Vàng đang "sốt", có nên bán?

Thứ bảy, 16/07/2011 13:20
Ông Vũ Minh Châu – Giám đốc Công ty Vàng bạc Bảo tín Minh Châu nói: “Nếu là nhà đầu tư thì cơ hội bán vàng chốt lời trong những ngày qua là lý tưởng. Còn nếu chỉ giữ vàng để tiết kiệm cho gia đình thì không nên bị ảnh hưởng bởi làn sóng chốt lời của giới đầu tư. Vì nếu bạn bán đi thì sẽ phải mua lại để tiết kiệm  với một mặt bằng giá cao hơn trước đó”.

Liên tiếp trong những ngày qua, giá vàng thế giới và trong nước lên tới đỉnh điểm khiến làn sóng bán vàng chốt lời tăng mạnh mẽ.

Dậy sớm đi bán vàng

Là người thận trọng nên khi giá vàng bước sang ngày thứ 2 trụ vững ở mức 39 triệu đồng/lượng, bác Thịnh (phố Hàm Tử Quan – Hà Nội) mới quyết định đi bán.
Hồ hởi vì thoát ra khỏi lượng đám đông người đến giao dịch trong cửa hàng vàng của Bảo tín Minh Châu (Trần Nhân Tông, Nguyễn Du,  Hà Nội)  bác nói: “Hôm nay, tôi phải dậy sớm, nghỉ tập thể dục buổi sáng để đi bán vàng. Đi muộn thì không lấy được tiền mặt ngay, chờ đợi lâu lắm”.

Bác kể thêm, con dâu bác hôm qua đi bán vàng mất cả buổi sáng mà cũng chỉ lấy được giấy hẹn chiều quay lại nhận tiền. Tâm lý chung, bán hàng xong là phải nhận được tiền mặt ngay nên nhiều người đã không kiên nhẫn chờ đợi được và đi tìm cửa hàng khác để bán.

Đối diện với vàng bạc Bảo tín Minh Châu là cửa hàng của doanh nghiệp vàng bạc Phú Quý. Lượng người giao dịch cũng khá đông khiến phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) luôn trong tình trạng ùn ứ từ sáng đến chiều.

Bảo vệ sắp xếp và trông xe khách đến giao dịch mệt lả. 14h chiều, anh K, bảo vệ của Bảo tín Minh Châu mới bắt đầu bữa trưa muộn màng. Anh cho biết: “Hai ngày qua, lượng khách giao dịch tăng đột  biết, công ty phải điều thêm người để trông xe. Dắt ra dắt vào nhiều xe quá đến phồng rộp cả tay. Ăn trưa cũng phải thay nhau ăn”.

Lượng người tới giao dịch tại các cửa hàng vàng tăng đột biến trong 3 ngày qua. Ảnh H.N


Anh Dũng – một nhà đầu tư ngụ trên phố Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) vội vã vào giao dịch. Anh bảo đang vội vì vừa tranh thủ “trốn” cơ quan để chạy về mang vàng đi bán. "Hôm qua vì có cuộc họp quan trọng nên anh không thể bỏ về được nên kiểu gì cũng phải đi bán hôm nay, lỡ mai nó lại sụt cả triệu/lượng thì tiếc lắm” – anh Dũng nói.

Lúc 15h50 ngày 15/7, giá vàng SJC tại Hà Nội nhìn chung đã giảm tiếp 100.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Giá vàng giao dịch phổ biến ở mức 38,75 – 38,85 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).

Chị Phượng (quận Cầu Giấy – Hà Nội) thở dài: “Chậm một tí mà cũng mất vài trăm nghìn rồi. Nên bận mấy cũng phải chốt hạ thật nhanh”. Chị cho biết, nếu bán được số vàng 20 lượng trong ngày hôm nay thì chị vẫn có lãi vì số vàng chị mua cách đây 2 tháng chỉ có giá 37,15 triệu đồng/lượng.

Nhân viên giao dịch của cửa hàng Bảo tín Minh Châu nói nhanh: “Hôm nay lượng giao dịch cũng đỡ áp lực hơn so với hai ngày trước  nhưng vẫn “trở tay không kịp”. Một mặt vừa tiếp nhận yêu cầu của khách, một mặt lo rút tiền mặt ở ngân hàng về để kịp điều phối khiến không khí làm việc ở đây căng thẳng rất căng thẳng”.

Có nên bán vàng?

Quy luật thường thấy là khi giá đẩy lên cao thì nhu cầu bán vàng để chốt lời là tất yếu đối với tâm lý chung của nhà đầu tư nhỏ lẻ hay chuyên nghiệp. Hiện tượng giá tăng giảm đột biến khiến các nhà đầu tư có cơ hội lướt sóng và nhanh chóng kiếm được những khoản tiền chênh lệch.
Các chuyên gia vàng trong nước cho rằng, hiện nay, cùng với đà tăng của vàng thế giới thì mặt bằng giá vàng mới trong nước đã được thiết lập. Khả năng vàng quay về ngưỡng 37 triệu/lượng rất khó xảy ra vì giá vàng thế giới cũng khó trở lại mức 1.500 USD/ounce.

Một loạt các thông tin kinh tế như nỗi lo về nợ công của châu Âu hay Cục dự trữ Liên bang Mỹ không tăng trần nợ đã liên tiếp kéo giá vàng phá các mức kỷ lục.  Hiện tại, giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế nếu tính theo mức quy đổi ở chiều bán ra của Vietcombank thì đang chênh nhau khoảng 300.000 đồng.

Ông Vũ Minh Châu – Giám đốc Công ty Vàng bạc Bảo tín Minh Châu nói: “Nếu là nhà đầu tư vàng thì cơ hội như những ngày vừa qua là rất lý tưởng. Còn nếu chỉ giữ vàng như một sự lưu trữ tiết kiệm cho gia đình thì không nên bị ảnh hưởng bởi làn sóng chốt lời của giới đầu tư. Vì nếu bạn bán đi thì cũng sẽ phải mua lại để tiết kiệm  với một mặt bằng giá cao hơn lúc trước đó”.

Trao đổi với PV VTC News, ông Trần Trọng Quốc Khanh – Giám đốc Trung tâm vàng Ngân hàng Á Châu cho hay: “Nếu giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng quốc tế từ 300 – 500 nghìn đồng/lượng thì cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp vàng trong nước tái xuất vàng. Hoạt động này diễn ra chủ yếu trong giới buôn vàng nhưng cũng không kém phần sôi động so với thị trường giao dịch trực tiếp hiện nay”.

Theo ông Khanh, đây là cơ hội hiếm hoi để giải phóng được nguồn vàng trong dân và giảm áp lực cho cán cân nhập  siêu, ngoại hối và Việt Nam đồng.

Mặc dù giá vàng trong nước đã biến động theo giá thế giới nhưng vẫn chưa phản ánh hết đời sống thật của kim loại quý này và chứng tỏ cán cân cung – cầu của thị trường vàng trong nước vẫn ở mức yếu. Suy luận một cách logic, khi dân ồ ạt bán vàng thì Nhà nước có trách nhiệm sử dụng nguồn vốn này một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Nếu không tái xuất vàng thì hiện, Nhà nước cũng chưa có kênh sử dụng hữu hiệu nào đối với mặt hàng này. Vì vậy, tái xuất vàng là hoạt động cần thiết và nên được khuyến khích để mang ngoại tệ về, giải quyết được nhiều vấn đề đã nêu trên, trong đó có nguồn vốn tiền Việt Nam đồng cho người dân.

Ông Khanh cũng đặt ra giả thiết: Nếu hoạt động tái xuất vàng đang mang lại nhu cầu thiết thực như vậy thì Bộ Tài chính cũng nên xem xét điều chỉnh lại Thông tư 184/2010/TT - BTC (Về việc điều chỉnh thuế xuất khẩu mặt hàng vàng chưa gia công hoặc ở dạng bán thành phẩm từ mức 0% lên 10% -PV) đối với vàng 9999 trong thời điểm này.

 Theo Hoài Nam / VTC News


dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra