BHXH thành phố Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có 66.702 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) của 1.087.977 người lao động với tổng số tiền nợ 4.607,4 tỷ đồng (chiếm 9,5% số phải thu), tăng 1.800,5 tỷ đồng so với tháng 12/2019.
Trong đó, số nợ của các đơn vị ngừng, dừng giao dịch là 1.157 tỷ đồng; nợ ngân sách Nhà nước là 148,9 tỷ đồng. Đặc biệt, các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động nợ BHXH tới 3.301 tỷ đồng, trong đó, tổng số nợ của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh lên tới 2.655,5 tỷ đồng.
Cũng theo BHXH thành phố Hà Nội, có tới 48,2% tổng số nợ BHXH, BHYT (tương đương với 2.221,7 tỷ đồng) thuộc diện khó đòi. Trong đó, có 1.157,3 tỷ đồng thuộc 9.807 đơn vị, doanh nghiệp đã giải thể, ngừng giao dịch, mất tích; 973,6 tỷ đồng của 1.704 đơn vị, doanh nghiệp nợ kéo dài trên 24 tháng dù đã áp dụng nhiều biện pháp đôn đốc thu nhưng chưa hiệu quả.
Công ty Cổ phẩn Sông Đà 6 (trụ sở tại phường La Khê, quận Hà Đông) đang nợ 9 tháng BHXH của người lao động với tổng số tiền 7,5 tỷ đồng. (Ảnh internet)
Theo danh sách công khai gần nhất của BHXH thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 7/2020, đáng chú ý có Hợp tác xã Thành Công (trụ sở tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) đang nợ 12 tháng BHXH của 460 người lao động với tổng số tiền hơn 8,2 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sông Đà 6 (trụ sở tại phường La Khê, quận Hà Đông) nợ 9 tháng BHXH của 720 người, tổng tiền 7,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (quận Hà Đông) đang nợ 20 tỷ đồng tiền BHXH.
Lãnh đạo BHXH thành phố Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nên doanh thu của nhiều đơn vị, doanh nghiệp bị sụt giảm. Vì vậy, doanh nghiệp khó cân đối thu-chi, nhất là tìm nguồn trích nộp BHXH, BHYT. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp thực sự khó khăn vẫn có một số doanh nghiệp cố tình vin cớ khó khăn khách quan do dịch bệnh để chây ỳ, chậm đóng BHXH cho người lao động.
Mặt khác, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, cơ quan BHXH cũng đã tạm dừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra nên ảnh hưởng đến việc đôn đốc thu.
Với mục tiêu không điều chỉnh các chỉ tiêu năm 2020, BHXH thành phố Hà Nội sẽ phân tích, phân loại nợ theo loại hình sản xuất kinh doanh, theo thời gian nợ, nguyên nhân nợ; kịp thời nắm bắt, đánh giá năng lực, khả năng tài chính của từng doanh nghiệp… để có giải pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, các đơn vị sẽ bám sát, đôn đốc thu nợ ngay khi có dấu hiệu doanh nghiệp chậm đóng từ 1 tháng.
Đồng thời, thường xuyên đánh giá chất lượng hoạt động của Tổ thu nợ tại BHXH các huyện; đôn đốc, kiểm tra việc đóng nộp BHXH, qua đó yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm Luật BHXH, Luật BHYT; phối hợp với các cơ quan liên quan của thành phố (Thanh tra, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an và Cục Thuế) thực hiện thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH./.
PV