Hội thảo xây dựng tư liệu tập huấn kỹ năng tham gia đánh giá thực trạng thực thi công ước và các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương

Thứ sáu, 13/12/2013 07:08
(ThanhtraVietnam) – Sáng 12/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội thảo xây dựng tư liệu tập huấn kỹ năng tham gia đánh giá thực trạng thực thi Công ước và các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng chủ trì buổi Hội thảo.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng chủ trì buổi Hội thảo


Dự thảo về Cơ chế đánh giá trong khuôn khổ Công ước về Chống tham nhũng (UNCAC) và một số diễn đàn hợp tác đa phương khác có liên quan tập trung giải đáp và phân tích các nội dung như: Tổng quan về các cơ chế đánh giá về phòng, chống tham nhũng, cơ chế đánh giá trong khuôn khổ UNCAC, cơ chế đánh giá trong khuôn khổ Sáng kiến của ADB/OECD, cơ chế đánh giá trong khuôn khổ APEC.


Toàn cảnh Hội thảo


Hội thảo tập trung phân tích về Cơ chế đánh giá theo UNCAC. Cơ chế này quy định nguyên tắc đánh giá là: bình đẳng, chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia thành viên; mang tính kỹ thuật và phi chính trị, minh bạch, khách quan, không chỉ trích, toàn diện; không tạo ra bất kỳ hình thức phân chia thứ bậc, không phân biệt đối xử; bảo mật các thông tin, dữ liệu có liên quan đến quá trình đánh giá.

Ông Ngô Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Chống
tham nhũng - TTCP

 

Đồng thời, Cơ chế này cũng xác định mục tiêu đánh giá, đó là, thúc đẩy việc đạt được mục tiêu của UNCAC: nâng cao hiệu lực chống tham nhũng toàn cầu; thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt và bài học thành công giữa các quốc gia; thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là thu hồi tài sản; nhận diện nhu cầu và thúc đẩy cũng cấp hỗ trợ kỹ thuật giữa các quốc gia thành viên.

 

Theo Cơ chế đánh giá theo UNCAC, có 5 bước đánh giá: Chuẩn bị -> Tự đánh giá -> Đánh giá tại chỗ -> Đối thoại -> Kết thúc đánh giá. Các chuyên gia cho rằng, mỗi bước đều có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình đưa ra kết luận đánh giá mà không thể bỏ qua bất cứ giai đoạn nào. Nội dung Cơ chế đánh giá theo UNCAC tập trung đến các biện pháp phòng ngừa, vấn đề hình sự hóa và thực thi pháp luật, về hợp tác quốc tế, về thu hồi tài sản.

 

Cơ chế đánh giá trong khuôn khổ ADB/ OECD xây dựng nội dung gồm 03 trụ cột về xây dựng hệ thống công vụ hiệu quả và minh bạch; chống hối lộ, tăng cường liêm chính trong kinh doanh; tăng cường sự tham gia của công chúng. Còn Cơ chế đánh giá trong khuôn khổ APEC thì tập trung vào: chống tham nhũng trong kinh doanh; hợp tác xử lý hành vi tham nhũng; hợp tác trong dẫn độ tội phạm và thu hồi tài sản.

 

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu còn băn khoăn một số vấn đề liên quan đến thời điểm tiến hành tự đánh giá, mô hình phân công trách nhiệm (nhất là đối với giai đoạn phòng ngừa), hay, liệu có cách thức nào để các cơ quan của Việt Nam tham gia đánh giá mà không ảnh hưởng đến quy định bảo mật thông tin của Cơ chế đánh giá? Có ý kiến đề xuất nên chọn chuyên gia (am hiểu chuyên sâu, giỏi ngoại ngữ và pháp luật) và tổ chức tập huấn cho chuyên gia để đảm bảo tính hiệu quả thực tiễn của đánh giá.

 

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết thông tin về kết quả bốc thăm, trong năm 2013 -2014, Việt Nam tham gia hoạt động đánh giá thực thi Công ước đối với Trung Quốc và Cộng hòa Công – gô; hiện nay các bước tiến hành công việc đánh giá đang được triển khai theo đúng kế hoạch. Để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu tham gia hoạt động đánh giá thực thi Công ước, cũng như thúc đẩy hoạt động hợp tác Quốc tế về PCTN trong thời gian tới, vừa qua, theo ủy nhiệm vủa Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ký QĐ số 2572/QĐ-TTCP ngày 8/1/2013 ”Kiện toàn nhóm đánh giá việc thực thi công ước LHQ về CTN” với 14 thành viên. Nhóm có nhiệm vụ thực hiện các nghĩa vụ và yêu cầu về công tác đánh giá theo các Nghị quyết của Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước.

 

Từ những kinh nghiệm thu được trong quá trình tham gia cơ chế đánh giá của chu trình thứ nhất, với sự hỗ trợ của dự án “tăng cường năng lực tổng thể của ngành Thanh tra” (dự án Poscis), TTCP đã xây dựng dự thảo Tài liệu hướng dẫn kỹ năng tham gia cơ chế đánh giá thực thi Công ước và các diễn đàn hợp tác quốc tế đa phương về PCTN. Qua đó, hỗ trợ các thành viên trong nhóm đánh giá phát triển kỹ năng cần thiết tham gia hiệu quả hoạt động đánh giá, nhất là đối với những thành viên mới. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị các cơ quan, các chuyên gia đánh giá phải nắm vững Công ước LHQ, chú ý bổ sung những kiến thức pháp lý, kiến thức chuyên môn để có những đánh giá đúng đắn, khách quan nhất. Những đánh giá đó sẽ đóng góp hiệu quả trong quá trình thúc đẩy việc hoàn thiện và thực thi pháp luật.

 

Công ước LHQ về CTN là 1 văn bản quốc tế quan trọng, các quy định của Công ước là nguồn tham chiếu để các quốc gia thành viên hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về PCTN của mình; việc thực thi công ước đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động hợp tác quốc tế về PCTN, nhiều khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương như APEC, ADB/OECD hay quá trình đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang diễn ra hiện nay, thường dẫn chiếu các quy định của công ước như những tiêu chuẩn căn bản về PCTN trong các trụ cột về quản trị.  

VN phê chuẩn công ước tại QĐ số 950/2009/QĐ-CTN ngày 30/9/2009 của Chủ tịch nước. Trong hơn 4 năm qua, VN đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện Công ước, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của 1 quốc gia thành viên; trong đó tham gia các hoạt động thuộc cơ chế đánh giá thực thi Công ước trong Chu trình đánh giá thứ nhất đối với Chương III (Hình sự hóa và thực thi pháp luật) và chương IV(Hợp tác quốc tế), trên cả 2 cương vị: là quốc gia được đánh giá và quốc gia đi đánh giá đối với quốc gia thành viên khác.


K. Dung


nguyenthuhang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra