Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

Thứ tư, 10/05/2023 08:57
(ThanhtraVietNam) - Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới giao dịch đến vùng sâu, vùng xa thì ngành Ngân hành cũng tích cực rà soát, rút ngắn các thủ tục không cần thiết để bà con nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, đi cùng với đó là phòng ngừa, hạn chế và xử lý tình trạng tín dụng đen ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong nhiều năm qua và đặc biệt trong thời gian gần đây, chính sách về nông nghiệp, nông thôn nói chung và tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân luôn là những chính sách liên tục của Trung ương và Chính phủ.

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, NHNN luôn coi đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên và đã có nhiều chính sách, giải pháp khuyến khích đầu tư tín dụng, tháo gỡ khó khăn về vốn vay.

Trước hết về chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho nông dân, trước tác động của dịch COVID-19, ngay từ khi có dịch, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 tạo khuôn khổ pháp lý để các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề; sau đó đã có 2 lần sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp với diễn biến của dịch và hỗ trợ hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, đảm bảo dòng vốn không bị đứt đoạn, doanh nghiệp không giải thể.

Chủ trương này đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian có dịch cũng như đến thời điểm hiện nay, 2 triệu tỷ đồng đã được thụ hưởng từ chính sách này, gần 700.000 nghìn tỷ đồng đã được thực hiện cơ cấu, hoãn giãn những khoản nợ đến thời hạn phải trả, hơn 40.000 tỷ đồng bằng nguồn lực của ngân hàng thương mại (NHTM) đã hỗ trợ, giảm, giãn, hoãn các khoản lãi cho doanh nghiệp nói chung, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp, người dân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Cũng theo NHNN, cùng với nguồn lực của ngành Ngân hàng, Chính phủ tiếp tục ban hành gói 350.000 tỷ đồng, trong đó riêng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ 2% lãi suất. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá chính sách vĩ mô hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn qua hoạt động của ngành Ngân hàng rất quan trọng, với việc chính thức triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN từ ngày 20/5/2022. Cùng với chính sách tiếp tục của ngành Ngân hàng sẽ được thực hiện về việc giãn, hoãn, giảm lãi suất của NHTM sẽ là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có người nông dân.

Nhìn xa hơn, từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định và các Thông tư hướng dẫn về chính sách tín dụng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, chưa có lĩnh vực nào liên tiếp được ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như thế. Đến nay, các NHTM đã được tạo điều kiện tự quyết trong việc cho cho vay, tín chấp hoặc thế chấp. Do đó, các TCTD được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản, các TCTD chịu trách nhiệm cung ứng vốn, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên phải tạo điều kiện thuận lợi.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đơn giản thủ tục để bà con nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng để tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, quản lý dòng tiền để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm. Tăng cường kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Tuy vậy, vẫn còn tình trạng nhiều người dân khó tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, khiến nạn tín dụng đen vẫn còn đất để tồn tại và đâu là giải pháp để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen ở nông thôn? Đại diện NHNN nhìn nhận, để giải quyết vấn đề tín dụng đen cần sự chung tay của nhiều cấp, ngành và việc ngành Ngân hàng mở rộng tín dụng chính thức sẽ góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Theo đó, NHNN đã tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM mở rộng mạng lưới chi nhánh tới tất cả địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa. NHNN cũng giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng. Cụ thể, khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp; chương trình cho vay thẻ thấu chi tại thị trường nông thôn (sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ)...

Ngoài ra, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã trải xuống tận từng xã và đang triển khai 23 chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách.

Với những chính sách như vậy, NHNN và Bộ Công an đánh giá, hiện nay tỷ lệ tín dụng đen so với năm 2017 đã giảm hơn một nửa và ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để mở rộng tín dụng chính thức, đẩy lùi tín dụng đen.

Tuy nhiên, NHNN cũng chỉ ra rằng, để giải quyết vấn đề tín dụng đen cần lực đẩy từ hai phía: Các tổ chức tín dụng chủ động tìm đến với người dân, tuyên truyền giúp người dân thấy thủ tục đơn giản, không ngại tìm đến với ngân hàng; hai là kết hợp với chính quyền cơ sở, tạo điều kiện để ngân hàng nắm được nhân thân, mục đích vay chính đáng.

Cùng với đó, NHNN với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành nghiêm túc, quyết liệt thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân, doanh nghiệp, góp phần hạn chế tín dụng đen, nhất là tại khu vực nông thôn./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra