Tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin từ cơ quan báo chí bằng văn bản điện tử

Thứ sáu, 26/01/2024 16:53
(ThanhtraVietNam) - Nhằm rút ngắn thời gian xử lý, công khai, minh bạch, tối ưu hóa các quy trình phối hợp, tương tác giữa cơ quan nhà nước với cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường tiếp nhận và ưu tiên giải quyết các yêu cầu cung cấp thông tin, đề nghị làm việc, phối hợp công tác của cơ quan báo chí bằng văn bản điện tử.

Còn tình trạng lạm dụng, biến tướng việc cấp, sử dụng giấy giới thiệu

Ngày 25/01/2024, Bộ TT&TT đã ban hành Văn bản số 333/BTTTT-CBC về việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin từ cơ quan báo chí bằng văn bản điện tử.

Bộ TT&TT cho biết, những năm qua, ngoài hoạt động tác nghiệp bằng thẻ nhà báo theo quy định, nhiều cơ quan báo chí vẫn sử dụng hình thức cấp giấy giới thiệu cho đội ngũ phóng viên, cộng tác viên để tác nghiệp, liên hệ công tác và yêu cầu cung cấp thông tin.

Bên cạnh các cơ quan báo chí, người làm báo tuân thủ quy định pháp luật, đạo đức nghề nghiệp khi hoạt động tác nghiệp, vẫn có một bộ phận cơ quan báo chí, phóng viên, cộng tác viên đã lạm dụng, biến tướng việc cấp, sử dụng giấy giới thiệu, như: Dùng giấy giới thiệu như một dạng thẻ hành nghề trá hình (dùng đi dùng lại nhiều lần cho nhiều nội dung, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương...); nội dung yêu cầu cung cấp thông tin ghi trên giấy giới thiệu không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí; yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra, vượt quá chức năng, quyền hạn của cơ quan báo chí.

Đáng nói, có một số cơ quan báo chí còn để tình trạng phóng viên, cộng tác viên sử dụng một số giấy tờ được coi là giấy giới thiệu hoặc tài liệu kèm theo giấy giới thiệu nhưng không phải văn bản chính thống của cơ quan báo chí. Tình trạng “khuất mắt trông coi”, thiếu công khai, minh bạch này gây bức xúc cho cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin, liên hệ công tác, làm ảnh hưởng đến uy tín những cơ quan báo chí, người làm báo chân chính.

leftcenterrightdel
Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành trực thuộc Trung ương tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin từ cơ quan báo chí bằng văn bản điện tử. (Ảnh internet) 

Phối hợp giải quyết qua Trục liên thông văn bản quốc gia từ ngày 01/3/2024

Tại Văn bản số 333/BTTTT-CBC, Bộ TT&TT nhấn mạnh, các hiện tượng trên có thể được hạn chế, tiến tới chấm dứt nếu qua hình thức gửi, tiếp nhận, xử lý trọn vẹn từ đầu đến cuối quy trình bằng văn bản điện tử như các cơ quan hành chính nhà nước đang thực hiện hiện nay. Thời gian qua, Bộ đã thúc đẩy, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí triển khai, kết nối, có thể gửi, nhận văn bản điện tử đến các cơ quan hành chính nhà nước thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia.

Do đó, nhằm rút ngắn thời gian xử lý, công khai, minh bạch, tối ưu hóa các quy trình phối hợp, tương tác giữa cơ quan nhà nước với cơ quan báo chí, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường tiếp nhận và ưu tiên giải quyết các yêu cầu cung cấp thông tin, đề nghị làm việc, phối hợp công tác của cơ quan báo chí bằng văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, kể từ ngày 01/3/2024. Việc này cũng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, thuận tiện, nhanh chóng hơn cho các cơ quan báo chí liên hệ công tác, tác nghiệp và góp phần sớm xóa bỏ các phương thức yêu cầu cung cấp thông tin, liên hệ công tác thiếu minh bạch, sai quy định.

Mặt khác, để bảo đảm quyền được thông tin phù hợp tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện và chỉ đạo các cơ quan hành chính, sở, ngành, địa phương trực thuộc phối hợp, cung cấp, minh bạch thông tin đối với những yêu cầu cung cấp thông tin đúng quy định, đúng tôn chỉ, mục đích; kịp thời xử lý các yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan báo chí theo quy định, bảo đảm cho các cơ quan báo chí kịp thời tiếp cận được thông tin chính thống, chính xác.

Đồng thời, thực hiện công bố thông tin của những người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (người đứng đầu, người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn). Đi cùng với đó là triển khai kiểm tra, đánh giá định kỳ việc thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính, sở, ngành, địa phương trực thuộc nhằm giám sát, đôn đốc, chấn chỉnh việc thực hiện quy định pháp luật về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.  

Thanh tra Bộ TT&TT tiếp tục triển khai chấn chỉnh tình trạng “báo hóa”

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thanh tra, ông Nguyễn Thành Chung, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT, trong năm 2024 Thanh tra Bộ TT&TT tiếp tục triển khai chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét.

Cụ thể, hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra tập trung vào các nội dung trọng tâm, trọng điểm như kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí nơi có biểu hiện mâu thuẫn nội bộ, buông lỏng quản lý, rà soát tổng thể hoạt động của cơ quan báo chí có dấu hiệu vi phạm, bị nhiều tổ chức, cá nhân phản ánh để xử lý, trong đó kết hợp kiểm tra hoạt động của văn phòng đại diện; giám sát chặt chẽ cơ quan báo chí đã bị xử phạt vi phạm hành chính, các cơ quan báo chí hoạt động chệch hướng, không đúng đề án đã đề được cấp phép.

Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao năng lực của toàn ngành Thanh tra TT&TT, nhất là cho các Sở TT&TT ở địa phương nhằm đảm bảo công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Với quyết tâm xử lý hiệu quả tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, trong 2 năm qua Bộ TT&TT đã xử lý hành vi vi phạm của 20 cơ quan báo chí với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng, dừng hoạt động 05 chuyên trang, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời gian 03 tháng đối với 03 tạp chí, nhắc nhở, chấn chỉnh đối với 08 cơ quan tạp chí; tổ chức làm việc với 110 tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, cung cấp dịch vụ mạng xã hội, đã tiến hành xử phạt vi phạm đối với 19 trường hợp với tổng số tiền 463 triệu đồng, thu hồi 16 giấy phép hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội của cơ quan báo chí, chuyển Sở TT&TT các tỉnh, thành phố 54 trường hợp để xem xét xử lý theo thẩm quyền.

Ngoài ra, có văn bản chấn chỉnh 102 tạp chí trong việc thể hiện thông tin trên mẫu trình bày tên gọi của tạp chí không đúng quy định; yêu cầu 131 cơ quan chủ quản báo chí báo cáo tình hình thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí nhằm rà soát, đánh giá và chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan chủ quản báo chí, nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí.


Minh Nguyệt
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra