Quy chế cũ bộc lộ bất cập, hạn chế
Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là tổ chức kinh tế của các quốc gia nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với mục tiêu tăng cường mối quan hệ về kinh tế chính trị.
Ngày 28/2/2006, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân Việt Nam và doanh nhân các nước, vùng lãnh thổ là thành viên tham gia Chương trình thẻ đi lại của doanh nhân APEC trong các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ…, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC (gọi tắt là thẻ ABTC) theo Quyết định số 45/2006/QĐ-TTg.
Ngày 29/10/2015, Quy chế được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 54/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2022, Bộ Công an nhận định, sau hơn 15 năm tổ chức thực hiện Quy chế cấp, quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC, bên cạnh những kết quả tích cực, Quy chế đã bộc lộ bất cập, hạn chế và phát sinh một số vấn đề.
Đó là, chưa có quy định chung, chi tiết về thủ tục hành chính tiếp nhận, xử lý tại UBND cấp tỉnh, dẫn đến việc không có cơ sở pháp lý để yêu cầu các doanh nghiệp chứng minh tư cách pháp nhân cũng như không có căn cứ đánh giá về năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng hợp tác.
Việc phối hợp trao đổi thông tin về cấp thẻ cho doanh nhân giữa Bộ Công an với UBND cấp tỉnh chưa được kết nối thường xuyên, nên địa phương không nắm được những trường hợp đã cấp văn bản cho phép doanh nhân sử dụng thẻ nhưng không được Bộ Công an cấp thẻ…
Thực tiễn cũng cho thấy, đã có hiện tượng lợi dụng những quy định của quy chế để thực hiện các hành vi lập hồ sơ khống để cấp thẻ; thiếu sâu sát trong giải quyết thủ tục, có hiện tượng sách nhiễu trong việc cấp thẻ…phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Bộ Công an giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong cấp, quản lý và sử dụng thẻ ABTC
Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 của Chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC.
Ngày 12/4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 09/2023/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 45/2006/QĐ-TTg.
Quyết định này quy định về về đối tượng được cấp thẻ; trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cấp và quản lý thẻ đối với doanh nhân Việt Nam; việc xét duyệt nhân sự, cấp chứng nhận tạm trú đối với doanh nhân nước ngoài sử dụng thẻ; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong sử dụng và quản lý thẻ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, cho phép sử dụng thẻ đối với doanh nhân đang làm việc tại các tổ chức tín dụng. Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, cho phép sử dụng thẻ đối với doanh nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán. Trong trường hợp đặc biệt, cần thiết, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định việc cho phép sử dụng thẻ ABTC đối với doanh nhân.
    |
 |
Doanh nhân Việt Nam sẽ có quyền lựa chọn cấp thẻ cứng hoặc điện tử, thay vì chỉ có thẻ cứng như trước đây |
Theo đó, đối tượng được xem xét cấp thẻ ABTC gồm:
(1) Doanh nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước;
(2) Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Giám đốc doanh nghiệp trực thuộc các tổ chức chính trị - xã hội; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
(3) Doanh nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam;
(4) Cán bộ, công chức, viên chức có nhiệm vụ tham dự các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và các hoạt động về hợp tác, phát triển kinh tế của APEC;
(5) Trưởng đại diện, Phó Trưởng đại diện cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại các nước và vùng lãnh thổ thành viên APEC.
Để được cấp thẻ, doanh nghiệp nơi doanh nhân đang làm việc phải đáp ứng các điều kiện sau:
Một là, đã có thời gian hoạt động liên tục từ 12 tháng trở lên, chấp hành đúng quy định của pháp luật về thương mại, thuế, hải quan, lao động, bảo hiểm xã hội và các quy định pháp luật liên quan khác;
Hai là, phải có các hoạt động ký kết, hợp tác kinh doanh trực tiếp với đối tác của các nền kinh tế thành viên APEC;
Ba là, có nhu cầu cử nhân sự đi lại thường xuyên, ngắn hạn để thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ hoặc các mục đích kinh tế khác tại các nền kinh tế thành viên APEC.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm ký văn bản cho phép doanh nhân thuộc thẩm quyền quản lý được sử dụng thẻ ABTC theo quy định tại quyết định này.
Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức liên quan soạn thảo, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc cấp, quản lý và sử dụng thẻ ABTC; tổ chức thực hiện xác minh, xét duyệt nhân sự của doanh nhân Việt Nam, cấp thẻ ABTC, hủy giá trị sử dụng thẻ ABTC, kiểm soát xuất nhập cảnh đối với doanh nhân mang thẻ ABTC; cấp chứng nhận tạm trú, xem xét nhân sự của doanh nhân nước ngoài; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong cấp, quản lý và sử dụng thẻ ABTC của doanh nhân./.