Tiếp tục triển khai thanh tra, kiểm tra nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính

Thứ sáu, 06/10/2023 09:50
(ThanhtraVietNam) - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong tháng 10 năm 2023 được các bộ, ngành, địa phương quán triệt thực hiện là tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra nhiệm vụ cải cách TTHC nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời xử lý, thay thế các trường hợp né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm và vi phạm pháp luật.

Báo cáo tình hình, kết quả cải cách TTHC tháng 9 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành tiếp nhận, xử lý và đồng bộ công khai quá trình giải quyết của hơn 3,7 triệu hồ sơ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 9/2023 là 59,6 triệu hồ sơ.

Tuy nhiên, việc công bố, công khai TTHC tại tất cả các bộ, ngành đều chậm so với thời hạn theo quy định. Tại các địa phương, tỷ lệ công bố đúng hạn đạt 70,08% và công khai đúng hạn đạt 66,17%, tỷ lệ này cao hơn so với các bộ, ngành nhưng vẫn còn khoảng 30% TTHC công bố, công khai chậm, ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp cận, thực hiện TTHC của người dân, doanh nghiệp. Một số địa phương thực hiện tốt công tác công khai, minh bạch trong tháng 9, như: Điện Biên, Hòa Bình, Kiên Giang, Thái Bình…

Về kết quả giải quyết TTHC, tỷ lệ hồ sơ xử lý đúng hạn tại bộ, ngành đạt 23,56% (tăng 2,44% so với tháng 8/2023) và địa phương đạt 72,2% (tăng 0,48% so với tháng 8/2023). Một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc giải quyết TTHC, như: Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và các tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Cao Bằng, Hưng Yên, Cần Thơ, Hải Phòng, Điện Biên, Lạng Sơn, Tiền Giang, Đắk Lắk, Lào Cai…

leftcenterrightdel
Bảng niêm yết công khai các thủ tục hành chính của một cơ quan Thanh tra tỉnh. (Ảnh: Minh Nguyệt) 

Trong tháng 9, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận 3.438 phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định và hành vi hành chính. Đã xem xét, xử lý 2.201 phản ánh, kiến nghị, đạt 64%, trong đó các bộ, ngành đã xử lý 694/1.006, đạt 69% (tăng 38% so với tháng 8/2023); các địa phương đã xử lý 1.507/2.432 phản ánh, kiến nghị, đạt 62%.

Qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Chính phủ đánh giá, các bộ, ngành chậm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa các nhóm quy định, TTHC đang là rào cản, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Mặt khác, kết quả rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ đạt thấp, nhất là chưa đề xuất phương án đơn giản hóa 59 TTHC nội bộ trọng tâm. Việc thực thi 19 Nghị quyết chuyên đề và phương án phân cấp trong giải quyết TTHC chưa đạt yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Văn phòng Chính phủ, nguyên nhân chủ yếu tồn tại, hạn chế nêu trên là do công tác cải cách TTHC tại một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Một số bộ phận cán bộ, công chức chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong thực thi công vụ; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ, kịp thời…

Trong tháng 10, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm soát các quy định về TTHC, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo… Kịp thời công bố, công khai đầy đủ, chính xác thông tin về TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Thực hiện đánh giá và công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng thông tin điện tử.

Đặc biệt, tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra nhiệm vụ cải cách TTHC. Kịp thời xem xét, xử lý phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức về quy định và hành vi hành chính, các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp…/.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra