Theo Bộ Công thương, thị trường điện cạnh tranh là bước đầu trong lộ trình phát triển thị trường điện tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu đưa cạnh tranh vào khâu phát điện, đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động vận hành và định giá điện, thu hút đầu tư phát triển các nguồn điện mới.
61% tổng công suất tham gia thí điểm
Ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Điều tiết Điện lực, cho hay, việc chuyển đổi từ cơ chế hiện đại sang thị trường phát điện cạnh tranh phải đáp ứng một loạt các điều kiện tiên quyết, trong đó ưu tiên là đảm bảo cung cấp điện liên tục, chất lượng với mức giá hợp lý cho khách hàng sử dụng điện.
Cũng theo ông Cường, cơ chế vận hành của thị trường phát điện cạnh tranh đã được Bộ Công thương nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và điều kiện đặc thù của hệ thống điện và ngành điện Việt Nam. Mô hình được chọn là mô hình thị trường điện tập trung, chào giá theo chi phí. Trong tổng số 73 nhà máy điện có công suất lớn hơn 30 MW, sẽ có 48 nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường, dự kiến đến cuối năm 2011 sẽ có 55 nhà máy. Tổng công suất lắp đặt của các nhà máy trực tiếp chào giá trên thị trường chiếm khoảng 61% công suất lắp đặt toàn hệ thống.
Riêng các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu như Hòa Bình, Sơn La, Ialy... không tham gia chào giá trên thị trường phát và được vận hành trên cơ sở phối hợp tối ưu giữa chức năng phát điện với các nhiệm vụ xã hội như chống lũ, tưới tiêu....
Khó thống nhất giá bán cho EVN
Các đơn vị phát điện sẽ được chủ động chào bán điện trên thị trường, việc điều độ các nhà máy điện sẽ căn cứ theo bản chào giá của nhà máy, theo nguyên tắc huy động các mức công suất của các nhà máy có giá chào từ thấp đến cao. Thanh toán tiền mua điện sẽ theo hợp đồng mua bán điện với hai cơ chế: 95% sản lượng điện năng được thanh toán theo hợp đồng mua bán điện giữa các nhà máy với công ty mua bán điện, 5% còn lại sẽ thanh toán theo hợp đồng giá thị trường từng giờ.
Ở khâu đầu tiên sẽ chỉ có một công ty mua bán điện thuộc EVN quản lý. Các nhà máy phát điện còn lại thuộc sở hữu của EVN sẽ được tổ chức lại thành các Tổng công ty phát điện độc lập, nhằm tăng quyền chủ động, đồng thời đảm bảo tính minh bạch. Tuy nhiên, trước mắt các Tổng công ty này vẫn tiếp tục trực thuộc quản lý của EVN, do chưa thể đứng độc lập ngay.
Theo các đại diện nhà máy điện ngoài EVN, việc thương thảo hợp đồng mua bán điện của các nhà đầu tư với EVN thường mất nhiều thời gian và gặp khó khăn về thống nhất giá bán. Rất nhiều dự án sắp đưa vào vận hành thương mại như Sơn Động, Cẩm Phả, giá bán điện vẫn chỉ làm tạm tính, chưa có giá chính thức.
Theo Bảo An
Baodatviet.vn