Cần phát triển kỹ năng thanh tra các dự án sử dụng nguồn vốn ODA

Thứ ba, 08/04/2014 13:13
(ThanhtraVietnam) – Thời gian qua, việc triển khai dự án sử dụng nguồn vốn ODA tại các địa phương đang tồn tại nhiều bất cập, đòi hỏi một cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát hợp lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bản thân các cơ quan chủ quản dự án, hay các Ban quản lý dự án thậm chí là chính các cơ quan thanh tra đôi khi cũng chưa hiểu rõ, hiểu sâu về những quy định liên quan đến vấn đề này. 


Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng chủ trì Hội nghị

Việc áp dụng chưa đúng hay chưa hiểu đúng về các quy định không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, chất lượng hoạt động các dự án mà còn khiến cho các cơ quan Thanh tra hay các cơ quan quản lý hữu quan gặp khó khăn trong giám sát, đánh giá các dự án.

Xuất phát từ thực tiễn trên, ngày 7/4, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Phát triển Châu Á và Ngân hàng Thế giới đã phối hợp tổ chức Hội nghị Tập huấn Kỹ năng thanh tra các dự án sử dụng nguồn vốn ODA cho đại diện thanh tra các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Đây là Chương trình thiết thực giúp cán bộ thanh tra hiểu rõ hơn về việc áp dụng các quy định trong quản lý các dự án sử dụng vốn ODA, góp phần giúp công tác triển khai các dự án này cũng như công tác thanh tra, giám sát, đánh giá các dự án đạt hiệu quả cao hơn.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, Hỗ trợ phát triển chính thức – ODA là một trong những nguồn vốn quan trọng cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Những năm qua, Việt Nam đã tiếp nhận một lượng lớn vốn ODA từ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB). Có thể nói, các dự án có sử dụng vốn ODA đã đem lại hiệu quả cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng.

Chính phủ Việt Nam xác định, để vốn ODA phát huy hiệu quả ở mức cao nhất, công tác quản lý và thanh tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn vốn này phải được coi trọng và thường xuyên thực hiện, cả từ phía Chính phủ cũng như phía các nhà tài trợ .

Tại Hội nghị, nhiều tham luận đã được các đại biểu trình bày, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến Chương trình quốc gia và danh mục đầu tư của Ngân hàng Thế giới/ Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam; một số quy định liên quan về đấu thầu của Việt Nam và nhà tài trợ; những điểm khác biệt trong thủ tục đấu thầu của các nhà tài trợ ODA và Chính phủ Việt Nam; những thách thức của việc rà soát hoạt động sử dụng vốn ODA;…

Trong phần trình bày tham luận của mình, ông Trần Văn Tuấn – Trưởng phòng 2, Vụ II, Thanh tra Chính phủ nhận định, những thách thức chính của việc rà soát hoạt động sử dụng vốn ODA là về vấn đề pháp lý, ngôn ngữ và những tiêu cực có yếu tố nước ngoài. Một số sai phạm chính khi sử dụng vốn ODA về công tác tư vấn thiết kế như thông đồng giữa công ty tư vấn thiết kế và đầu tư để nâng giá trị hợp đồng tư vấn, hối lộ để được hợp đồng tư vấn thiết kế; về công tác đấu thầu như chủ đầu tư không minh bạch trong việc mời, tổ chức đấu thầu và chấm thầu, đối với nhà thầu thì sai phạm chủ yếu là thông thầu, thông đồng giữa công ty tư vấn thiết kế và nhà thầu để ăn chênh lệch về cả giá trị và khối lượng công trình;…

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á đã nhận diện và kiến nghị các giải pháp nhằm chống gian lận và tham nhũng trong đấu thầu nhằm xây dựng Hệ thống đấu thầu phải đảm bảo đồng tiền đầu tư đem lại giá trị cho người dân thông qua việc đảm bảo rằng các nguồn vốn công được chi tiêu một cách minh bạch, hiệu quả và công bằng.

Quyền thanh tra/ kiểm toán được xác lập trên cơ sở mỗi hồ sơ mời thầu và hợp đồng sử dụng tiền tài trợ đều phải có một điều khoản quy định các bên dự thầu, nhà cung ứng, nhà thầu, và nhà thầu phụ chấp nhận cho Hiệp hội thanh tra các tài khoản và sổ sách ghi chép liên quan đến việc nộp hồ sơ dự thầu và thực hiện hợp đồng, cũng như chấp nhận cho Hiệp hội cử kiểm toán tới kiểm tra các tài khoản và sổ sách ghi chép đó. Các hành động cố ý gây cản trở đáng kể cho việc thực hiện quyền thanh tra và kiểm toán theo quy định trong Hướng dẫn Đấu thầu sẽ là yếu tố cấu thành hành vi cản trở.

Cũng theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á, các quy tắc ứng xử trong đấu thầu yêu cầu mọi cá nhân tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trong quy trình đấu thầu phải tuân thủ. Cụ thể:

Một là, không tham gia các hoạt động cá nhân, kinh doanh hoặc chuyên môn cũng như không nắm giữ lợi ích tài chính nào xung đột với trách nhiệm và nhiệm vụ thuộc vị trí công tác của bản thân.

Hai là, không được xin, cho hoặc đồng ý chấp nhận bất kỳ khoản tiền nào cho bản thân, gia đình hoặc những người khác, và bằng cách đó tạo ra lợi ích cá nhân có thể gây ảnh hưởng đến sự công tâm của bản thân khi quyết định công việc.

Ba là, không được sử dụng, tiếp nhận, sắp xếp hoặc cho phép sử dụng, tiếp nhận hay sắp xếp, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, bất kỳ tài sản hay nguồn lực nào của bất kỳ bên nào trong số các bên tham gia hợp đồng.

Như vậy, tất cả mọi quan chức và cán bộ đấu thầu phải chịu trách nhiệm và giải trình về các hành động của mình; các nhà cung ứng, nhà thầu và tư vấn sẽ được đối xử công bằng và có cơ hội như nhau trong việc cạnh tranh giành hợp đồng; công tác đấu thầu phải được thực hiện sao cho đạt hiệu quả cao nhất, giữ vững các nguyên tắc “đảm bảo giá trị đồng tiền đầu tư, minh bạch và công bằng”; và tất nhiên vốn ODA chỉ được sử dụng cho các mục đích đã phân bổ./.

K. Dung

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra