(ThanhtraVietnam) – Đó là một trong những gợi ý của TS. Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ tại Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Thông tư Liên tịch quy định việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng, ngày 25/4, tại Hải Phòng, do Thanh tra Chính phủ tổ chức.
|
TS. Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ |
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, Thông tư Liên tịch số 03/2011/TTLT-BNV-TTCP ngày 06/05/2011 của Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng đã cụ thể hóa một số nội dung quan trọng của pháp luật phòng, chống tham nhũng, thể hiện sự ghi nhận, biểu dương của Nhà nước đối với người có thành tích trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng, góp phần động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người dân và toàn thể xã hội tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy vậy, qua sơ kết, đánh giá, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện Thông tư Liên tịch số 03 vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn.
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua khen thưởng, trong đó có nhiều quy định mới liên quan đến tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục khen thưởng. Do đó, để khắc phục những vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư Liên tịch số 03; triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua khen thưởng và quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; khuyến khích, động viên hơn nữa trong việc tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng, việc xây dựng Dự thảo Thông tư Liên tịch quy định việc trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng và Thông tư Liên tịch quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết.
Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Chống Tham nhũng – Thanh tra Chính phủ Ngô Mạnh Hùng trình bày, phân tích về bố cục và các nội dung chính của Dự thảo. Theo đó, Dự thảo Thông tư gồm 8 điều. Trong đó, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo quy định việc trích lập, quản lý, sử dụng tại Thanh tra Chính phủ, áp dụng đối với Thanh tra Chính phủ là cơ quan quản lý Quỹ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc trích lập, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí Quỹ. Quỹ khen thưởng được sử dụng cho việc khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong phòng, chống tham nhũng theo quyết định khen thưởng của Tổng Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu làm công tác thi đua khen thưởng đến từ cơ quan Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương từ Khánh Hòa, Hà Tĩnh trở ra phía Bắc. Nội dung cơ bản mà các ý kiến tập trung hướng tới liên quan đến sự cần thiết phải ban hành Thông tư Liên tịch quy định việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng; nhiều ý kiến nhất trí xây dựng thành 02 Thông tư để hướng dẫn và áp dụng cho thuận lợi, nhưng cũng có đại biểu đề nghị chỉ xây dựng 01 thông tư gồm 02 nội dung, do cả ba cơ quan có thẩm quyền ban hành (Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ) cùng ký vào Thông tư Liên tịch điều chỉnh 02 nội dung lớn nêu trên. Có ý kiến cho rằng, nếu chỉ lập quỹ tại Thanh tra Chính phủ thì không phù hợp vì các bộ, ngành, địa phương đều có chức năng quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng và có thẩm quyền khen thưởng. Do đó, để phù hợp với quy định về cấp ngân sách cần quy định việc lập Quỹ ở các địa phương, bộ, ngành để cơ quan nào khen, cơ quan đó thưởng theo quy định chung về thi đua khen thưởng. Về nguồn hình thành Quỹ khen thưởng, có ý kiến cho rằng việc trích Quỹ từ kinh phí Thanh tra Chính phủ thu hồi được qua các vụ, việc liên quan đến tham nhũng chưa thực sự phù hợp vì việc thu hồi tài sản trong các vụ việc tham nhũng liên quan đến nhiều cơ quan (Kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án). Ngoài ra, cũng có một số ý kiến đề cập tới các vấn đề khác, liên quan đến mức khen thưởng, tiêu chuẩn, thủ tục đề nghị khen thưởng,…
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng hoan nghênh các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến hết sức sâu sắc về các vấn đề có liên quan ở thực tiễn Bộ, ngành, địa phương. Phó Tổng Thanh tra khẳng định mục đích cao nhất của Thông tư là khen thưởng người có thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng. Phó Tổng Thanh tra cũng gợi ý nên hình thành 01 Quỹ do Thanh tra Chính phủ quản lý, nhưng đó là Quỹ Quốc gia, ưu tiên thưởng cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo hành vi tham nhũng. Có thể tồn tại đồng thời một số Quỹ khác do cơ quan có thẩm quyền ở Bộ, ngành, địa phương quản lý vá trực tiếp khen thưởng. Nên xây dựng thành 02 Thông tư phù hợp với các nội dung của Luật Thi đua khen thưởng, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật Tố cáo. Mức khen thưởng phải xứng đáng, logic, để bù lại những thiệt hại tinh thần cho người được khen thưởng. Về vấn đề tiêu chuẩn và thủ tục, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, nên đưa ra các mức phù hợp với thẩm quyền (Liên bộ), đồng thời đề nghị cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là đối với việc khen thưởng đột xuất).
Với rất nhiều những ý kiến thực tiễn tâm huyết, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng bày tỏ sự kỳ vọng Thông tư Liên tịch quy định việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng sẽ sớm được hoàn thiện, ban hành kịp thời và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống./.
K. Dung