Nhà báo Christine Ockrent - một trong những nhà báo đương đại lớn nhất của Pháp và là người phụ nữ tiên phong trong phong trào nữ hóa giới truyền thông Pháp tại buổi hội thảo đã chia sẻ bà đã có may mắn được làm việc trong ba lĩnh vực lớn của ngành báo chí: truyền hình, đài phát thanh, báo giấy, và cho đến hôm nay, bà đã trải qua nhiều biến đổi gây xáo trộn cho ngành báo.
Chỉ trong vòng 30 năm, ba lĩnh vực lớn của ngành truyền thông: truyền hình, đài phát thanh và báo giấy, đã trải qua một sự chuyển biến chưa từng có. Tại Pháp, nơi mà Nhà nước đóng vai trò quản lý nhưng không kiểm soát về mặt chính trị, những sự xáo trộn này đã gây sức ép lên ngành liên tục thay đổi, ngày càng phụ thuộc vào những ràng buộc kinh tế, nhất là lĩnh vực báo giấy.
Nhân tố đầu tiên dẫn đến sự thay đổi chính là công nghệ và sự chi phối toàn diện của nó đối với cách thức sản xuất và phân phối, dù liên quan đến lĩnh vực nào. Những hệ quả chủ yếu là: ốc độ phát triển không ngừng, được điều chỉnh với nhịp độ phát triển của điện tử, sự hội tụ về một phương tiện truyền thông đa năng của các cách thức biểu đạt, kết hợp văn bản, âm thanh và hình ảnh.
Sự bùng nổ của internet đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của hệ thống báo chí thế giới nói chung. Sự ra đời của các mạng xã hội cũng đã tạo nên một cuộc cách mạng, gây sức ép rất lớn đến báo giấy. Chính vì vậy các cơ quan truyền thông cũng đang dần đa dạng hình thức truyền tải thông tin để đáp ứng nhu cầu của công chúng. Báo giấy phải chuyển thông tin lên mạng, xoay chuyển mô hinh kinh tế để những nhà quảng cao không bỏ báo viết để tìm kiếm thông tin khác, chinh phục độc giả.
Hiện tượng cuối cùng và gần đây nhất, với những tác động hầu như đang bắt đầu được cân nhắc: sự lan tràn của mạng xã hội, đến lượt mình mạng xã hội làm thay đổi mối liên hệ giữa truyền thông và cá nhân – mỗi cá nhân đều có khả năng nắm trong tay ba chức năng: là nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu thụ. Hãy nhìn vào ví dụ điển hình tại Mỹ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vừa qua, đó chính là những ảnh hưởng đầu tiên của cuộc cách mạng này.
Hiện nay, nhiều tờ báo đang bị “ảo tưởng” về internet khi chạy theo tiến độ mà bỏ qua chất lượng. Nữ nhà báo Pháp chia sẻ, nhà báo, người làm tin cần phải xác định hệ tiêu chuẩn chất lượng; tổ chức sản xuất hợp lý để thông tin vẫn đến được với công chúng nhanh mà chính xác.
Bà Christine chia sẻ: "Chất lượng của thông tin có thể giúp báo viết giữ chân độc giả của mình. Vì thông tin trên internet thì bất kì ai cũng có thể đưa ra tin tức. Chúng ta có thể hy vọng như vậy, hy vọng về truyền thông chất lượng cao. Rõ ràng, có những thông tin sai lệch thì không thể được xem đó là tin tức. Tất cả chiến lược tuyên truyền đã có từ rất xa xưa, từ thời Pharaoh nhưng ta thấy bao giờ cũng có định hướng thông tin một cách nhất định. Vì vậy truyền thông truyền thống cần đảm bảo chất lượng, giống như đảm bảo giữ được niềm tin của khách hàng trong thực phẩm, có vậy mới tồn tại được, mới chứng minh được lý do tồn tại của những tờ báo viết, báo in và các nhà báo".
Kết thúc hội thảo, nhà báo Christine nhấn mạnh, sự phát triển của truyền thông đại chúng là điều tất yếu. Nhà báo cần trau dồi về cách sử dụng những phương tiện truyền thông đại chúng mới một cách hiệu quả, thiết thực; duy trì chất lượng tin tức, từ đó thu hút được độc giả và họ tìm đến những nguồn tin chất lượng, tờ báo có chất lượng. Đồng thời, bà khẳng định, nghề báo vẫn là nghề hữu ích khi nó vẫn đang gia tăng. Một khi hệ số lòng tin cao thì nghề báo còn tồn tại. Nhà báo còn tồn tại và phát triển nếu chúng ta có thể đưa ra những thông tin có chất lượng, có giá trị gia tăng./.
Quỳnh An