Bộ Tài chính:

Thực hiện thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách

Thứ ba, 07/07/2020 13:46
(ThanhtraVietNam) - Nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2020 được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước biến động rất lớn. Do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới nhanh chóng rơi vào tình trạng suy thoái; các đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nặng nề; các nền kinh tế lớn và nhiều nước trong khu vực ASEAN được dự báo tăng trưởng âm ở mức sâu.

Vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội

Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn duy trì được các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô, duy trì tăng trưởng 6 tháng ở mức +1,81%, an sinh xã hội được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Việt Nam cũng là một trong số ít các nước vẫn duy trì được hệ số tín nhiệm quốc gia, trong khi đã có trên 90 nước bị hạ bậc tín nhiệm hoặc điều chỉnh triển vọng. Đây có thể coi là một thành công nổi bật, đáng ghi nhận.

Trước tác động của đại dịch Covid-19, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân và chuẩn bị điều kiện sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau dịch, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp tài khoá ứng phó với đại dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Về thu NSNN, Bộ Tài chính đã trình miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19, vật tư, nguyên liệu đầu vào của một số ngành sản xuất chịu tác động lớn của dịch bệnh; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh; nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có doanh thu chịu thuế không quá 200 tỷ đồng; tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN cho người nộp thuế, tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; phối hợp với các bộ, ngành rà soát cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân.

Về chi NSNN, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp cùng một số bộ, cơ quan có liên quan ban hành một số chế độ đặc thù đối với những người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch và những người phải cách ly tập trung; phối hợp xây dựng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động lớn bởi đại dịch Covid-19; xây dựng cơ chế đảm bảo kinh phí và thu xếp bố trí nguồn NSTW để thực hiện.

Tuy nhiên, với một nền kinh tế hội nhập sâu, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế, nên mặc dù đã sớm kiểm soát được dịch ở trong nước với quy mô nhỏ, nhưng tác động của đại dịch đến nền kinh tế nước ta cũng rất nặng nề. Sản xuất kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đều ở mức thấp, giá dầu thô giảm sâu và việc triển khai các giải pháp tài khoá nhằm phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã tác động lớn đến cân đối thu, chi NSNN và việc triển khai các nhiệm vụ tài chính 6 tháng đầu năm 2020.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Internet 

Kiến nghị xử lý tài chính trên 29,3 nghìn tỷ đồng

Cụ thể hơn, về công tác quản lý sử dụng tài sản công; thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách, Bộ Tài chính đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định số lượng ô tô theo chức danh, ô tô dùng chung, ô tô chuyên dùng theo quy định; phối hợp sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, đơn vị thuộc trung ương quản lý. Nhìn chung, công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương tiếp tục có chuyển biến tích cực, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm.

Về công tác thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý giá, chứng khoán; kiểm tra gần 259 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; kiến nghị xử lý tài chính trên 29,3 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp ngân sách 12,3 nghìn tỷ đồng; giảm lỗ, giảm khấu trừ và xử lý tài chính khác 17 nghìn tỷ đồng.

Liên quan tới công tác quản lý giá, thị trường tài chính, Bộ Tài chính đã phối hợp các bộ, ngành và địa phương kiểm tra chấp hành pháp luật về giá (nhất là các mặt hàng vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch Covid-19,...), kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm; kiến nghị các địa phương tăng cường quản lý giá cả, bình ổn thị trường trên địa bàn. Qua đó góp phần đưa chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý II/2020 giảm 1,87% so với quý trước, bình quân 6 tháng tăng 4,19% so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng đối với thị trường chứng khoán, bên cạnh việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế: Bộ Tài chính đã triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ thị trường, như: giảm giá và miễn hoàn toàn không thu phí đối với một số dịch vụ chứng khoán; cắt giảm thời gian xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp từ 7 ngày xuống còn 24 giờ; tiếp tục cơ cấu lại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ... kết hợp tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, ổn định của thị trường. Đến hết tháng 6, chỉ số Vn-INDEX giảm 14,1%, quy mô thị trường giảm 11,2% so với cuối năm 2019.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu biến động mạnh do tác động của đại dịch Covid-19 và những căng thẳng, xung đột địa chính trị, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng bị tác động. Tuy nhiên, mức biến động là không lớn, không tạo ra các đợt rút vốn ồ ạt của các nhà đầu tư nước ngoài; thị trường sớm ổn định và phục hồi ngay khi tình hình dịch trong nước được kiểm soát, chứng tỏ niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng lâu dài của nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, đối với thị trường bảo hiểm: Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 16,3%; tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tăng 20,2%; đầu tư của các doanh nghiệp trở lại nền kinh tế tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2019./.

Lan Anh

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra