tập trung, quyết liệt triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu được giao tại các nghị quyết của Đảng, Chính phủ trong lĩnh vực BHXH, BHYT; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng, tập trung rà soát, chuẩn hóa số liệu của những nhóm ưu tiên chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đối với nhóm tham gia BHXH bắt buộc cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Thuế để xác định những doanh nghiệp, người lao động đang hoạt động nhưng chưa tham gia BHXH. Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển, phát huy hiệu quả của các hệ thống đại lý; giao chỉ tiêu một cách quyết liệt, rõ người, rõ việc đến các đại lý, cán bộ. BHXH các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác tham mưu, tìm các nguồn hỗ trợ cho người tham gia BHXH, BHYT có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Mặt khác, tiếp tục tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ. Đánh giá, đổi mới công tác truyền thông chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền; ngày càng đi vào chiều sâu; áp dụng những phương thức mới.

Một trong những giải pháp trọng tâm trong 5 tháng cuối năm là triển khai thực hiện tốt các kế hoạch, dự toán thu, chi, phát triển đối tượng BHXH, BHTN, BHYT năm 2020 được giao; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH, BHTN, BHYT; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh giao dịch điện tử; triển khai hiệu quả hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, tích hợp kết nối liên thông để cung cấp các dịnh vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo lộ trình; quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan BHXH.

Toàn Ngành tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với công chức, viên chức trong thực thi công vụ; nâng cao ý thức văn hóa công sở trong giao tiếp, ứng xử với các tổ chức, cá nhân đến giao dịch làm việc. Tăng cường công tác kiểm tra công vụ, kiểm tra việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ, quy định của ngành; đặc biệt, yêu cầu thực hiện việc phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ kết quả trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp…/.

PV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra