(ThanhtraVietnam) - Câu chuyện giá sữa không phải bây giờ mới bị dư luận lên án dữ dội. Cách đây một năm, nó đã được rộ lên trên các phương tiện truyền thông. Trước sự bức xúc của dư luận, 3 Bộ gồm Công thương, Tài chính, Y tế đã vào cuộc.
Trước tiên là cuộc “khẩu chiến” đá đi đá lại khái niệm rằng nó là “Sữa” hay “Thực phẩm”. Nếu là sữa thì trách nhiệm xem xét là của Bộ Y tế, và phải chịu sự chi phối của luật giá. Còn nếu là thực phẩm thì là trách nhiệm của Bộ Công thương và nó chi phối bởi quy luật thị trường. Người Việt “sành điệu, sính ngoại” thì phải chịu. Chuyện giá cả cao ngất ngưởng so với giá nhập khẩu là trách nhiệm của Bộ Tài chính, v.v…
Sau gần một năm, dư luận lắng xuống, các cơ quan chức năng quản lý cũng không có động tĩnh gì, thì nay giá sữa lại tăng. Từ đầu năm 2014 đến nay, giá nhiều loại sữa bột, sữa nước trên thị trường trong nước tiếp tục thiết lập “mặt bằng mới” với mức điều chỉnh tăng trung bình 6 - 10% so với trước. Tình trạng này không chỉ xảy ra với các nhãn hiệu sữa nhập khẩu quen thuộc như Similac, Enfa, Pedia Sure, Nan… như nhiều lần tăng trước đó, mà trong danh sách tăng giá đợt này, cũng có cả các sản phẩm sữa của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Thống kê của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, từ tháng 12/2013 đến hết tháng 1/2014, đã có 2/6 công ty sữa thuộc diện phải đăng ký giá gửi hồ sơ kê khai điều chỉnh tăng giá về Bộ Tài chính, với mức tăng 5-10%. Riêng Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam có Văn bản số 2013002/FIN ngày 5/12/2013 kê khai giá điều chỉnh mức giá bán của 16/28 dòng sản phẩm, với các mức tăng phổ biến 5-7%.
 |
Các mẹ đang "méo mặt" vì giá sữa |
Giá nguyên liệu tăng là “giai điệu” quen thuộc mà các hãng sữa lặp đi lặp lại cho mỗi lần tăng giá. Nhưng trên thực tế, ngay cả khi giá sữa nguyên liệu thế giới giảm thì giá sữa bán lẻ trong nước vẫn tăng như thường. Chẳng hạn, nửa đầu năm 2013, sữa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2012, nhưng không có doanh nghiệp sữa nào giảm giá ở thị trường Việt Nam.
Thậm chí, trong 6 tháng đầu năm 2013, có 5 doanh nghiệp sữa gửi thông báo tăng giá từ 2% đến 16%. Cụ thể, trong tháng 1/2013, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam tăng giá 3 mặt hàng từ 15% đến 16%, Công ty TNHH Phân phối Tiên Tiến (phân phối sản phẩm của Mead Johnson Nutrition Việt Nam) tăng giá 3 mặt hàng 9%-10%. Tháng 2/2013, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A Việt Nam - tăng giá 31 mặt hàng từ 2% đến 9,5% và Công ty TNHH Friesland Campina tăng giá 9% một số mặt hàng. Tháng 5/2013, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tăng giá 3 mặt hàng với mức tăng 8%. Sự tăng giá “vô tội vạ” của các hãng sữa tại Việt Nam đã khiến mặt bằng giá của sản phẩm này từ năm 2011 đến 2013 đã tăng đến… 300%. Một con số kỷ lục!
Theo các chuyên gia, Thông tư 30/2013/TT- BYT chỉ yêu cầu các doanh nghiệp (DN) về sữa kê khai giá, nhưng lại chưa thể kiểm soát được triệt để giá sữa nhập khẩu và giá sữa thành phẩm sau sản xuất. Luật Giá lại cho phép các DN sữa được tăng giá từ 15 - 20%, mỗi lần tăng giá cách nhau tối thiểu 15 ngày, vì vậy, DN có thể tăng giá sữa 2 lần/tháng mà vẫn không phạm luật. Đây là nguyên nhân sâu xa của việc các DN sữa lợi dụng những lỗ hổng trong chính sách quản lý để tăng giá tùy ý.
Một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về quản lý thị trường đã ngậm ngùi nhận xét: Giá sữa tại Việt Nam cao nhất thế giới bởi chúng ta đang thiếu văn bản luật về nhu yếu phẩm.
Theo tinh thần của luật này, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân toàn quốc hoặc ở một cộng đồng dân cư thì bị chi phối bởi luật nhu yếu phẩm. Các mặt hàng nhu yếu phẩm gồm có: gạo, bột mì, sữa, dầu ăn, chất đốt, xăng dầu, nước sinh hoạt, tàu hỏa tuyến độc quyền, xe buýt... Các công ty kinh doanh mặt hàng nhu yếu phẩm được tự do kinh doanh theo kế hoạch của công ty mình, nhưng kết toán cuối năm thì lãi ròng (lãi sau khi trừ các khoản chi phí) không được phép vượt 2 lần lãi suất cho vay của ngân hàng, tính trên đồng vốn đã đầu tư. Phần lãi vượt định mức sẽ bị sung vào ngân sách quốc gia hoặc ngân sách địa phương, tùy phạm vi hoạt động của công ty.
Thực tế ở các nước phát triển trên thế giới khi họ áp dụng luật về nhu yếu phẩm cho thấy, do bị hạn chế về tỷ lệ lãi nên các công ty kinh doanh nhu yếu phẩm không dại gì làm giá bán quá cao để bị đối thủ chiếm thị phần mà tiền cũng không về hết túi mình.
Nói ra thì có vẻ nhiều “lý sự”, nhưng có lẽ, với người tiêu dùng trong nước, câu hỏi bình dân nhất sẽ là: Tại sao chỉ căn cứ vào báo giá nhập khẩu của các hãng sữa để tăng giá bán lẻ, trong khi chúng ta có thông tin từ hải quan, từ thương vụ? Cơ quan chức năng đã căn cứ vào những yếu tố nào để làm rõ giá bán các sản phẩm sữa?... Liệu có sự khuất tất phía sau câu chuyện giá sữa?
Nên chăng đến lúc Quốc hội phải nghiên cứu và ban hành Luật về nhu yếu phẩm, bởi đó là hành lang pháp lý cần thiết để các doanh nghiệp thực hiện đúng vai trò của mình, và quan trọng hơn, đó là biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng, tại sao lại không nhỉ?
Trường Giang