Hiện nay, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, cộng với tốc độ đô thị hóa nhanh, TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với nhiều thách thức như tắc đường, ngập lụt và ô nhiễm môi trường.
Việc quản lý chất thải rắn đô thị trong những năm gần đây không còn đơn thuần là quản lý chất thải rắn sinh hoạt mà còn bao gồm vấn đề quản lý chất thải rắn công nghiệp, nguy hại, xây dựng, y tế...
Hiện tại, về phương pháp xử lý chất thải rắn ở nước ta nói chung và của TP Hồ Chí Minh nói riêng chủ yếu vẫn là chôn lấp. Cách thức này bộc lộ nhiều hạn chế, lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến môi trường nước ngầm, đất và không khí, và không tận dụng tái chế vào mục đích sử dụng khác được.
Rác thải ngày một gia tăng
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, bình quân mỗi ngày thành phố phát sinh 8.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt; 1.500-2.000 tấn rác thải công nghiệp, trong đó khoảng 350-400 tấn chất thải nguy hại; 22 tấn chất thải rắn y tế. Thành phần chủ yếu của chất thải rắn sinh hoạt là chất thải thực phẩm với tỉ lệ khá cao, 60%-80%; khả năng tái chế thấp, chỉ khoảng 27%. Đặc biệt, chất thải rắn sinh hoạt ở TP chưa được phân loại tại nguồn.
Cũng theo tính toán của Sở Tài nguyên và Môi trường, bình quân mỗi năm rác thải sinh hoạt ở TP HCM tăng khoảng 5%. Như vậy, trong giai đoạn 2020-2030, mỗi ngày rác thải sinh hoạt ở TP tăng thêm 2.000-3.000 tấn. Từ đó, thành phố dự định kêu gọi 2-3 dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt gia tăng trên địa bàn.
Rác thải trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng lên mỗi ngày (Ảnh: Internet)
Về chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn nguy hại, mỗi năm tăng khoảng 6%-8%. Như vậy, dự báo từ nay đến năm 2030, mỗi ngày thành phố tăng 1.000-2.000 tấn rác ở dạng này. Do đó, thành phố dự kiến kêu gọi thêm một dự án xử lý rác giai đoạn 2020-2025. Thành phố cũng sẽ kêu gọi một dự án xử lý rác thải y tế với công nghệ hiện đại. Bởi lẽ, dự báo mỗi năm, chất thải rắn y tế tăng 10%; từ nay đến năm 2030, mỗi ngày tăng 20-30 tấn.
Cách xử lý rác thải tại Việt Nam
Tại Hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt – phát điện, tổ chức ngày 26/11 mới đây, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC) - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, cho biết hiện có 3 phương thức xử lý chất thải rắn là chôn lấp, ủ phân và đốt phát điện. Trong đó, đốt phát điện trở thành lựa chọn hàng đầu của các nước có nguồn đất đai và năng lượng hạn hẹp. Nhiều nước trên thế giới cũng chuyển dần từ chôn lấp sang đốt phát điện.
Hiện nay trên thế giới, công nghệ đốt chất thải đã ngày càng được áp dụng rộng rãi, có thể giảm được 90-95% thể tích và khối lượng chất thải, có thể tận dụng nhiệt, tiết kiệm được diện tích so với biện pháp chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi, giảm phát thải khí nhà kính…
Tại Việt Nam, vấn đề đốt chất thải phát điện cũng bắt đầu được quan tâm do khối lượng chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt ngày càng gia tăng và phương pháp chôn lấp ngày càng thể hiện các nhược điểm rất khó giải quyết.
Do vậy, đốt rác phát điện sẽ trở thành xu thế mới tại Việt Nam, cũng như TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Chất thải rắn lại là nguồn tài nguyên tái tạo đem lại lợi ích kinh tế to lớn. Việc khai thác để biến chất thải rắn thành nguồn tài nguyên cũng trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của ngành công nghiệp môi trường Việt Nam, phù hợp với chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn được Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư công nghệ chất thải rắn phát điện quá cao, nên để công nghệ đốt chất thải phát điện được triển khai thực tế, Chính phủ cần ban hành nhiều chính sách đồng bộ bao gồm phí xử lý chất thải rắn, giá điện, các chính sách ưu đãi về đất đai, các chính sách ưu đãi về phí, thuế… nhằm thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực đốt chất thải phát điện.
Để triển khai, thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải, Thành phố sẽ tổ chức đấu thầu công khai để đảm bảo cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia một cách công khai, minh bạch và những chính sách ưu đãi để nhà đầu tư an tâm đầu tư lâu dài và cùng đạt được những kết quả tốt nhất. Thành phố sẽ có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp có đầu tư vào lĩnh vực này.
Cụ thể, thành phố sẽ sử dụng quỹ đất trong khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi để bố trí phù hợp cho nhà đầu tư xây dựng dự án; ngoài ra hỗ trợ cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, nước) đến chân tường rào dự án của nhà đầu tư. Đặc biệt cũng có các chính sách về hỗ trợ giá mua, bán điện; về nguồn vốn, về thuế./.
Quỳnh An