Từ 1-8: Tăng cường quản lý lao động nước ngoài làm việc tại VN

Thứ tư, 06/07/2011 13:59
(Thanhtravietnam.vn) - Từ 1-8 sẽ tăng cường quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam (VN) bằng cách bổ sung quy định về người nước ngoài vào VN để thực hiện các gói thầu hoặc dự án của nhà thầu nước ngoài đã trúng thầu tại VN.

Đây là vấn đề được dư luận xã hội rất quan tâm và cần được quy định chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm của nhà thầu nước ngoài, chủ đầu tư và UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ nơi thực hiện gói thầu hoặc dự án thầu. Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết tại buổi giao ban báo chí ngày 5-7.

Những điểm mới này được nêu trong Nghị định số 46/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài tại VN vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17-6 vừa qua.

Cũng theo ông Nguyễn Đại Đồng, thời gian qua, có nhiều giải pháp song vẫn còn nhiều trường hợp lao động chưa được cấp phép lao động. Người nước ngoài làm việc theo các hợp đồng lao động chiếm hơn 54%; hợp đồng lao động dưới 12 tháng chiếm 23,6%. Trong đó, nam giới chiếm “áp đảo” với tỷ lệ gần 90%, nữ giới chỉ 10%.

Ngoài ra từ 1-8, người sử dụng lao động phải đăng ký nhu cầu tuyển và sử dụng người nước ngoài với Sở LĐ-TB-XH địa phương để nắm được nhu cầu sử dụng người nước ngoài (số lượng, chất lượng lao động, trình độ, vị trí công việc) và có các biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ và quản lý. Mặt khác, Bộ Công an, Bộ Công thương cũng phải nâng cao trách nhiệm trong việc cấp thị thực, cư trú cho lao động nước ngoài vào VN.

Theo thống kê, hiện số lượng người nước ngoài làm việc tại VN đã lên tới hơn 74.000 người. Con số này tăng đáng kể, nhất là trong 3 năm trở lại đây, theo báo cáo của các Sở LĐ-TB-XH và các Ban quản lý KCN-KCX và khu kinh tế. Nếu năm 2008 số lượng mới chỉ 52.633 người; năm 2009 là 55.428 người thì năm 2010 là 56.929 người. Người nước ngoài đến làm việc tại VN từ hơn 60 quốc gia, trong đó mang quốc tịch Châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan…) chiếm khoảng 58%; lao động mang quốc tịch Châu Âu (Anh, Pháp…) chiếm khoảng 28,5% và các quốc gia khác chiếm 13,5%./.

N.A
 

nguyenthuhang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra