Về Đường Lâm, thăm Đền thờ và Lăng Ngô Quyền

Thứ bảy, 29/03/2014 07:54
(ThanhtraVietnam) – Trong chuyến công tác đến làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, chúng tôi may mắn được người dân hiếu khách nơi đây tận tình dẫn đi viếng Đền thờ và Lăng Ngô Quyền. Bước chân trên miền đất này quả thực ai cũng sẽ có cảm giác bình an như được che chở, không khí nơi đây trong lành, mát rượi, êm ái, khoan thai nhưng cũng có vẻ tôn kính, thiêng liêng một cách kỳ diệu. Mọi người gọi đó là địa linh.


Rặng duối lịch sử thôn Cam Lâm, nơi Đức Vua Phùng Hưng và Ngô Quyền từng buộc voi, ngựa

“Rặng duối xanh mướt màu mây
Nhắn nhủ con cháu nhớ ngày năm xưa
Quê hương phát tích hai Vua
Vẹn dòng nguyên khí bốn mùa tối linh”
(Khuất Đình Đắc)

Chúng tôi đã được giới thiệu tường tận về Vua Ngô Quyền (còn được biết đến với tên gọi Tiền Ngô Vương) là vị Vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam. Năm 938, ông là người lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng nổi tiếng, chính thức kết thúc hơn một thiên niên kỉ Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài của Việt Nam. Sau chiến thắng này, Ngô Quyền lên ngôi Vua, trị vì từ năm 939 đến năm 944.

Đường vào Lăng Ngô Quyền


Đền thờ và Lăng Ngô Quyền ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây là một địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng của làng cổ này. Đền được xây dựng bằng gạch, lợp ngói mũi hài, quay về hướng đông, có tường bao quanh. Qua tam quan, hai bên có tả mạc, hữu mạc, mỗi dãy nhà gồm năm gian nhỏ. Đại bái có hoành phi khắc bốn chữ "Tiền Vương bất vọng". Ngày nay tòa đại bái được dùng làm phòng trưng bày về thân thế, sự nghiệp của Ngô Quyền và nhà triển lãm chiến thắng Bạch Đằng. Hậu cung kiến trúc theo kiểu chữ đinh (丁), có tượng Ngô Quyền, đã được tu tạo vào năm 1877. Lăng Ngô Quyền có mái che, cao 1,5 mét, bia đá được khắc thời Tự Đức, có ghi bốn chữ Hán "Tiền Ngô Vương lăng". Tiền Ngô vương lăng đã được trùng tu năm 2013 với vốn đầu tư trùng tu lăng là 29 tỉ đồng, trong đó gia tộc họ Ngô đóng góp 30%.

Lăng Ngô Quyền đang trong quá trình được trùng tu

Nhìn từ phía sau Lăng Ngô Quyền


Trước năm 1945, đền thờ Ngô Quyền có hai mẫu ruộng do ba xóm Đông, Tây, Nam của làng Cam Lâm thay nhau cấy lúa để sửa soạn tế lễ. Theo truyền thống, lễ vật gồm một con lợn nặng 50 kg, 30 đấu gạo nếp để thổi xôi, trầu cau, hương hoa… Trong hai ngày tế lớn (14 và 15 tháng 8 âm lịch), làng cử một thủ từ và tám tuần phiên để canh gác nhà thờ.

Cánh đồng màu mỡ phù sa phía trước Lăng Ngô Quyền


Nhiều du khách tìm đến Đường Lâm với tất cả sự háo hức, tự hào về miền đất có 2 vị Vua (Phùng Hưng và Ngô Quyền) – hai vị anh hùng của dân tộc cũng là hai ngôi sao rực rỡ trong trang sử vàng đất Việt. Có thi nhân đã từng thốt lên rằng “Thật là tuyệt diệu, miền quê Đường Lâm tọa lạc trên vùng đồi rợp bóng núi Ba Vì, mát rượi phù sa sông Hồng, sông Tích. Hình như nơi đây là cuộc hẹn hò, hội ngộ ly kỳ của núi sông, đồi gò, khe lạch. Đồi gò trập trùng sóng dâng. Đồng điền nở hoa vạn thuở. Đồi cao sừng sững soi mình bên dòng chảy xênh xang, hòa nhập hữu ái, sơn thủy trường tồn, càn khôn lưu luyến. Tất cả hội tụ, đắp bồi cho miền đất địa linh độc nhất vô nhị trên trái đất này.”

Đền thờ Ngô Quyền

Phía trong đền thờ Ngô Quyền


Sau chuyến thăm Đền thờ và Lăng Ngô Quyền, tôi cảm thấy hiểu hơn về quá khứ, cha ông trên mỗi miền Tổ quốc. Có thể nói, lịch sử Việt Nam với bề dày truyền thống dựng nước và giữ nước. Mỗi người con dân tộc Việt chúng ta đều cần tìm hiểu sâu sắc về truyền thống ấy và cần thực sự được đặt chân và trải nghiệm về dòng chảy lịch sử ấy để biết yêu và trân quý, giữ gìn, phát huy những giá trị mà ngày hôm nay chúng ta đang có được. /.


K. Dung

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra