Dự án Vành đai 3 TP.HCM và 2 cao tốc trục ngang:

Bước đột phá trong cơ chế chính sách

Thứ hai, 19/06/2023 14:01
(ThanhtraVietNam) - Ngày 18/6/2023, UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Lễ khởi công 3 dự án: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ 

Lễ khởi công được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại TP HCM (khởi công dự án đường Vành đai 3) kết nối với các điểm cầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (khởi công Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu) và Đắk Lắk (khởi công dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột).

Tại điểm cầu TPHCM, tham dự có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường, cùng các lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo TPHCM và các địa phương có các dự án đi qua.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQCP ngày 15/8/2022 để triển khai thực hiện.

leftcenterrightdel
 

Dự án vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,3km, đi qua 4 địa phương: TP.HCM (47,35km), tỉnh Đồng Nai (11,26km), tỉnh Bình Dương (10,76km), tỉnh Long An (6,81km).

Dự án chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương làm hai dự án gồm xây lắp và mặt bằng. Dự án có tổng mức đầu tư 75.378 tỉ đồng, từ vốn ngân sách trung ương và các địa phương.

Đối với dự án thành phần đoạn qua địa bàn TP.HCM, hiện đã có mặt bằng 356ha/410ha (đạt khoảng 87%).

Trong đó, tỉ lệ bàn giao mặt bằng tại thành phố Thủ Đức đã đạt khoảng 73%, huyện Củ Chi đã đạt khoảng 83%, huyện Hóc Môn đã đạt khoảng 95%, huyện Bình Chánh đạt khoảng 92%.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là 3 dự án giao thông trọng điểm quốc gia, được chủ trương của Bộ Chính trị, sự phê chuẩn của Quốc hội, sự đồng hành của các địa phương và sự ủng hộ của nhân dân.

 “03 dự án khởi công hôm nay được áp dụng cơ chế đặc thù khi giao cho địa phương làm chủ quản dự án. Áp dụng nguồn lực cơ chế ngân sách từ nhiều nguồn, từ địa phương và trung ương. Cùng với các cơ chế đặc thù đã giúp chúng ta rút ngắn thời gian, đột phá trong cơ chế chính sách”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thực tiễn đã chứng minh, giao thông vận tải nói chung và đường bộ cao tốc, sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng chiến lược phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhất là về kinh tế - xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, trong thời gian rất ngắn, việc bàn giao mặt bằng để thi công đạt được 87%, là cột mốc, kinh nghiệm quý để TP HCM triển khai các dự án khác. Kết quả này minh chứng cho tính đúng đắn của chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, lần đầu tiên giao cho địa phương quản lý một dự án quy mô rất lớn, phức tạp, liên vùng; nhưng với quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, dự án đã đạt được thành công bước đầu, rất đáng khích lệ và trân trọng.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: “03 dự án khởi công hôm nay được áp dụng cơ chế đặc thù khi giao cho địa phương làm chủ quản dự án. Áp dụng nguồn lực cơ chế ngân sách từ nhiều nguồn, từ địa phương và trung ương. Cùng với các cơ chế đặc thù đã giúp chúng ta rút ngắn thời gian, đột phá trong cơ chế chính sách”.

Thủ tướng đánh giá cao, ghi nhận và biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các địa phương, các bộ ngành, cơ quan đã chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, phối hợp chặt chẽ để triển khai công việc; chính quyền và nhân dân 7 tỉnh, thành phố có dự án đi qua (TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đắk Lắk) đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện dự án.

Thời gian tới, Thủ tướng đặt ra 6 yêu cầu khi triển khai các dự án trong thời gian tới. Trong đó, yêu cầu các cấp tăng cường, nâng cao trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, giám sát trên tinh thần vô tư, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. UBND các tỉnh, thành phố triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý III/2023, chậm nhất là 31/12/2023.

Thủ tướng cũng đề nghị và kêu gọi người dân có đất phải thu hồi phục vụ dự án tiếp tục ủng hộ chủ trương lớn của Nhà nước, tạo điều kiện cho các đơn vị, địa phương thi công dự án. 

Thay mặt các địa phương có 3 dự án đi qua, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi gửi lời cảm ơn đến các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc Hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các Bộ, ngành Trung ương đã quan tâm, có sự chỉ đạo quyết liệt để các dự án được khởi công hôm nay.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng, đường Vành đai 3 TPHCM là con đường của “ý Đảng, lòng dân”, đặc biệt dự án nhận được sự đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ của người dân trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng. Chủ tịch bày tỏ mong muốn nhân dân, các tổ chức, các hộ gia đình tiếp tục ủng hộ, đồng hành, hãy cùng là đồng tác giả của công trình trọng điểm này, đồng thời đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trung ương tiếp tục quan tâm, đầu tư các công trình trọng điểm tại khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi, khối lượng công việc thời gian tới là rất lớn, nhiều thách thức và nhiều áp lực phải hoàn thành theo yêu cầu đặt ra của Quốc hội, Chính phủ phải thông xe tuyến chính cao tốc vào cuối năm 2025, hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án đường Vành đai 3 TPHCM vào năm 2026. Đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề đối với TPHCM và các địa phương.

Thay mặt các địa phương có các dự án đi qua, Chủ tịch Phan Văn Mãi cam kết với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, với Trung ương là TPHCM cùng các tỉnh quyết tâm, đoàn kết sẽ hoàn thành triển khai Dự án theo đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và mong mỏi của người dân trong vùng./.                                                                                                                      

 

Thanh Thủy
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra