Chưa niêm yết công khai bảng giá dịch vụ KCB
Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; là bệnh viện đa khoa hạng I, quy mô 520 giường bệnh, gồm 07 phòng chức năng.
Năm 2018, bệnh viện được giao 520 giường kế hoạch, thực kê là 547 giường, với 530 nhân viên (trong đó có 165 bác sĩ, 258 điều dưỡng); đã thực hiện 216.172 lượt khám bệnh ngoại trú với 157.898 người bệnh có BHYT (chiếm 73%), trung bình 868 lượt khám/ngày. Tuy nhiên, tại Khoa khám bệnh, chưa niêm yết công khai bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh; tại Khoa Cấp cứu chống độc, sổ giao nhận thuốc, nhân viên giao nhận không ký, ghi rõ họ tên mà chỉ ghi tên.
Mặc dù, bệnh án được làm theo mẫu của Bộ Y tế, được bảo quản và quản lý thống nhất tại Phòng Kế hoạch tổng hợp nhưng trong một số bệnh án (như các bệnh án số: 1194, 1037, 1857, 1157, 6662, 1135…) chữ viết còn viết ngoáy, viết tắt. Việc ghi chép các thủ tục hành chính chưa đầy đủ, như: Ngày, giờ vào viện và vào khoa, các chỉ số mạch, nhiệt độ, huyết áp, giờ mổ, diễn biến bệnh... Một số tờ điều trị không ghi tên người bệnh, số giường, số buồng hoặc ghi sai tuổi người bệnh, dùng bút xoá để tẩy, xoá nhiều chỗ trong bệnh án, dán các tờ trong bệnh án lộn xộn không theo quy định; một số Phiếu xét nghiệm sinh hóa, huyết học không có tên và chữ ký của các bác sỹ chỉ định xét nghiệm.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Y tế, hầu hết các khoa của Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp có sổ ghi Biên bản Hội chẩn theo mẫu của Bộ Y tế song việc ghi chép trong sổ ghi biên bản hội chẩn và Tờ trích biên bản hội chẩn dán trong bệnh án nội dung ghi chép còn sơ sài, không có tên các bác sỹ tham gia hội chẩn, chưa đầy đủ chữ ký của người chủ trì và các thành viên tham gia (thậm chí có Biên bản chỉ có một chữ ký của chủ toạ hoặc thư ký).
Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp
Ghi chép trong bệnh án người bệnh tử vong và Biên bản kiểm thảo tử vong ở một số bệnh án còn sơ sài, chưa chặt chẽ, như: Không có thành viên tham gia, chỉ có thư ký, không có chủ tọa (Bệnh án mã số 10059), không có biên bản kiểm thảo tử vong dán trong bệnh án (bệnh án mã số 6922).
Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp cũng chưa xây dựng, ban hành và triển khai quy định về hoạt động giới thiệu thuốc trong phạm vi bệnh viện; quy định kiểm soát các thông tin về thuốc mà người giới thiệu thuốc và quảng cáo thuốc thực hiện theo quy định tại tiết 2 điểm 2 Điều 9 Thông tư số 21/2013/TT-BYT ngày 08/8/2013 của Bộ Y tế.
Bệnh viện chưa xây dựng kế hoạch triển khai áp dụng các nguyên tắc thực hành bảo quản thuốc tốt GSP. Diện tích kho chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu bảo quản thuốc.
Chưa tuân thủ quy định về thời gian, tỷ lệ tạm ứng kinh phí KCB BHYT
Năm 2018, Bệnh viện và Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hà Nội ký hợp đồng KCB BHYT số 02/HĐKCB-BHYT ngày 02/01/2018. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng giữa hai bên có nội dung chưa thỏa thuận chi tiết, cụ thể, có nội dung chưa đúng quy định của pháp luật về BHYT.
Điểm b Khoản 1 Điều 6 ghi: Bên A có quyền từ chối thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT không đúng quy định; tại Khoản a điểm 3 Điều 3: Trong thời hạn 5 ngày đầu mỗi tháng, bên B có trách nhiệm gửi bản tổng hợp, đồng thời gửi dữ liệu điện từ hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT của quý trước cho bên A, nhưng theo quy định của Luật BHYT là trong thời hạn 15 ngày; về giám định BHYT và từ chối thanh toán chi phí KCB BHYT, chưa căn cứ Điều 29 Luật BHYT để thỏa thuận chi tiết, cụ thể bảo đảm việc giám định chính xác, công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả giám định...
Ngoài ra, những nội dung về trách nhiệm cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người có thẻ BHYT khi đến KCB theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BYT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BHXH thuộc lĩnh vực Y tế, nên thỏa thuận và ký Phụ lục hợp đồng kèm theo.
Đáng chú ý, đơn vị bảo hiểm và Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp chưa tuân thủ đúng quy định về thời gian và tỷ lệ tạm ứng kinh phí KCB BHYT, quy định tại điểm a, b Khoản 1 Điều 32 Luật BHYT số 25/2008/QH12 và Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Mặt khác, năm 2018, BHXH TP. Hà Nội thực hiện giám định 01 lần/quý, phương pháp giám định theo thực tế căn cứ Mẫu 19, 20, 21; giám định theo chuyên đề (nội dung theo yêu cầu của BHXH TP. Hà Nội) và giám định điện tử. Tuy nhiên, phương pháp giám định tập trung theo tỷ lệ như Hợp đồng đã ký không được thực hiện; thời gian giám định chậm so với quy định; Biên bản xác nhận sai sót sau giám định Quý I, II/2018 đại diện cơ quan BHXH TP. Hà Nội (tổ giám định) không ký, chỉ đại diện bệnh viện ký và không ghi rõ ngày lập Biên bản. Tại thời điểm thanh tra, Bệnh viện và BHXH TP. Hà Nội chưa thống nhất Biên bản giám định Quý III, IV/2018.
Đoàn thanh tra đã kiểm tra xác suất 20 hồ sơ Bệnh án ngoại trú, 104 Bảng kê thanh toán Mẫu 01/BV; 30 hồ sơ Bệnh án nội trú kèm bảng kê thanh toán Mẫu 02/BV, quý I và Quý II/2018. Kết quả cho thấy, Bệnh viện thực hiện thống kê chi phí KCB cho người bệnh BHYT không đúng Mẫu số 01/BV và Mẫu số 02/BV ban hành theo Quyết định số 3455/QĐ-BYT ngày 16/9/2013 của Bộ Y tế. Đồng thời, còn có bảng kê chi phí KCB BHYT người bệnh ký xác nhận không đúng họ tên bệnh nhân, hoặc người ký thay không ghi rõ mối quan hệ. Có bệnh án được kiểm tra nội dung còn tẩy xóa, viết đè nội dung chẩn đoán, tổng số ngày điều trị.
Năm 2018, Bệnh viện và cơ quan BHXH TP. Hà Nội chưa đảm bảo về thời gian gửi báo cáo đề nghị thanh toán, thời gian thanh, quyết toán và thời gian hoàn thành thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 32 Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 và Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Hợp đồng KCB BHYT. Ngoài ra, trên Mẫu C82-HD Quý I, II/2018, Bệnh viện không có ý kiến gì về việc chậm giám định và thanh, quyết toán của BHXH TP. Hà Nội.
Để tìm hiểu về việc xử lý sau kết luận thanh tra, PV đang liên hệ với người có trách nhiệm của Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp và sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin tới bạn đọc khi có diễn biến mới.
Minh Nguyệt