Mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập và một số vấn đề thực tiễn đặt ra

Thứ tư, 09/03/2022 15:27
ThanhtraVietNam) - Chủ trương, định hướng của Đảng và quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn được thể hiện trong nhiều văn bản, nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cũng như Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc kiểm soát được đặt ra để nhằm bảo đảm sự tuân thủ của các đối tượng kê khai, giúp Nhà nước quản lý tài sản của các đối tượng phải kê khai, phòng ngừa, sớm phát hiện và ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Một trong những điểm mới về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong Luật PCTN năm 2018 là việc giao cho một số cơ quan, đơn vị chức năng kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền. Điều này giúp cho việc quản lý bản kê khai được tập trung, việc theo dõi, giám sát, kiểm soát và xác minh được hiệu quả hơn.

Nếu những quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật PCTN 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012) được đánh giá là hình thức, không hiệu quả, vì chúng ta không có cơ chế cụ thể để giám sát, kiểm soát hay việc xác minh còn khó khăn đối với việc kê khai tài sản, thu nhập, thì Điều 30, Điều 31, Điều 32 Luật PCTN năm 2018 đã khắc phục được những hạn chế này, với những quy định mới, đảm bảo việc quản lý tập trung bản kê khai tài sản thu nhập, cụ thể:

1.  Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước; người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (sau đây gọi là người có nghĩa vụ kê khai) thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

2.  Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

leftcenterrightdel

Các đại biểu dự Hội nghị công khai tài sản, thu nhập do Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức tháng 3/2021

3.  Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

4.  Cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu kiểm soát tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và người có nghĩa vụ kê khai khác thuộc thẩm quyền quản lý cán bộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

5.  Văn phòng Quốc hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

6.  Văn phòng Chủ tịch nước kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước.

7.  Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, kiểm toán nhà nước.

8.  Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác trong hệ thống cơ quan, tổ chức đó.

Quy định của Luật PCTN năm 2018 về thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập, một mặt sẽ chuyên nghiệp hóa, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong phòng ngừa tham nhũng, mặt khác đây cũng là một bảo đảm pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh PCTN nói chung, thông qua thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, quy định trên cũng đang đặt ra một số vấn đề sau:

Một là, có nhiều cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cùng kiểm soát đối với một đối tượng.

Trong bộ máy nhà nước hiện nay, có những người vừa giữ chức vụ trong bộ máy chính quyền địa phương, vừa giữ chức vụ trong tổ chức Đảng. Một số cán bộ giữ các chức vụ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Theo Quy định số 85-QĐ/TW ngày 23/05/2017 của Bộ Chính trị (Quy định 85) thì chủ thể kiểm tra việc kê khai tài sản của những cán bộ này là do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy Ban kiểm tra TW. Theo quy định số 126-QĐ/TƯ ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị (Quy định 126) thì kê khai tài sản và thẩm tra, xác minh tính trung thực của cán bộ, đảng viên là nội dung thuộc vấn đề chính trị của cán bộ, đảng viên và thẩm quyền thẩm tra, xác minh thuộc cấp ủy quản lý cán bộ, đảng viên đó. Như vậy, nếu theo quy định của Luật PCTN thì các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền và có thể chủ động kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập của tất cả các đối tượng thuộc phạm vi kiểm soát của mình, bao gồm cả cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy quản lý. Nhưng với Quy định số 85 và Quy định số 126 nêu trên, thì việc kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy quản lý đều thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan Đảng. Vấn đề này có thể dẫn đến sự chồng chéo, trùng lặp trong công tác kiểm soát.

Hai là, có sự chưa rõ ràng trong phân định thẩm quyền kiểm soát giữa một số cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và chưa bao quát hết các đối tượng cần phải kiểm soát.

Theo quy định tại Điều 30 của Luật PCTN, Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước. Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra Chính phủ. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra Chính phủ. Một số người có nghĩa vụ kê khai không xác định được cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, khó khăn ngay từ việc giao nộp bản kê khai cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Mặt khác, những người phải kê khai tài sản, thu nhập trong đơn vị sự nghiệp do Thủ tướng Chính phủ thành lập, nhưng đơn vị đó không thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì chỉ những người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên mới chịu sự kiểm soát của Thanh tra Chính phủ, còn những người khác không có cơ quan nào kiểm soát (Ví dụ các Trường đại học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh…). Cũng giống như vậy, trong hệ thống các cơ quan Đảng, Điều 30 Luật PCTN 2018 cũng chưa xác định được cụ thể một số đối tượng có nghĩa vụ kê khai sẽ do cơ quan nào kiểm soát (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các Học viện thành viên…).

Tóm lại, mặc dù Luật PCTN năm 2018 đã được tổ chức thực hiện, cùng với đó Nghị định 59/2019/NĐ-CP và Nghị định 130/2020/NĐ-CP cũng đã có những quy định cụ thể chi tiết thi hành Luật, tuy nhiên, với những vướng mắc trên, đòi hỏi chúng ta phải xây dựng được Quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong kiểm soát tài sản, thu nhập, trên tinh thần giải quyết được những vấn đề sau:

Thứ nhất, xác định, phân định được thẩm quyền của các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nói chung và giữa cơ quan Đảng, với cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khác nói riêng. Trên cơ sở bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Đảng về phân cấp quản lý cán bộ, đảm bảo việc phối hợp thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan và theo phấn cấp quản lý cán bộ. Như: Giao cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cũng như những người công tác trong các cơ quan của Đảng ở Trung ương, ở địa phương có thể giao cho ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, ủy ban kiểm tra huyện ủy theo phân cấp quản lý cán bộ. Đối với hệ thống cơ quan thanh tra cũng vậy, Thanh tra Chính phủ kiểm soát đối tượng có phụ cấp 0,9 trở lên công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, đơn vị, tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, trừ những trường hợp quy định thuộc thẩm quyền của Ủy ban kiểm tra Trung ương, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập công tác tại Thanh tra Chính phủ…, với thanh tra cấp tỉnh cũng vậy, sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương, trừ những trường hợp thuộc thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ…  

Thứ hai, phải làm rõ được nghĩa vụ kê khai tài sản của một số trường hợp mang tính chất đặc thù, để trên cơ sở đó xác định thẩm quyền kiểm soát tài sản được giao cho cơ quan nào. Ví dụ: Chủ tịch hội đồng quản trị, phó chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, phó chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, trưởng ban kiểm soát, kế toán trưởng doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu sẽ giao cho Thanh tra Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập là cụ thể, phù hợp. Điều này phải được quy định cụ thể, để là cơ sở tổ chức thực hiện.

Thứ ba, phải xây dựng được quy chế, trong đó xác định trách nhiệm phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập trong việc thu nhận, tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin về kiểm soát tài sản, thu nhập thuộc phạm vi quản lý của mình, đặc biệt phân định rõ vai trò, trách nhiệm trong mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong xác minh tài sản, thu nhập (cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp, phối hợp trong tổ chức, bố trí người tham gia hoạt động xác minh tài sản, thu nhập).

Để kịp thời thực hiện công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập theo Luật PCTN năm 2018, ngày 19/02/2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành công văn 252/2021 về kiểm soát tài sản thu nhập, trong đó hướng dẫn: Các trường hợp chưa xác định được cơ quan nào kiểm soát tài sản, thu nhập thì tạm thời chưa bàn giao, chờ thực hiện theo hướng dẫn cụ thể tại Quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong kiểm soát tài sản, thu nhập được quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Do vậy, để bảo đảm việc triển khai thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập theo yêu cầu của Luật PCTN, chúng ta phải sớm xây dựng và ban hành các quy định cụ thể, giải quyết những vướng mắc như phân tích trên./.

TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy
Trưởng Khoa nghiệp vụ II - Trường Cán bộ Thanh tra

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra