Khó tìm được nét vẽ thuần Việt
Trước đây, báo Lao Động từng có bài phản ánh về hình ảnh hai bà Trưng trong cuốn “Trưng nữ vương khởi nghĩa Mê Linh” của NXB Giáo dục bị thô kệch hoá nên rất phản cảm. Lý do là bởi kiến thức về lịch sử của hoạ sĩ còn non yếu. Đến thời điểm này, NXB Giáo dục còn cho ra thêm cuốn truyện tranh “Hai bà Trưng và cuộc khởi nghĩa chống quân đô hộ nhà Hán” và NXB Kim Đồng có cuốn “Hai bà Trưng”.
So sánh cả ba cuốn thì có thể thấy, nét vẽ hai bà chỗ này thì hơi giống... các thiếu nữ manga (truyện tranh hay tranh biếm hoạ Nhật), chỗ kia y hệt như tranh Tàu, chỗ còn lại thì giống... dân tộc mông muội thuở hồng hoang! Vậy nên, việc phát động cuộc thi biên soạn truyện tranh lịch sử theo sách giáo khoa để học sinh thêm yêu sử liệu có hiệu quả chăng, hay chính đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng môn sử ngày càng đi xuống?
 |
3 cuốn truyện tranh về hai bà với những nét vẽ lai tạp. |
Trên mạng “Diễn đàn lịch sử VN”, nhiều người cho rằng tìm lại nét vẽ thuần Việt quá khó. Một độc giả có nghề viết: Những cuốn như “Sao Khuê lấp lánh”, “Lá cờ thêu 6 chữ vàng”... phải nói đúng là nét vẽ thuần Việt, đáng tự hào... Chứ mấy hoạ sĩ trẻ bây giờ bị ảnh hưởng truyện tranh Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bắt chước và vẽ nên những bộ truyện tranh không có nét truyền thống. Tuy nhiên, nhìn lại hình minh hoạ thời trước, dẫu hình ảnh sắc nét và không bị lai tạp, thì nét vẽ vẫn khô cứng khiến nhân vật già đi chứ không thích hợp với thế giới trẻ em, như trường hợp hình ảnh Nguyễn Trãi trong “Sao Khuê lấp lánh”.
Không phải đến bây giờ, đề tài lịch sử mới được quan tâm. Theo hoạ sĩ Hùng Lân, từ cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, trẻ em đã bắt đầu làm quen với rất nhiều thể loại truyện tranh lịch sử như “Hai bà Trưng”, “Ngô Quyền”, “Dương Diên Nghệ”, “Kiều Công Tiễn”, “Nguyễn Trãi”, “Nguyễn Phi Khanh”, “Hoàng Diệu”... Lối vẽ của hoạ sĩ rất sinh động, mà gần nửa thế kỷ qua rồi ông vẫn còn in trong trí nhớ.
Lương thấp nên vẽ nhanh, vẽ ẩu?
Sau ngày giải phóng thì thị trường truyện tranh hoàn toàn đi xuống, chỉ xuất bản đôi ba cuốn như “Kim Đồng”, “Lê Văn Tám”, “Trần Quốc Toản”... mà thôi. Mãi đến sau ngày đổi mới 1986, chính thức là từ năm 1987 trở đi, truyện tranh VN lại bắt đầu tìm được chỗ đứng trên thị trường xuất bản. Tiếc rằng, truyện tranh Việt phát triển chỉ được đến năm 1995 thì bị cạnh tranh bởi truyện tranh Nhật, từ đó nhiều hoạ sĩ bỏ nghề, nên cho đến hôm nay, số người còn cầm bút vẽ truyện tranh thực sự chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Nhiều người cho rằng, không chỉ thiếu chuyên nghiệp, thiếu nghiên cứu sâu về lịch sử, đội ngũ vẽ truyện tranh hiện nay còn được trả lương khá thấp (một kịch bản 32 trang chỉ nhận được 1,5 triệu đồng chưa kể tiền bút, mực), nên việc vẽ nhanh, vẽ ẩu, vẽ... copy đâu đó một tý là điều không tránh khỏi, làm ảnh hưởng đến chất lượng của một nền truyện tranh.
 |
“Sau lũy tre làng” - truyện tranh của hoạ sĩ Vĩnh Khoa với nét vẽ thuần Việt. Ảnh: T.H |
Hiện tại, nếu nói về nét vẽ thuần Việt, có thể nói, tác phẩm của hoạ sĩ Vĩnh Khoa - một người Bỉ gốc Việt vẽ truyện tranh nổi tiếng Châu Âu - đáng để nhiều hoạ sĩ trong nước suy ngẫm. Bộ truyện tranh cổ tích VN “Sau lũy tre làng” là minh chứng cho nét vẽ trong sáng, đậm nỗi nhớ quê nhà. Khi vẽ, ông không nghĩ mình là người VN hay người Châu Á, mà vẽ với tất cả rung cảm của một con người.
Còn nếu vẽ với tâm thế và mục đích khác, khó mà giữ cho nét vẽ không bị lai tạp. Mà riêng với loại hình truyện tranh lịch sử, chỉ cần tái hiện nhân vật anh hùng dân tộc một cách khôi hài, thiếu nghiêm túc hoặc thô thiển đã có thể dẫn đến những hậu hoạ khôn lường.
Theo Hồng Đức - Minh Thi
Lao động