Bà Rịa - Vũng Tàu: Doanh nghiệp khổ vì xin được công nhận chủ đầu tư

Thứ năm, 16/11/2023 08:05
(ThanhtraVietNam) - Phải “đi đòi” được công nhận mình là chủ đầu tư từ năm 2010, chủ đầu tư dự án Vườn Xuân ở Bà Rịa - Vũng Tàu bật khóc khi nói về hệ lụy do không rõ ràng ngay từ khâu có cấp 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội hay không?

Tại hội nghị trực tuyến gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với hơn 200 doanh nghiệp, nhà đầu tư diễn ra ngày 7/11, ông Đỗ Đình Huế, thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Bất động sản Đông Dương - chủ đầu tư dự án Vườn Xuân tại TP. Vũng Tàu - đã bật khóc vì quá trình kiểm tra kéo dài.

leftcenterrightdel
 Ông Đỗ Đình Huế, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Đông Dương, chủ đầu tư dự án Vườn Xuân phát biểu tại buổi đối thoại

Khốn khổ vì "đi đòi" được công nhận là chủ đầu tư

Ông Đỗ Đình Huế bức xúc cho hay, dự án khu nhà ở cao cấp Vườn Xuân tại TP. Vũng Tàu được chấp thuận chủ trương đầu tư và Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Đông Dương được xác định là chủ đầu tư từ năm 2010. Một sự thật hiển nhiên như vậy mà giờ đây, công ty của ông đang phải khốn khổ đi “gõ cửa” các ban, ngành liên quan của tỉnh... để “xin” được khẳng định mình là chủ đầu tư.

“Nếu chúng tôi không phải là chủ đầu tư thì làm sao làm nổi các bước tiếp theo để dự án Vườn Xuân được hình thành khang trang như ngày nay, doanh nghiệp cứ vòng vòng hết cơ quan này đến ban ngành nọ để ôm tài liệu đi trình bày. Thậm chí cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã kết luận quy trình đầu tư đúng pháp luật rồi mà chúng tôi vẫn cứ khốn khổ”, ông Huế cho biết.

Nguyên nhân phải “đi đòi” được công nhận mình là chủ đầu tư từ năm 2010 xuất phát từ việc dự án Vườn Xuân bị thanh kiểm tra nội dung có phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội hay không. Theo tìm hiểu của PV, tại thời điểm UBND tỉnh ban hành văn bản 6370/UBND-VP ngày 17/9/2010 thì Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ và pháp luật về nhà ở không quy định về hình thức, biểu mẫu văn bản công nhận chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại. Phải đến khi Thông tư 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng ra đời mới quy định về biểu mẫu lựa chọn chủ đầu tư nhưng có hiệu lực thi hành vào ngày 16/10/2010 tức là vào thời điểm sau khi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành văn bản số 6370/UBND-VP cho Công ty Đông Dương.

Nếu đối chiếu với các quy định tại Nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định về điều kiện để chỉ định chủ đầu tư phát triển nhà ở và tài liệu Công ty Đông Dương cung cấp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổ chức lấy ý kiến thì rõ ràng chủ đầu tư này đã đã đảm bảo thành phần hồ sơ yêu cầu để đề xuất là Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại theo quy định của Nghị định 71/2010/NĐ-CP.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các chủ đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh đều không bắt buộc phải bổ sung thủ tục hành chính lựa chọn chủ đầu tư dự án nếu đã ban hành trên cơ sở Quyết định 23/2007/QĐ-UBND đối với các hồ sơ đã nộp trước khi Thông tư 16/2010/TT-BXD có hiệu lực thi hành.

Trên cơ sở văn bản của các Bộ, ngành, các ngành chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và căn cứ vào Khoản 4, Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, UBND thành phố Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 7383/UBND ngày 19/10/2018 phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 Khu nhà ở cao cấp Vườn Xuân không có quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội là phù hợp các quy định của pháp luật.

Vấn đề này cũng đã được Thanh tra Bộ Xây dựng hai lần kết luận dự án không phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội là đúng. Cụ thể tại Kết luận số 371/KL-TTr ngày 04/11/2019 của Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng: Dự án cơ bản thực hiện theo các quy định pháp luật trong phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch cũng như việc thực hiện các trình tự thủ tục của dự án.

Tại kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng số 03/KL-TTr ngày 09/01/2023 cũng nêu rõ: “Việc Dự án Vườn Xuân không bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội là phù hợp với quy định tại Khoản 4, Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015”.

Tại Văn bản số 72/BXD-QLN ngày 13/4/2018 của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản ký thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Xây dựng gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã hướng dẫn cụ thể cho dự án này: “Trường hợp của công ty nếu đã được lựa chọn chủ đầu tư dự án trước thời điểm Nghị định số 100/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, dự án chưa bố trí quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội và không thuộc diện thu hồi theo quy định của pháp luật để giao cho chủ đầu tư khác thì không bắt buộc dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong dự án”.

leftcenterrightdel
Dự án khu nhà ở cao cấp Vườn Xuân được chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ định là chủ đầu tư tại văn bản 6370 cấp ngày 17/9/2010 

Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu Vũ Hồng Thuấn cũng cho biết, dự án khu nhà ở cao cấp Vườn Xuân được chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ định là chủ đầu tư tại Văn bản 6370, cấp ngày 17/09/2010. 13 năm qua, các cơ quan, ban, ngành liên quan và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã xem Công ty Đông Dương là chủ đầu tư, thì mới hướng dẫn công ty làm tất cả các trình tự thủ tục đầu tư xây dựng theo pháp luật, và ban hành các quyết định đầu tư, phê duyệt quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng… nên mới có được một khu đô thị khang trang như hôm nay.

Khẩn trương sửa đổi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân

Câu chuyện của chủ đầu tư dự án Vườn Xuân chỉ là một trong những câu chuyện mà các doanh nghiệp đang vướng phải, đó là bị thanh tra, kiểm tra kéo dài, do hiện tượng các cơ quan ban ngành đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Nhiều doanh nghiệp đã nói thẳng là cần được thấy cải cách hành chính nhiều hơn, hiệu quả hơn - nhất là sự thay đổi từ chính những người thực thi chính sách để tháo gỡ nhiều hơn những rào cản gây trở ngại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Hà Nam - Giám đốc điều hành một doanh nghiệp đang có dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, doanh nghiệp cần có cơ chế chính sách đồng bộ, vận hành nhịp nhàng, đồng thời có chế tài, xử lý nghiêm những bộ phận, cá nhân cố tình gây khó khăn, ách tắc cho doanh nghiệp. Nguyện vọng lớn nhất của các doanh nhân, doanh nghiệp là được chính quyền không chỉ lắng nghe, mà còn phải ghi nhận và hành động cụ thể ngay và luôn. “Lắng nghe xong rồi lại đùn đẩy nhau mà không kết luận, chỉ đạo, tháo gỡ cụ thể thì lắng nghe cũng không có ích gì”, ông Nam nói.

Theo Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Nhà nước cần tính toán hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, không để một bộ phận công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm phiền, gây trở ngại cho doanh nghiệp và chứng minh cho doanh nghiệp thấy những kiến nghị, góp ý của doanh nghiệp từ trước đến nay đã được tiếp thu, sửa đổi.

Về cơ sở pháp luật của dự án, trong văn bản mới nhất của Sở Xây dựng gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định: “Văn bản 6370 của UBND tỉnh là văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và đồng thời là văn bản lựa chọn chủ đầu tư tại thời điểm năm 2010 theo đúng quy định pháp luật”. Văn bản này là thủ tục được triển khai theo Quyết định 23/2007/QĐ-UBND tỉnh ngày 19/04/2007, quy định về trình tự thủ tục triển khai các dự án đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài bên ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Thời điểm này, có hàng chục dự án khác cũng thực hiện các trình tự thủ tục như vậy. Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh phúc đáp với cơ quan thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Đông Dương được chấp thuận chủ trương đầu tư và là chủ đầu tư tại Văn bản 6370 ngày 17/9/210 là đúng pháp luật để Bộ xem xét khép lại quá trình thanh tra.

“Quá trình pháp lý đã minh bạch, một sự thật đã quá rõ ràng, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu nhanh chóng khẳng định mạnh mẽ với cơ quan ngôn luận, và các cơ quan chức năng về một sự thật hiển nhiên mà 13 năm qua tỉnh này đã thừa nhận để bảo vệ tính đúng đắn, nhất quán của quá trình pháp lý mà UBND tỉnh và các cơ quan ban ngành địa phương đã hướng dẫn chủ đầu tư”, ông Huế khẩn thiết đề nghị.

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra